Còn tình trạng “trục lợi” trong đăng ký hộ tịch ở Thái Nguyên

Tổng kết 25 năm công tác đăng ký hộ tịch trên địa bàn, UBND tỉnh Thái Nguyên thẳng thắn: Với các quy định về khai sinh và quyền được thay đổi họ tên, chữ đệm, xác định lại dân tộc hiện nay dẫn đến tình trạng một số người lợi dụng các quy định của pháp luật để thay tên, đổi họ nhằm giấu giiếm tung tích hoặc lợi dụng chính sách dân tộc để trục lợi.

Tổng kết 25 năm công tác đăng ký hộ tịch trên địa bàn, UBND tỉnh Thái Nguyên thẳng thắn: Với các quy định về khai sinh và quyền được thay đổi họ tên, chữ đệm, xác định lại dân tộc hiện nay dẫn đến tình trạng một số người lợi dụng các quy định của pháp luật để thay tên, đổi họ nhằm giấu giiếm tung tích hoặc lợi dụng chính sách dân tộc để trục lợi.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Cơ quan nhà nước dễ bị “lệ thuộc”

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nhữ Văn Tâm đánh giá, công tác đăng ký quản lý hộ tịch đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Đặc biệt, công tác này thực sự có nề nếp từ khi thực hiện Nghị định số 83 và sau đó là Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tại Thái Nguyên đã phát sinh những vướng mắc, nhất là về quyền được khai sinh và quyền thay đổi, cải chính họ tên, xác định lại dân tộc.

Theo quy định, khi đăng ký khai sinh, việc xác định họ của trẻ em theo họ cha hoặc họ mẹ; dân tộc của trẻ em theo dân tộc của cha hay dân tộc của mẹ và việc đặt tên cho trẻ do cha mẹ hoặc người có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh lựa chọn và đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, quyền này của trẻ em hoàn toàn do cha mẹ, người có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đảm bảo, không phụ thuộc vào ý chí của người được hưởng quyền (giống như trẻ em sinh ra không có quyền lựa chọn cha, mẹ).

Việc quy định các dữ kiện họ, tên, dân tộc, ngày tháng năm sinh đã được đăng ký theo đúng các quy định của pháp luật và đúng trình tự thủ tục được thay đổi, cải chính theo ý chí của người có họ, tên, dân tộc như hiện nay là chưa phù hợp đã dẫn đến tình trạng một số người lợi dụng quy định này của pháp luật để thay tên, đổi họ nhằm giấu diếm tung tích hoặc lợi dụng chính sách dân tộc để trục lợi. UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết.

Tương tự về đăng ký lại việc sinh theo quy định của pháp luật hiện hành thì những người mất giấy khai sinh và sổ gốc đăng ký khai sinh trước đây cũng không còn lưu trữ được thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký lại. Trường hợp trong hồ sơ giấy tờ cá nhân không có sự thống nhất giữa các dữ kiện có liên quan đến giấy khai sinh như họ tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc... thì đăng ký theo tài liệu được thiết lập đầu tiên.

Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, đây là những trường hợp rất phức tạp và những người đi đăng ký lại cũng có thể không xác định chính xác các dữ kiện. Như vậy sẽ có tình trạng cơ quan có thẩm quyền đăng ký lại việc sinh lệ thuộc vào tài liệu do người có yêu cầu cung cấp theo mục đích của họ. Sau khi đã đăng ký xong có khi lại phát hiện có tài liệu cũ hơn, có giá trị pháp lý cao hơn tài liệu mà người có yêu cầu đã xuất trình để làm căn cứ đăng ký lại việc sinh gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan, tổ chức đang quản lý hồ sơ của người đó.

Khó khăn vì cán bộ còn nhiều kiêm nhiệm

Những năm gần đây, đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch từ cấp xã đến cấp tỉnh của Thái Nguyên đã có nhiều lớn mạnh. Tại cấp tỉnh Sở Tư pháp không tổ chức Bộ phận một cửa để tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ tịch theo thẩm quyền mà giao cho phòng Hành chính tư pháp thực hiện. Các công chức của phòng Hành chính tư pháp đều có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.Cấp huyện hiện có từ 3-4 biên chế/phòng tư pháp.

Tại cấp xã xác định xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã là lực lượng quan trọng của ngành, trong nhiều năm qua tỉnh Thái Nguyên đã có những chính sách ưu tiên nhất định nhằm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu công việc được giao. Hiện nay 181/181 xã, phường, thị trấn đã bố trí được cán bộ làm công tác hộ tịch.

Tuy nhiên theo UBND tỉnh Thái Nguyên, khó khăn nhất là ở cấp xã, công chức tư pháp - hộ tịch còn kiêm nhiệm nhiều việc, mỗi đơn vị cấp xã chỉ có 01 cán bộ, có khi luân chuyển không bố trí kịp thời nên có những thời điểm không có cán bộ tư pháp hộ tịch. Khối lượng công việc nhiều, công tác hộ tịch chiếm phấn lớn thời gian làm việc trong ngày trong khi trình độ chuyên môn còn hạn chế, địa bàn phụ trách rộng…Vì vậy vẫn còn tình trạng gây phiền hà cho nhân dân khiến cho công tác quản lý hộ tịch gặp khó khăn.

Ủng hộ việc xây dựng chức danh hộ tịch viên theo dự án Luật hộ tịch do Bộ Tư pháp xây dựng, tuy nhiên theo UBND tỉnh Thái Nguyên cần quy định tiêu chuẩn hộ tịch viên theo hướng: hộ tịch viên ở cấp tỉnh, cấp huyện phải có trình độ Đại học luật trở lên; Cấp xã có trình độ Trung Cấp luật trở lên; có phụ cấp tương ứng với từng chức danh có chế độ thâm niên để đảm bảo giữ ổn định đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch. Điều kiện bổ nhiệm hộ tịch viên: phải có thời gian công tác hộ tịch trên 5 năm trở lên.

Kim Bình

Đọc thêm