Con trai công tử Bạc Liêu chạnh lòng với huyền thoại về cha

Nếu hiểu và cảm thông, người đời sẽ cảm nhận rằng ông Đức đang chỉ muốn lọc bớt những “sạn”, những “cặn” từ lâu đã lắng trong các giai thoại về gia đình mình. Ông chỉ muốn người đời hiểu đúng hơn biết đúng hơn về một con người có tính cách rất thú vị từng là tâm điểm của Bạc Liêu - Công tử Trần Trinh Huy.

Được xem như một trong những nhân chứng sống cuối cùng của dòng họ Trần Trinh, Trần Trinh Đức, người con của vị công tử Bạc Liêu nức tiếng giàu có nhất Nam Kỳ lục tỉnh Trần Trinh Huy, đang loay hoay tìm cách lọc đi những “sạn”, những “cặn” từ lâu đã lắng trong các giai thoại về cha mình.

Công tử Bạc Liêu.
Công tử Bạc Liêu.
Đoạn cuối vàng son của công tử Bạc Liêu
Ông Trần Trinh Đức mang phong thái ung dung và lịch thiệp một cách cổ điển. Phong thái ấy chẳng phải do ông cố tỏ ra như vậy, đó hẳn là cái gen của dòng dõi hào hoa, tài tử. Thế nên, nó toát ra một cách tự nhiên không miễn cưỡng, chiếm ngay được cảm tình của người gặp. 
Ông Đức làm tại Khu du lịch sinh thái Hồ Nam (TP.Bạc Liêu). Ông cho biết: “Tôi được nhận vào đây làm việc như một hướng dẫn viên. Công việc chính của tôi là trò chuyện, trả lời những thắc mắc của khách du lịch về cha tôi - Công tử Bạc Liêu, ông Trần Trinh Huy”.
Chia sẻ về công việc mới, ông cho biết: “Hầu như ai cũng biết về ba tôi, họ gặp tôi chỉ mong chứng thực những giai thoại về Công tử Bạc Liêu trong những lời kể của dân gian”.  
ô
Ông Trần Trinh Đức hiện sống kham khổ.
Nói về mình, dẫu trên khuôn mặt ông không gợn chút niềm xót xa nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được nỗi niềm ấy trong giọng kể. Ông cho biết ông sinh ra trong lúc vị Công tử Bạc Liêu đã qua thời cực thịnh. Thế nhưng, lên 7 tuổi, ông vẫn được cha gửi vào học nội trú tại trường Lasan Taber có tiếng thuộc dòng La Salle Saigon. Cuối tuần, ông lại được đích thân cha đánh chiếc Ford – Mercury, dòng xe hơi sang trọng dành cho giới thượng lưu trên thế giới lúc bấy giờ, rước về nhà lớn của gia đình ở Bạc Liêu. 
Vài năm sau, ông được cha đưa lên Sài Gòn học để quản lý tài sản là các dãy phố. Tại đây, ông được sống trong căn biệt thự sang trọng số 117 đường Nguyễn Du (Q.1), về sau chuyển qua một biệt thự khác trên đường Nhất Linh nay là đường Nguyễn Huy Tưởng (Q.Gò Vấp). 
Năm 1973, đoạn đời những tưởng được trải trên nhung lụa của ông bắt đầu đi vào hồi bế tắc. Mở đầu những tháng năm “tàn cảnh vàng son” đó là việc cha ông qua đời. Sau sự kiện buồn thương này, gia đình giàu nhất Nam Kỳ lục Tỉnh một thời lung lay rồi những khó khăn ập đến. Để chống đỡ, gia đình thống nhất bán căn biệt thự trên đường Nhất Linh. Ông nhận phần của mình và chuyển về nhà vợ trên đường Huỳnh Tịnh Của (Quận 3, TP HCM) sinh sống. Tại đây, vốn được thừa hưởng tài năng kinh doanh của cha, với số vốn kha khá, ông nuôi sống gia đình bằng nghề buôn bán. 
Chia sẻ với chúng tôi, ông tự tin nói: “Tôi là người kiếm tiền rất giỏi, là một trong những người đầu tiên bán tivi màu tại đất Sài Gòn”. Thời gian này, nếu đem so sánh với cuộc sống trước đây tại Nhà Lớn ở Bạc Liêu thì gia sản ông chỉ như hạt cát trên bãi biển, nhưng gia đình cũng có của ăn của để. Bằng chứng là có thời gian gia đình ông còn mở cả nhà hàng. Thế nhưng, câu nói “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” dường như vận vào cuộc đời ông để đến hôm nay, khi đã đi gần hết đoạn đường đời ông vẫn hai bàn tay trắng.
Khánh kiệt vì con cái, nợ nần

Theo dòng hồi tưởng thấm đầy nước mắt, chúng tôi được biết, cuộc sống của ông dần sa sút rồi gia sản khánh kiệt khi người con gái duy nhất của ông sa chân vào cờ bạc, nợ nần. Chia sẻ về quá khứ đau lòng ấy, ông chua chát tâm sự: “Nó bị lừa cả tình lẫn tiền”.

Theo lời ông, cô con gái đem lòng yêu một người có "máu" cờ bạc. Ban đầu hắn dụ dỗ cô mang tiền đến các sòng bạc cùng hắn sát phạt. Về sau, cô bắt đầu tham gia và vỡ nợ. Số nợ lớn đến nỗi sau khi gia đình ông đã bán hết gia sản mà vẫn không trả hết. Năm 2008, không còn đường nào khác, ông đành dắt díu vợ và cô con gái vượt biên trốn sang Campuchia để lánh nợ.

Khách sạn Công tử Bạc Liêu.
Khách sạn Công tử Bạc Liêu.
Kể về những tháng ngày tha hương cầu thực này, ông bùi ngùi: Lúc đầy sang, khác ngôn ngữ, khác phong tục mặc dù có người quen nhưng khổ vô cùng. Để mưu sinh nuôi vợ cùng đứa con gái mắc bệnh tâm thần phân liệt, ông phải chạy thang thuốc hàng ngày, phải quăng mình vào đời làm đủ mọi nghề.
Với số tiền lận lưng ít ỏi cuối cùng, ông đem ra mua giày da cũ về tân trang lại rồi đem bán ở chợ Nam Vang (Phnom Penh). Ban đầu còn kiếm được bữa cơm qua ngày nhưng về sau làm không đủ ăn. Phần vì cuộc sống ở đây hỗn tạp và bạo động quá và phần vì nhớ quê nên hai năm sau lại đùm túm kéo nhau về lại Sài Gòn.
Trở lại cố hương, cơ ngơi đã tiêu tán, ông đành ở nhà thuê, hành nghề chạy xe ôm để kiếm sống. Ông cho biết vẫn thường đón khách ở góc đường Pasteur – Điện Biên Phủ (Q.3) từ 5h đến tận 24h. 
Tại đây, ông may mắn được một người khách đi xe hiểu hoàn cảnh , hướng dẫn cho ông viết đơn xin địa phương căn nhà để có nơi thờ cúng tổ tiên. Thông tin về việc này, ông cho biết: “Căn Nhà lớn hiện nay là Khách sạn Công tử Bạc Liêu vốn là căn nhà của cha tôi để lại cho các anh em của ông làm nơi thờ tự tổ tiên. Thế nên tôi có ý xin để anh em, con cháu trong dòng tộc có nơi hương hỏa, thờ tự ông bà chứ không hề xin cho riêng bản thân mình”. 
Tại bạc Liêu, trong một lần về giỗ cha, ông được gặp gỡ ông Nguyễn Chí Luận, Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Bạc Liêu và được vị giám đốc này cho mượn 300 m2 trong 50 năm để ông có chốn dừng chân và kết hợp làm phủ thờ Công tử Bạc Liêu. Đích thân ông Nguyễn Chí Luận và nhà văn Phan Trung Nghĩa đã ra đất ấy thắp nhang, động thổ, vậy mà đến nay mảnh đất ấy vẫn bị bỏ hoang và ông vẫn phải ở nhà tạm. 
Công tử Bạc Liêu không chơi ngông
Sau 6 năm chật vật cùng cuộc sống đắt đỏ ở Sài Gòn, tháng 7/2010, ông quyết định đưa vợ con về cố hương. Ông được Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Hồ Nam tạo điều kiện nhận vào làm hướng dẫn viên. Tại đây, công việc của ông là trò chuyện, thuyết trình trả lời những thắc mắc của khách du lịch về người cha nổi tiếng của mình. Ông cho biết: “Câu hỏi mà ông nhận được nhiều nhất là về giai thoại Công tử Bạc Liêu đốt tiền nấu trứng, nấu chè…”.
Hầu như ai cũng biết đến vị Công tử Bạc Liêu cũng như những giai thoại về ông. Thế nhưng ít ai biết được thực hư đằng sau những câu chuyện được truyền trong dân gian. Người đời có chăng cũng chỉ biết đến cha ông - Trần Trinh Huy với biệt danh Công tử Bạc Liêu hào hoa phóng túng, chơi ngông, có những nhìn nhận không mấy khách quan và thiếu thiện cảm.

 Giai thoại “Đốt tiền nấu trứng, nấu chè…” 

Ông Trần Trinh Đức quả quyết: “Không hề có chuyện đó. Bởi ông nội Trần Trinh Trạch quản lý gia sản rất chặt, mặc dù cha tôi có thể tiêu bạc trăm bạc ngàn nhưng hẳn không dám đem tiền ra đốt tiền như vậy.

Đặc biệt với một con người chịu ảnh hưởng rất mạnh của văn hóa phương Tây văn minh ông sẽ không chứng minh bản lĩnh bằng hạ sách đó. Tôi khẳng định chưa bao giờ nghe cha mình cũng như gia đình thông tin về việc này. Đó chỉ là những lời đồn đại, thêm thắt của dân gian mà thôi”.

Chia sẻ về nhận định trên, ông cho biết: “Tôi cũng xem nhiều báo, nhiều tài liệu cũng thấy nhiều người nghĩ và hiểu về ba tôi sai quá.

Thậm chí còn có những tờ báo, phim ảnh viết sai sự thật làm ảnh hưởng đến cả dòng họ, khiến người đời hiểu lầm về nhân cách ba tôi” . 

Lấy một ví dụ điển hình, ông cho biết việc cha ông mua máy bay, người đời chê là chơi ngông, phô trương thanh thế. Tuy nhiên, sự thật đằng sau sự kiện là người thứ hai (sau vua Bảo Đại) ở Việt Nam mua được máy bay là cả một bài toán áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. Ba ông mua máy bay ngoài việc đi thăm ruộng muối, ruộng lúa bạt ngàn của gia đình còn nhằm mục đích phun thuốc trừ sâu cho lúa trên diện tích rộng.
Ông cũng khẳng định rằng cha ông không hề tham gia vào bất kỳ một hoạt động chính trị nào bất lợi cho cách mạng. Cụ thể là vào năm 1947, cha ông hưởng ứng lời kêu gọi của Bí thư Tỉnh Ủy tỉnh Bạc Liêu, ông Hai Sớm (bí danh Trần Văn Phong ) tham gia giúp đỡ cách mạng bằng thóc gạo và thuốc men. 
Sẽ là tiêu cực khi nói ông đang cố làm mới những giai thoại về Công tử Bạc Liêu. Thế nhưng, nếu hiểu và cảm thông, người đời sẽ cảm nhận rằng ông đang chỉ muốn lọc bớt những “sạn”, những “cặn” từ lâu đã lắng trong các giai thoại về gia đình mình. Ông chỉ muốn người đời hiểu đúng hơn biết đúng hơn về một con người có tính cách rất thú vị từng là tâm điểm của Bạc Liêu - Công tử Trần Trinh Huy.
Trần Phong Nguyên

Đọc thêm