Nhiều bậc cha mẹ giấu giếm con cái mọi khó khăn và khổ đau trong cuộc sống của mình với ý tốt là mong chúng được lớn lên trong bình yên, hạnh phúc “tròn xoe”. Điều này đem lại lợi - hại như thế nào?
|
Sốc... Ảnh minh họa |
Sốc khi biết hạnh phúc gia đình chỉ là giả tạo
Chị Nguyễn Thị Mai Hương - giáo viên một trường mầm non tại quận Tân Phú (TP.HCM) tâm sự, chị sẽ không bao giờ tha thứ cho mình, bởi với sự bao bọc con quá mức, chị đã không chuẩn bị cho con tinh thần vững chãi để đối mặt với những cú sốc trong cuộc sống.
Hai vợ chồng chị Hương ly thân đã 3 năm bởi chồng chị đã có người đàn bà khác. Còn chị thì chưa có ai nhưng đã thực sự chán ngán cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, cả hai vợ chồng chị lại rất thống nhất với nhau ở một điểm: Giấu không cho đứa con gái duy nhất biết sự thật!
“Cháu mới vào cấp 3, phải để cho tâm lý cháu ổn định mà học hành và phát triển. Vì vậy vợ chồng tôi lúc ở ngoài ra sao không cần biết, chứ về nhà thì lúc nào cũng vui vẻ, đầm ấm” - chị Hương tâm sự. Nhưng rồi cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra...
“Lúc biết được sự thật, con gái Tú Anh của tôi đã bỏ học, bỏ nhà đi 2 tháng trời. Vợ chồng tôi xuôi ngược đi tìm mãi mới đem được cháu về. Hóa ra cháu đến tá túc ở quê của một người bạn thân đã bỏ học, cùng bạn đi làm nghề đan giỏ cho người ta. Hỏi sao lại giải quyết kiểu ấy, cháu chỉ nói đơn giản, mà vợ chồng tôi thấm thía vô cùng: “Con thà bỏ học đi làm việc chân tay còn hơn ở nhà thấy cha mẹ diễn kịch với con như vậy. Cha mẹ không nghĩ con đã lớn rồi, có thể chấp nhận ba mẹ li dị nhau hay sao mà làm khổ mình suốt bao lâu như vậy”...”.
Câu chuyện của chị Thu Hương tuy đáng buồn nhưng kết cục của nó vẫn còn có thể cứu vãn được: Vợ chồng chị Hương li dị nhau, cô bé ở với mẹ, học lại một năm cuối cấp. Không may mắn như thế, chuyện của Hải - con trai chị Thùy Vân đã trở thành bi kịch đau lòng.
Hai vợ chồng chị Vân có công ty riêng, làm ăn khấm khá. Hải là con trai độc nhất nên hầu như chẳng thiếu thứ gì so với bạn bè. Vợ chồng chị Vân cho con học thêm các môn “thời thượng” như đàn, vẽ, anh văn... Xe và điện thoại của Hải cũng thuộc hàng “xịn” mà nhiều cậu choai choai phải mơ ước. Rồi công việc làm ăn ngày càng xuống dốc, căng thẳng chuyện tiền bạc, nhưng với con, anh chị vẫn tuyệt nhiên không cho biết, sợ làm ảnh hưởng đến việc học hành và tâm lý con. Mức sinh hoạt của con, anh chị vẫn đảm bảo như trước đây, sẵn sàng chiều theo hầu hết mọi nhu cầu và ý muốn của con, mặc dù mình phải gồng gánh hết sức.
Nhưng rồi, anh chị phải nhận lại kết quả không hề xứng đáng sự hy sinh của hai vợ chồng. “Cậu ấm” bị bắt trong một bữa “tiệc lắc” xa hoa khủng khiếp ở Vũng Tàu. Để có tiền “bao” các cô gái tham gia, các cậu trai trong nhóm đã cầm cố xe cộ, điện thoại xịn của mình. Nuông chiều quá mức, không cho con cùng chia sẻ những khó khăn của gia đình, vợ chồng chị Thùy Vân đã vô tình biến con thành một cậu ấm vô tâm và hư hỏng lúc nào không hay...
Ta còn bắt gặp trong cuộc sống rất nhiều những đứa trẻ lớn lên, trở thành “người lạ” trong chính mái ấm của mình, những thanh, thiếu niên chỉ biết vòi vĩnh, đòi hỏi, nhận, mà không bao giờ quan tâm đến vết chai trên tay cha, giọt nước mắt và nếp nhăn trên má mẹ. Ở nhiều trường hợp, phần lỗi lớn thuộc về những bậc cha mẹ quá “bọc” con trong kén, khiến chúng trở nên xa lạ với tất cả những gì diễn ra trong gia đình. Chị Th. H, chuyên viên tâm lý của tổng đài 1088 kể, chị từng gặp nhiều trường hợp, người mẹ bị cha bạo hành suốt 15 năm trời mà cắn răng chịu đựng, không hề cho con biết. Đứa con trai của chị lớn lên, vô tâm đáng trách đến mức luôn tin rằng những vết thâm trên mặt là do mẹ “mắt yếu, va nhầm vào cửa”...
Chia sẻ với con: Phải khéo léo, đúng cách
Tuy nhiên, cũng theo chuyên viên tư vấn trên, chia sẻ với con là điều cần thiết, nhưng phải tùy từng độ tuổi và tính các, đồng thời việc chia sẻ cũng phải từ từ và đúng cách. Nhiều trường hợp, người cha, mẹ đã chọn kiểu “chia sẻ” bằng cách trút tất cả bất mãn về người bạn đời với con mình, cho dù đứa trẻ chưa đủ tuổi để hiểu và đối mặt với những vấn đề ấy. Cũng có những đứa trẻ gia đình phải đem đến bác sĩ tâm lý khám vì mắc phải chứng trầm cảm, cuối cùng khám phá ra nguyên nhân là do chứng kiến quá nhiều chuyện không hay trong gia đình.
Chị Trần Thanh Thiên, lập trình viên một công ty tin học tại quận 7 chia sẻ bài học về mặt trái của sự “chia sẻ” từ cha mẹ mà chị từng là nạn nhân: “Có những lúc, tôi ao ước giá mà mình đừng biết nhiều chuyện trong nhà đến vậy thì đỡ khổ biết mấy. Ngày từ còn nhỏ, cha mẹ tôi đã đặt lên vai tôi áp lực phải thoát ra khỏi cái nghèo, phải trả hết nợ nần cho gia đình.
Tôi lớn lên luôn luôn ám ảnh bởi gánh nặng đó, làm bào nhiêu cũng gởi về, “cày” cật lực, đi chơi với bạn bè cũng không dám đi vì sợ phung phí. Giờ đây mọi chuyện khá ổn, nhưng vẫn mỗi ngày một cuộc gọi ở quê lên, nào là mái nhà dột chưa sửa được, tường vôi cũ, ba mẹ cãi nhau lặt vặt, thằng em út vợ mới sinh... Tôi nghĩ, nếu sau này mình có con, bằng mọi giá sẽ không “chia sẻ” cái kiểu như gia đình tôi, cho con sống như mong muốn của nó, miễn không vô tâm là được”...
Chia sẻ cho con là điều nên làm, nhất là ở thời đại hiện nay, khi mà trẻ ngày càng mở rộng giao tiếp xã hội, thì việc chia sẻ còn là sợi dây êm ái “níu” người con không đi quá xa gia đình, là mối dây ràng buộc để mỗi thành viên gắn kết, có trách nhiệm với gia đình, thấu hiểu và sẻ chia với những nỗi niềm của người thân nhiều hơn.
Tuy nhiên, để biến con thành “người bạn lớn” của cha mẹ hoàn toàn không dễ dàng. Cần hiểu rằng, ngay cả khi chia sẻ với con như một bậc người lớn thật sự, thì cũng không được quên, việc chia sẻ ấy hoàn toàn là vì hạnh phúc của cha mẹ và con, vì sự vững chãi đối mặt với cuộc sống sau này của con trẻ, chứ không phải là đem áp lực và những nỗi niềm của mình trút lên vai con...
Ngọc Mai