Chỉ cần đỗ, thứ gì cũng chiều
Ngay từ đầu năm học, nhiều bậc phụ huynh thỏa thuận treo thưởng ngay cho con: Nếu con đạt thành tích học tập cao, bố mẹ sẽ mua quần áo đẹp, đồ chơi “xịn”, xe mới. Hoặc cuối năm học, con không có giấy khen mang về thì đừng hòng trông chờ sự động viên từ bố mẹ, ngay lập tức sẽ phải chịu “án phạt”: Không được mua đồ chơi đẹp, quần áo cũ, xe cũ cứ thế mà dùng tiếp... Tất cả được đem ra “cân, đo, đong, đếm” với lý do “không đạt thành tích, không được thưởng gì”.
Đặc biệt hơn, trước mỗi kỳ thi, không ít ông bố, bà mẹ đưa ra các phần thưởng giá trị lớn để tiếp thêm động lực và đặt mục tiêu cho con đạt điểm cao. Không ít gia đình sẵn sàng chi những phần quà “khủng” như xe máy “xịn” và những chuyến du lịch nước ngoài xa xỉ... cho con.
Anh Nguyễn Văn Linh (ngụ Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, để “tiếp lửa” cho con vào lớp 10, ngay từ đầu năm học lớp 9, gia đình đã hứa nếu con đỗ vào trường chuyên sẽ mua hẳn cho chiếc xe máy SH trị giá gần trăm triệu để đi lại.
“Truyền thống của gia đình là treo thưởng cho con. Từ tiểu học tôi đã thưởng cho con đồ chơi, lên cấp 2 là điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay. Giờ lên cấp ba rồi, phần thưởng phải lớn hơn chứ. Có thưởng con tôi cũng nghe lời, học chăm chỉ hơn nên tôi yên tâm lắm”, người cha này chia sẻ.
Nhưng cái gì cũng có mặt trái. Được cha mẹ treo thưởng, trẻ con sẽ học vì phần thưởng chứ không bởi tinh thần tự giác, ham học hỏi. Và khi việc học tập ngày một khó hơn, các em cho rằng mình có quyền được yêu cầu cha mẹ thưởng
nhiều hơn. Khi cha mẹ không đáp ứng, các em sẽ hụt hẫng, chán học. “Để động viên con học, tôi thường dùng tiền và nhiều phần thưởng có giá trị cho con mỗi khi cháu có thành tích tốt. Ban đầu cháu tỏ ra tích cực học và đạt được nhiều điểm cao hơn.
Tuy nhiên, gần đây cháu có dấu hiệu học hành sa sút, thường đem chuyện học ra mặc cả với mẹ. Tệ hơn, mới hôm trước tôi phát hiện cháu đã nói dối và mạo điểm của cô giáo để đổi lấy tiền thưởng”, một phụ huynh chia sẻ.
Vô tình làm trẻ lệch lạc quan điểm
Có thể gọi hiện tượng này là “phương pháp giáo dục bằng phần thưởng”. Với phương pháp này, trẻ học cách trao đổi một nhiệm vụ được giao với một phần thưởng nào đó hay bất cứ đồ vật nào có thể được dùng để trao đổi sau đó. Phương pháp giáo dục này cổ suý một hình mẫu “thương mại” trong việc giáo dục con cái.
Những đứa trẻ chờ đợi một phần thưởng cho những việc làm tốt của mình và không muốn làm việc không công. Một trong những mặt trái của việc lạm dụng điểm thưởng chính là làm suy giảm bản năng và động lực của trẻ. Nhưng điều đáng buồn hơn cả là phương pháp giáo dục bằng phần thưởng sẽ tác động sâu sắc đến cách suy nghĩ của trẻ về các mối quan hệ trong gia đình và rộng hơn là trong xã hội.
Thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn (Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý và Tâm bệnh lý trẻ em) cho biết, bố mẹ có nhiều cách để thưởng cho con, việc sử dụng phần thưởng trị giá rồi coi đó là sự tiếp thêm động lực cho con vừa là cách dễ nhất, nhưng cũng khó nhất. Bởi khi sử dụng phần thưởng phải biết liều lượng thế nào, trong thời gian bao lâu, nếu không sẽ thành con dao hai lưỡi, rất nguy hiểm.
Khi trẻ đã được thưởng bằng tiền, rất dễ có tâm lý đòi hỏi lần sau phải nhiều hơn lần trước, dần dần trẻ có thể hiểu những việc này mang tính đổi chác, có tiền thì làm, không thì thôi. Việc này làm nảy sinh tâm lý không tự giác, thụ động chờ được thưởng, ra điều kiện với bố mẹ.
Đồng quan điểm đó, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý thẳng thắn nhận định: “Những giá trị tinh thần sẽ quyết định hình thành tâm hồn, đạo đức và nhân cách của trẻ chứ không phải vật chất. Phụ huynh treo thưởng quà bằng giá trị vật chất để các con đạt được mục đích nào đó như được điểm cao, thi đỗ là lệch chuẩn.
Điều đó đồng nghĩa với việc phụ huynh đang mang những thiết chế thị trường vào trong cuộc sống gia đình, nơi mà thiết chế xã hội thường ngự trị. Như vậy, rõ ràng vì giá trị vật chất để các em phấn đấu chứ không phải xuất phát từ nhu cầu, mục đích của các em mong muốn đạt được những thành tích đó”.
Điều các nhà nghiên cứu lo ngại nhất là sự hình thành trong tư duy của đứa trẻ suy nghĩ rằng sự tồn tại của chúng trong gia đình chỉ là một công việc được trả lương. Khi phụ huynh xây dựng một mối quan hệ kinh tế với con mình thì điều gì sẽ chờ đợi khi họ già đi và không còn gì để trả cho con cái?