“Mẹ ơi, con ao ước được mẹ hỏi con lấy một tiếng thôi”
Kỳ thi vào trường chuyên THPT năm nay đã qua được ít lâu, nhưng trong ký ức của nhiều đứa trẻ, cái ngày nhà trường báo điểm trúng tuyển còn tồi tệ hơn một ngày... tận thế. Phan Hoàng Minh là một học sinh có năng khiếu về các môn xã hội nhưng bố mẹ Minh đã kiên quyết bắt thi vào lớp tự nhiên của trường chuyên.
Không thèm nghe hết ý kiến của cậu con trai, bố Minh thẳng thừng tuyên bố: “Không nhưng nhị, lý do lý trấu gì hết. Phải học tự nhiên, con trai học xã hội không đáng mặt đàn ông”.
Bị bắt buộc phải học, phải thi nên Minh thi trượt. Khi biết tin con thi trượt, bố mẹ Minh thi nhau nhiếc móc mà không hề hiểu cho tâm trạng cũng đang rất đau khổ của cậu con trai. Minh đau khổ vì không được lựa chọn môn học mình yêu thích, đau khổ vì đã làm cha mẹ buồn, đau khổ vì không biết tương lai mình sẽ như thế nào nếu bố mẹ cứ tiếp tục ép Minh thi đại học khối tự nhiên như ý định ban đầu… Đã có lúc Minh thoáng có ý nghĩ tiêu cực.
Nguyễn Lan Anh là một cô bé ngoan, ít khi làm trái ý cha mẹ. Chị Loan, mẹ Lan Anh tự hào về con mình lắm, cho đến ngày chị vô tình đọc được trang nhật ký của con: “Mẹ à, tại sao đăng kí lớp học năng khiếu hè cho con, mẹ không hỏi con trước nửa lời. Con đâu thích học đàn, học múa, chưa bao giờ thích cả, chỉ là mẹ muốn con học những thứ đó thôi.
Con cũng đâu dám thổ lộ với mẹ điều gì về ước mơ, sở thích học vẽ của con. Con ao ước được mẹ hỏi con lấy một tiếng thôi, để nghe con nói muốn học gì. Mẹ ơi mẹ có biết con chỉ muốn mẹ lắng nghe con nói một chút thôi… ”.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Tốt cho con hay thỏa mãn ích kỷ của chính mình?
Không ít bậc cha mẹ ép buộc con cái theo ý mình từ chuyện học hành, ăn uống cho tới lựa chọn trang phục, bạn bè… Từ thực tế này cho thấy, việc tham gia của trẻ em trong gia đình vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi truyền thống văn hóa Á Đông khi coi ý kiến của người lớn tuổi là tối thượng, là luôn đem lại những điều tốt đối với người ít tuổi và đặc biệt là trẻ em, do vậy trẻ em buộc phải tuân thủ.
Do những quan niệm bảo thủ, phong kiến nặng nề này mà không ít gia đình, trẻ em đã phải chịu đựng bạo hành về thể xác, tinh thần, ý kiến của các em không được cha mẹ tôn trọng, danh dự bị xúc phạm. Hậu quả là không ít em đã có những hành động dại dột rất thương tâm, nhiều em bỏ nhà đi lang thang, rơi vào cạm bẫy của các tệ nạn xã hội.
Các nhà tâm lý học trẻ em đã lên tiếng cảnh báo: “Không thể lấy quyền làm cha mẹ để ép con cái làm theo mà cần phải nhẫn nại, lắng nghe những tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của con cái mình. Các ông bố, bà mẹ cần nhận ra dù họ nói với con rằng “bố mẹ làm thế chỉ vì muốn tốt cho con” nhưng thật ra chỉ để thỏa mãn sự ích kỉ của chính mình”.
Cũng từ lý do này mà trong quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, các nhà làm luật đã đồng ý với phương án phải xây dựng quy định sao cho các quyền của trẻ em, trong đó có quyền tham gia ý kiến của trẻ được thực hiện tốt nhất.
Hay nói như ông Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em: “Tới đây không những các quyền của trẻ em được đưa vào luật chi tiết hơn mà còn phải có cơ chế hoặc cơ quan giám sát để giám sát thường xuyên việc thực hiện các quyền này, phải tăng cường truyền thông để cả người lớn và trẻ em dù đã biết thì phải biết sâu hơn, kỹ hơn về những quyền đó”.
Sự thật đằng sau những con số
Khảo sát do Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH tiến hành ở một số tỉnh miền Nam và miền Bắc cho thấy, ở miền Nam có 77,4% cha mẹ lắng nghe con cái; 52% cha mẹ khuyến khích con cái có ý kiến; ở miền Bắc, tỷ lệ cha mẹ muốn nghe con cái nói là 42,6%, cha mẹ khuyến khích con cái nói là 40,1%. Tuy nhiên, đằng sau những con số này lại là sự thật khác. Đó là cha mẹ ở phía Nam sẵn sàng nghe con cái nói nhưng chỉ nghe để đấy chứ không có hành động gì để thực hiện hay giúp đỡ nguyện vọng của con cái, còn cha mẹ ở phía Bắc tuy tỷ lệ lắng nghe ít hơn nhưng việc lắng nghe thường đi đôi với chia sẻ, giúp đỡ.