“Condotel và giải pháp pháp lý cho nhà đầu tư“

Gần đây thông tin Công ty Thành Đô đề nghị khách mua căn hộ nghỉ dưỡng (condotel) dự án Cocobay điều chỉnh hợp đồng sang hình thức mua căn hộ để ở làm dấy lên nhiều lo ngại liên quan quyền lợi cả chủ đầu tư và người mua. Nhằm giải đáp những nội dung mà bạn đọc quan tâm, 10h30 hôm nay (9/12) Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức tọa đàm về "Condotel và giải pháp pháp lý cho nhà đầu tư"
“Condotel và giải pháp pháp lý cho nhà đầu tư“

Khách mời tham gia tọa đàm là Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam; Luật sư Trương Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Luật gia Trần Minh Sơn, Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Thái Bình Dương (PIAC).

Condotel, loại hình căn hộ nghỉ dưỡng phục vụ du lịch được các doanh nghiệp bất động sản đầu tư, phát triển và quảng bá mạnh mẽ trong 5 năm gần đây tại các địa phương có ngành du lịch, dịch vụ phát triển như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh. Mô hình này được thực hiện theo phương thức, chủ đầu tư dự án bán căn hộ cho khách hàng – nhà đầu tư thứ cấp. Trong cam kết mua bán căn hộ, chủ đầu tư sẽ thuê lại căn hộ để kinh doanh, khai thác và trả thu nhập cam kết cho chủ căn hộ. Ngoài ra, chủ căn hộ được sử dụng miễn phí căn hộ 15 ngày (hoặc ít, nhiều hơn) trong 1 năm.

Loại hình sản phẩm bất động sản kết hợp du lịch này được coi là một động lực phát triển của ngành bất động sản Việt Nam. Hầu hết các ông lớn trong ngành bất động sản đều tham gia thị trường này, với các tên tuổi lớn như VinGroup, SunGroup, FLC.

Trong số các dự án condotel đình đám phải để đến dự án Cocobay Đà Nẵng do Tập đoàn Empire đầu tư, sau đó được chuyển nhượng lại cho Công ty Thành Đô. Khách hàng của dự án được chủ đầu tư cam kết trả thu nhập bằng 12%/năm. Cam kết lợi nhuận được ghi rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ.

Tuy nhiên, tháng 11/2019, Công ty Thành Đô đã có cuộc gặp gỡ với nhà đầu tư căn hộ condotel và thông báo không thể tiếp tục chi trả thu nhập cam kết do tình hình kinh doanh condotel gặp khó khăn, buộc chủ đầu tư phải tính toán lại các phương án kinh doanh.

Trong các phương án đưa ra, chủ đầu tư đề nghị khách hàng mua nhà điều chỉnh hợp đồng mua bán căn hộ theo hướng chuyển đổi hình thức căn hộ nghỉ dưỡng sang căn hộ để ở. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm xin điều chỉnh quy hoạch xây dựng để khách hàng mua nhà được sở hữu căn hộ để ở hoặc cho thuê, tự kinh doanh do chủ căn hộ tự quyết định. Ngoài ra, đối với các khách hàng vẫn muốn duy trì hình thức căn hộ condotel thì chủ đầu tư hạ mức thu nhập cam kết xuống còn 5%/năm. Nếu không thỏa thuận được, các bên sẽ phải thanh lý hợp đồng mua căn hộ.

Trong số 4 phương án mà Công ty Thành Đô đưa ra thì phương án chuyển đổi căn hộ condotel thành căn hộ chung cư được cho là an toàn và hợp lý nhất cho chủ căn hộ. Về mặt giá trị, chủ sở hữu căn hộ có thể không mất tiền vốn đầu tư, song việc kinh doanh có thể không thực hiện được nữa do căn hộ để ở sẽ có ưu thế trong việc sử dụng để sinh sống, khó phục vụ du lịch. Điều này sẽ làm thay đổi kế hoạch của nhiều nhà đầu tư vào bất động sản du lịch.

Song, nếu không chuyển đổi căn hộ nghỉ dưỡng sang căn hộ để ở, việc giải quyết hợp đồng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.

Tại Báo Pháp luật Việt Nam, ba vị khách mời trên sẽ trao đổi xung quanh những nội dung mà bạn đọc, đặc biệt là những người đã đầu tư mua căn hộ condotel và những người đang muốn đầu tư vào phân khúc bất động sản này quan tâm.

Bạn đọc có thể tham gia Tọa đàm bằng cách gửi câu hỏi phần Ý kiến bạn đọc dưới bài, hoặc gửi về email: baodientuphapluat@gmail.com.

Trân trọng.