Công an "bó tay" trước vụ bắt cóc trẻ con hy hữu

(PLO) -  Cuộc chiến dành con của đôi vợ chồng không hôn thú đã khiến người phụ nữ đớn đau khi bất lực nhìn chồng bắt cóc con.
Chị Nông Thị Thủy
Chị Nông Thị Thủy
“Vợ chồng” không hôn thú
Cuối tháng 8/2014, Công an huyện Tiên Phước (Quảng Nam) tiếp nhận đơn trình báo của chị hị Nông Thị Thủy (SN 1981, quê tỉnh Bắc Kạn, tạm trú huyện Tiên Phước, Quảng Nam)về việc con trai chị bị “bắt cóc”. Người bị chị Thủy tố cáo là anh Đinh Thế Trường (SN 1976, ngụ xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước), chồng “hờ” của chị. 
Người tố cáo trình bày, quê ở ngoài Bắc, cha mẹ mất sớm, không nơi nương tựa, được một người thân đưa vào Lâm Đồng cưu mang. Đến tuổi trưởng thành, chị đi làm công nhân may tại địa phương. Cuối năm 2011, chị tình cờ quen anh Trường là lái xe đường dài. Bước qua tuổi 30 mới có người ngỏ lời yêu, chị nhanh chóng nhận lời.
Thời gian trên, anh Trường gây gổ đánh nhau, bị chém trọng thương, tổn lại đến 45% sức khỏe. Sau đợt nằm viện chữa chạy, anh Trường mất sức lao động, phải dừng công việc lái xe. Yêu anh Trường, đồng thời cũng mang giọt máu của anh trong người, chị Thủy khăn gói từ Lâm Đồng ra chăm sóc người yêu thay vì anh vào như kế hoạch.
Đến tháng 4/2012, cái thai ngày một lớn, chị Thủy phải hối thúc, anh Trường mới chịu làm một lễ nhỏ ra mắt bà con, rồi đưa nhau về sống chung ở quê anh Trường. 
Gia đình chồng làm nghề nông, người chồng mang thương tật chỉ quanh quẩn ở nhà nên gánh nặng mưu sinh trút lên đôi vai chị Thủy dù đang bụng mang dạ chửa. Sau thời gian làm công nhân may, cộng với tiền gom góp lâu nay, chị Thủy lấy ra cất một căn nhà lá trên mảnh đất cha mẹ anh Trường cho.
Dù đã cưới nhau, nhưng hai người không làm giấy đăng ký kết hôn. Người tố cáo phân bua, một phần “cưới chạy” do cái thai đã quá lớn, phần vì trong quá trình mưu sinh chị từng bị mất hết giấy tờ tùy thân, nay quê một nơi, sống một nẻo nên chị không làm giấy đăng ký kết hôn được. 
Đến tháng 8/2012, chị Thủy sinh cháu trai. Con ra đời 2 tháng, chị Thủy từng đề nghị chồng cho mình về Lâm Đồng làm lại giấy tờ tùy thân rồi đăng ký kết hôn, tiện cho việc làm giấy khai sinh của con, nhưng anh Trường không đồng ý. 
Trong thời gian chung sống, quan hệ giữa vợ chồng bị rạn nứt khi chị Thủy nhận ra chồng mình cộc cằn, thô bạo, thường xuyên đánh đập vợ. Người tố cáo còn cho rằng, cả một thời gian dài, chị không những bị bạo hành về tinh thần mà còn phải gồng mình để chồng thỏa mãn tình dục.
“Vừa sinh con xong, mỗi khi đêm đến ảnh đã yêu cầu “quan hệ”, nếu từ chối lập tức sẽ bị gán tội “chán chồng, ngoại tình” và đay nghiến, đánh đập” chị Thúy nói. 
Sự việc chị Thủy bị chồng đánh đập thường xuyên đến mức Hội liên hiệp phụ nữ xã Tiên Cẩm đã phải liên tục cử người can thiệp. UBND xã cũng có 2 lần mời họ lên hòa giải, nhưng sau đó anh Trường vẫn chứng nào tật nấy. Chấp nhận cuộc sống này đúng 2 năm, vào cuối tháng 7/2014, vì lo con không có giấy tờ đi gửi trẻ, chị Thủy âm thầm bế con vào lại Lâm Đồng. “Không ngờ vì chuyến đi đó, tôi mất con luôn đến nay”, người tố cáo nói.
Cha “bắt cóc” con
Trong đơn gửi cơ quan chức năng, chị Thủy trình bày, trước khi vào Lâm Đồng, có lên xã để hỏi về việc làm giấy khai sinh cho con. Bất ngờ khi đó, có người báo với chị, gia đình anh Trường gửi đơn lên xã với nội dung “mẹ của đứa bé đã bỏ con đi ngay từ khi mới sinh ra”, đồng thời xin làm giấy khai sinh cho đứa trẻ rồi. 
Khi đó, anh Trường đặt tên con tên Đinh Thế Trần, có cha Đinh Thế Trường, nhưng không có tên mẹ… Nghe vậy, chị Thủy hốt hoảng mang giấy viết đi nhờ bà con trong xóm, đại diện chính quyền thôn xác nhận lại giúp chị “thời gian qua có mặt ở nhà chồng, cùng sinh hoạt và làm ăn để nuôi con”. 
Qua kiểm tra đơn và các giấy tờ kèm theo, xét thấy giấy khai sinh của anh Trường trái quy định về đăng ký và quản lý hộ tịch, ngày 8/9/2014, UBND huyện Tiên Phước (Quảng Nam) đã ra quyết định hủy bỏ giấy khai sinh mang tên Đinh Thế Trần do UBND xã Tiên Cẩm cấp. 
Bên cạnh đó, UBND huyện Tiên Phước cũng ra quyết định hủy bỏ quyết định của UBND xã Tiên Cẩm về việc công nhận việc nhận con đối với anh Đinh Thế Trường do không có sự đồng ý của người mẹ.
Khi vào Lâm Đồng, mục đích của chị để làm giấy tờ tùy thân, sau đó sẽ ẵm con quay về Tiên Cẩm để làm lại giấy khai sinh cho con. Thế nhưng chỉ sau 1 tuần, anh Trường lên Lâm Đồng yêu cầu chị phải về lại nhà. Lúc đó, chị Thủy cho biết, phải đợi mình làm xong giấy tờ. 
Qua hôm sau, lợi dụng lúc chị Thủy đi lo công việc, anh Trường lén bế con đi biệt tăm từ ngày 5/8/2014 đến nay. 
Biết mất con, chị có điện đòi lại, nhưng Trường hăm dọa “nếu mi còn “mè nheo”, tao sẽ cho con uống thuốc độc rồi tự vẫn theo”.
Không liên lạc được với anh Trường, chị Thủy bắt xe về Tiên Cẩm, nhưng lúc này anh Trường cũng không có ở nhà, gia đình bên chồng vẫn giữ im lặng, không cho chị Thủy biết thông tin. Sau đó được sự giúp đỡ, hướng dẫn của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tiên Cẩm, chị Thủy viết đơn gửi cơ quan chức năng nhờ can thiệp. 
Theo chị Thủy, từ khi chồng ôm con bỏ đi, chị cũng mất luôn vị trí “dâu, con” trong nhà anh Trường. Nhà do chính chị bỏ tiền cất lên nhưng nay, các chị bên chồng chiếm lấy và đuổi chị đi. 
Sau thời gian chờ đợi tin tức, giữa tháng 10 vừa qua, Công an huyện Tiên Phước thông báo cho chị Thủy biết, do không xác định dấu hiệu tội phạm của anh Trường nên đơn vị dừng thụ lý vụ việc. Công an huyện Tiên Phước cũng đồng thời hướng dẫn cho chị Thủy làm đơn gửi Tòa án nhân dân cùng cấp nhờ phân xử vụ việc.
Theo một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, hướng giải quyết của Công an huyện Tiên Phước là chính xác. Trong trường hợp này, chị Thủy chỉ có cách duy nhất là kiện lên tòa án đòi quyền nuôi con. Tòa sẽ mở phiên xử không công nhận quan hệ vợ chồng, căn cứ vào các điều kiện của hai bên để tuyên ai là người có quyền nuôi con. "Chị Thủy có lợi thế hơn, vì đứa trẻ mới 24 tháng tuổi, và Điều 92 Luật Hôn nhân & Gia đình đã quy định rõ: “Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi””, luật sư này nói. 

Đọc thêm