Theo đó, Công an TP. Huế đang phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai xác định đối tượng có dấu hiệu khả nghi, liên quan vụ việc để đấu tranh, làm rõ. Cơ quan công an đã mời lên làm việc một số người nghi vấn liên quan và hiện đang trong quá trình điều tra.
Cùng với đó, UBND TP. Huế cũng đã tiến hành họp với cơ quan chức năng, yêu cầu phối hợp làm rõ vụ xâm hại lăng mộ vua Dục Đức.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Thừa Thiên - Huế cho rằng, dù không thuộc hệ thống quần thể di tích nhưng lăng bà Trần Thị Nga (tức mẹ vua Dục Đức) có liên quan rất nhiều đến lịch sử triều Nguyễn. Khu lăng được xây dựng theo lối kiến trúc dành cho các bà phi dưới triều nhà Nguyễn, còn khá nguyên vẹn và mang nhiều giá trị về kiến trúc, lịch sử cũng như văn hóa.
Trước đó, như PLVN đã thông tin, vào ngày 19/11, nhiều người trong Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đến khu lăng mộ bà Trần Thị Nga (1832- 1911, thụy là Đoan Thục phu nhân; là vợ của Thụy Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Y - mẹ vua Dục Đức) ở đường Vũ Ngọc Phan, phường Thủy Xuân (TP.Huế) để thắp hương thì bàng hoàng phát hiện tấm bia của lăng bị bứng đưa ra ngoài, đế bia và thân bia gãy đôi. Khu vực đặt tấm bia bị đào phá tan hoang, gạch đất vương vãi nhiều nơi.
Trước khi bị đào bới, đây là khu lăng mộ còn khá nguyên vẹn, có thành bao bên ngoài, rộng 200m2, có giá trị về mặt kiến trúc, thẩm mỹ, văn hóa; công trình kiến trúc cùng đường nét hoa văn, chạm khảm tại lăng mộ khá độc đáo.