Công bố nhiều chỉ tiêu thống kê lần đầu về phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một số lĩnh vực lần đầu được thống kê tại Việt Nam vừa được các cơ quan liên quan công bố, bao gồm phát triển trẻ thơ toàn diện ở trẻ từ 2 đến dưới 5 tuổi, chất lượng nước uống trong các hộ gia đình thông qua xét nghiệm E.coli và nồng độ asen, phòng ngừa ung thư cổ tử cung và một phiếu hỏi riêng dành cho nam giới.
Quang cảnh Hội thảo công bố.
Quang cảnh Hội thảo công bố.

Hôm nay (8/12), Tổng cục Thống kê và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) phối hợp tổ chức Hội thảo công bố kết quả điều tra về tình hình của trẻ em và phụ nữ tại Việt Nam.

Cuộc điều tra đã được thiết kế đặc biệt để đánh giá sự tiến bộ của Việt Nam hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững (PTBV) về trẻ em và phụ nữ, với tổng số 169 chỉ tiêu, trong đó có 35 chỉ tiêu thuộc khung Mục tiêu PTBV quốc gia. Là nguồn số liệu duy nhất và đầu tiên cho một số chỉ tiêu PTBV, cuộc điều tra đóng vai trò then chốt trong việc theo dõi tiến trình thực hiện các Mục tiêu PTBV và các mục tiêu quốc gia của Việt Nam.

Trong đó, có một số lĩnh vực lần đầu được thống kê tại Việt Nam, bao gồm phát triển trẻ thơ toàn diện ở trẻ từ 2 đến dưới 5 tuổi, chất lượng nước uống trong các hộ gia đình thông qua xét nghiệm E.coli và nồng độ asen, phòng ngừa ung thư cổ tử cung và một phiếu hỏi riêng dành cho nam giới.

Chẳng hạn, kết quả cho thấy tín hiệu đáng mừng là 98,1% dân số sử dụng nguồn nước được cải thiện và 92,1% dân số sử dụng hố xí hợp vệ sinh, nhưng tỷ lệ dân số sử dụng nước uống bị nhiễm khuẩn Ecoli còn khá cao tới 41,1%; vẫn còn 0,6% dân số sống trong hộ gia đình có nước nguồn bị nhiễm asen.

Điều tra các mục tiêu PTBV về trẻ em và phụ nữ Việt Nam đã thể hiện được bức tranh toàn cảnh về mọi khía cạnh trong cuộc sống của trẻ em và phụ nữ, bao gồm sức khỏe bà mẹ và trẻ em, dinh dưỡng, giáo dục, bạo lực đối với trẻ em, nước sạch và vệ sinh, các vấn đề về bình đẳng, việc tiếp cận internet và thiết bị thông tin truyền thông tại nhà, cũng như kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin và truyền thông.

Kết quả điều tra cho thấy Việt Nam đã có thành tựu về phát triển và phúc lợi của trẻ em và phụ nữ trong một số lĩnh vực. Bên cạnh đó, một số chính sách vẫn cần được điều chỉnh cũng như cần tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực xã hội để giải quyết những vấn đề mà cuộc điều tra đã cung cấp bằng chứng.

Kết quả của Điều tra các mục tiêu PTBV về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 giúp Việt Nam theo dõi, báo cáo và củng cố tốt hơn việc hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng để thực hiện cam kết của mình về các Mục tiêu PTBV.

Do vậy, đây là nguồn thông tin quý giá cho các nhà hoạch định chính sách, cán bộ quản lý và các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực trong nỗ lực hướng tới đẩy mạnh tiến bộ về quyền và phúc lợi của trẻ em và phụ nữ tại Việt Nam.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phát biểu tại Hội thảo.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phát biểu tại Hội thảo.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, kết quả cuộc điều tra phản ánh cuộc sống chân thực của trẻ em và phụ nữ trên cả nước. Các số liệu của cuộc điều tra đảm bảo độ tin cậy và so sánh quốc tế. Đồng thời, cuộc điều tra cung cấp thông tin làm bằng chứng hỗ trợ các nhà hoạch định xây dựng các chính sách và chương trình, phục vụ đánh giá tiến trình thực hiện các mục tiêu quốc gia của Việt Nam và cam kết toàn cầu về trẻ em và phụ nữ.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam thì chia sẻ, dữ liệu phân tổ vô cùng phong phú và cực kỳ hữu ích, giúp chúng ta hiểu được đâu là các lĩnh vực đang đạt được những tiến bộ cũng như lĩnh vực nào đang tồn tại và thách thức để đạt được cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau.

Giá trị của báo cáo này nằm ở cách mà chúng ta sẽ sử dụng những số liệu của báo cáo và điều chỉnh các chính sách và phương pháp tiếp cận để có thể đến được với những trẻ em và phụ nữ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau...

Đây là kết quả của cuộc điều tra hộ gia đình trên quy mô toàn quốc với sự tham gia của 14.000 hộ gia đình. Cuộc điều tra do Tổng cục Thống kê được thực hiện vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của UNICEF.

Ngoài ra, đây là lần đầu tiên hai mô-đun về sức khỏe sinh sản của Điều tra Nhân khẩu học và Sức khỏe đã được lồng ghép, với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tài chính từ Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA).

Đọc thêm