Cõng cả trăm bó củi về "nhà người" để được cưới

Trước ngày cưới, người Kinh có lễ ăn hỏi, người Ê Đê có tục nhận vòng Đồng, người Mông có tục bắt vợ, Người Thái tục ở rể ba năm trước ngày cưới… và người Dẻ có phong tục: Cõng củi về nhà chồng.

Trước ngày cưới, người Kinh có lễ ăn hỏi, người Ê Đê có tục nhận vòng Đồng, người Mông có tục bắt vợ, Người Thái tục ở rể ba năm trước ngày cưới… và người Dẻ có phong tục: Cõng củi về nhà chồng.

 Y Miên đi giữa đang cõng củi về nhà chồng.
Y Miên đi giữa đang cõng củi về nhà chồng.
Cõng củi về nhà chồng 
Từ Thành phố Kon Tum đi dọc đường Hồ Chí Minh đến trung tâm huyện Ngọc Hồi chừng 60 km, đi sâu vào phía hai bên đường khoảng chừng 2 đến 25 km là địa bàn sinh sống của các buôn làng người Dẻ. 
Khoảng 15h, khi mặt trời đã bắt đầu xế bóng, vượt qua dốc Cổng trời có độ cao 1500m, chúng tôi đã đến được Đồn biên phòng 665, thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Tỉnh Kon Tum.
Trung tá, Đồn trưởng Nguyễn Thành Hưng niềm nở cho biết: Về mùa mưa mà vào được đến đây là một sự cố gắng lớn, vì đường xá đi lại rất khó khăn, khí hậu thì lạnh và gió rất nhiều.
Thấy chúng tôi háo hức muốn vào các bản làng để tìm hiểu một số nét văn hóa của bà con, anh Hưng đã cử đi Thiếu úy A Thành- Cán bộ Vận động quần chúng của đơn vị và hai Binh nhất là A Trung và A Đông  đi cùng với chúng tôi. Sau 30 phút đi bộ chúng tôi đã vào tới bản gần nhất, đó là Làng Pêng Lang, xã Đăk Blô. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về tục Cõng củi về nhà chồng trước ngày cưới,  A Thành chỉ cho chúng tôi thấy rằng ở đây nhà ai cũng phải dùng củi cho sinh hoạt hàng ngày. Nhưng anh lưu ý là những đống củi nào do các cô gái mới cõng về nhà chồng thì rất thẳng và được xếp rất ngay ngắn.   
Thấy có người con gái đang cõng củi đi từ đằng xa lại, A Thành chỉ, đó là em Y Miên, em đang cõng củi về nhà chồng sắp cưới. Y Miên tâm sự: Em năm nay đã 25 tuổi, do gia đình rất khó khăn, em nghỉ học từ rất sớm nên không có chàng trai nào ngỏ lời yêu em cả, rất may là có anh A Xi, mới theo gia đình từ huyện Ngọc Hồi lên đây lập nghiệp, gặp nhau và chúng em đã yêu nhau.
Sau khi được hai bên gia đình cho phép, giờ em đang vừa đi làm rẫy cùng cha mẹ vừa cố gắng cõng về đủ số củi là 100 bó, hoặc 100 gùi để được cưới nhau. Em đi làm về mệt nhưng nghĩ đến lúc sắp được làm vợ chính thức em cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Khi hỏi Y Miên về việc em có biết tại sao phải cõng củi về nhà chồng trước khi cưới không?. Em bảo: Em chỉ biết các người già kể lại: nếu muốn cưới nhau thì người con gái phải cõng củi về nhà chồng đủ số lượng theo hai bên gia đình đã thỏa thuận thì mới được cưới. 
Y Dần đang chỉ đống củi mà em cõng về chà chồng trước khi cưới.
Y Dần đang chỉ đống củi mà em cõng về nhà chồng trước khi cưới.
Đi sâu vào trong làng, chúng tôi đến nhà em Y Dần, năm nay mới 19 tuổi, đây là  cô gái mới cưới chồng. Em kể: Em nghỉ học đã được mấy năm ở nhà phụ giúp gia đình làm kinh tế, có rất nhiều bạn trai đến nhà chơi, trong đó có cả người Kinh , nhưng em không đồng ý ai cả.
Năm ngoái em có ưng chồng em bây giờ là người cùng làng vì anh ấy rất tốt lại rất yêu em. Sau khi tìm hiểu nhau kĩ chúng em đã quyết định nói với hai bên gia đình. Thấy em nhỏ, chồng  thương và có ý là em không phải cõng củi mà đi mua về để ở nhà chồng cho phù hợp với tục lệ ở làng, nhưng em đã không chịu vì em nghĩ đó là nét văn hóa chung nhất trong tục cưới hỏi của người con gái Dẻ khi về nhà chồng. Gánh củi đủ, chúng em đã chính thức cưới nhau và ở với nhau rất hạnh phúc.
Nét đẹp văn hóa có từ ngàn xưa
Để tìm hiểu về nét văn hóa đặc sắc này chúng tôi đã tìm đến nhà già làng A Nít ( 1940 ) Thôn Pêng Lang, xã Đăk Blô để nghe già kể về tục lệ này. Trong chén nước trà còn nóng, già say sưa kể:  Theo phong tục, khi cô gái đã đến tuổi lấy chồng, từ 16 tuổi trở lên, mà cô gái ấy đã nhận lời yêu một chàng trai nào đó, sau khi được sự đồng ý của hai gia đình, các cô gái thường lên rừng tìm những thân cây chất liệu tốt, đượm than, suôn và thẳng (tốt nhất là thân cây Dẻ), rồi chặt bằng nhau, phơi khô và cõng về nhà để chuẩn bị "ngày lành tháng tốt" ,cõng đến nhà trai. Số lượng củi thường là 100 bó trở lên, chiều dài 1 mét và đường kính bó củi từ 40 đến 50 cm.
Trong thời gian đôi trai gái tìm hiểu nhau, một người có uy tín trong làng, không có họ hàng với hai gia đình đứng ra làm mai mối. Lễ vật bao gồm: Một hũ rượu nhỏ, hai chiếc cần (ống hút) để uống đem đến nhà trai hoặc nhà gái do người mai mối chọn (thường thì nhà chàng trai) và gọi người con gái đến cùng uống rượu. Sau khi đôi trẻ đã uống, cha mẹ của chàng trai và người mai mối cùng uống rượu chung vui.
Cũng trong thời gian uống rượu và trò chuyện, người mai mối trình bày nội dung của buổi uống rượu hôm đó. Khi hũ rượu đã được uống cạn, cũng là lúc đôi trai gái thành vợ thành chồng. Và, tất nhiên đêm về đôi trai gái được phép ngủ chung. Tuy là vợ chồng của nhau, được ngủ chung trong chiếc buồng nhỏ dành cho họ, nhưng trong thời gian một năm ngủ chung ấy, người con gái không được phép có bầu. Nếu vi phạm quy định, đôi trai gái ấy phải chịu "hình phạt" của làng.   
vv
Thôn Pêng Lang với nhiều nét đẹp văn hóa còn được gìn giữ
Về những bó củi "hứa hôn" của người con gái, già làng cho biết: Trong thời gian một năm đến ngủ chung ở nhà chồng, cô gái  lên rừng cõng củi về cho gia đình chàng trai. Đến một ngày được xem là "ngày lành tháng tốt", nhà gái cử người đến báo với nhà trai và tập trung họ hàng cõng củi đến nhà trai (chỉ cho phép cõng trong một ngày).
Đáp lại tình cảm của họ hàng nhà gái, gia đình chàng trai cũng tập trung anh em lại, giã gạo, thổi cơm mời những người cõng củi ở lại "dự tiệc". Ngoài ra, mỗi người tham gia cõng củi, đều được nhà trai "tặng" một bộ áo quần, ít nhất cũng được một cái Kà Tu. Riêng anh em ruột của cô gái thì nhất thiết phải đủ mỗi người một bộ.. Sau hôm cõng củi và lễ mời cơm ấy, họ hàng hai bên mới chính thức trở hành "sui gia", tiếp tục đi lại thăm hỏi nhau theo phong tục của người Việt Nam. 
Lý giải về phong tục này đã có từ khi nào, già làng A Nít  cũng không biết, già chỉ biết là có từ thời rất xa xưa và ai muốn nên vợ, nên chồng cũng đều làm thế. Già tâm sự: Người con gái Dẻ cõng củi về nhà chồng thể hiện sự tháo vát, đảm đang với nhà chồng, đủ sức khỏe để nuôi con cái. Lửa ngày xưa được bà con nơi đây gọi là thần, vì ở trên đỉnh Trường Sơn này khí hậu rất lạnh, củi để sưởi ấm, để nấu nướng, để đuổi thú dữ, và xua đuổi tà ma… vì thế nó rất quan trọng với người dân nơi đây. Chính điều đó củi là một nguyên liệu tối quan trọng trong đời sống , có thể những điều này tạo nên tục lệ . 
Anh A Thành cho biết: Những hủ tục như treo người trên cây, trẻ mới sinh mà bị bệnh phải theo mẹ ra rừng sống thì chúng tôi đã tuyên truyền nên không còn nữa. Những tập tục đẹp như cõng củi về nhà chồng trước ngày cưới cần tuyên truyền, lưu giữ, nhưng chúng tôi cũng khuyên bà con không phá rừng, mà nên lấy những cây đã khô mục, hoặc đã đổ xuống mới cưa về làm củi.
Ngọc Anh

Đọc thêm