Công cụ “mềm” bảo vệ trẻ em từ cơ sở

(PLVN) -  Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Sự ra đời của Nghị định trong thời điểm này càng nhận được sự ủng hộ lớn của cộng đồng, với hy vọng vấn nạn bạo hành, xâm hại trẻ em sẽ chấm dứt trong tương lai gần.
Tình yêu thương không có chỗ cho bạo lực.

Góp phần chặn đứng các cuộc bạo lực

Nghị định 130/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nghị định 130/2021/NĐ-CP gồm 4 chương với 48 điều quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; Thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.

Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Nghị định có khá nhiều điểm mới, ưu việt. Cụ thể, Nghị định điều chỉnh hành vi vi phạm phù hợp với quy định của Luật Trẻ em 2016; Tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Tăng gấp đôi mức xử phạt nhóm hành vi bạo lực với trẻ em so với Nghị định cũ.

Theo đó, mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng áp dụng cho các hành vi bạo lực với trẻ em như: Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; Bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em; Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em…

Ngoài ra, các hành vi như cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em; Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần theo Nghị định 130 cũng sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng.

Theo Nghị định 130, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em sẽ bị phạt từ 20-25 triệu đồng. Các hành vi tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn; Cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng. Đặc biệt, mức phạt tiền từ 20-25 triệu đồng áp dụng cho các hành vi: Dẫn dắt, rủ rê, xúi giục, lôi kéo, kích động, lợi dụng trẻ em lao động trái quy định; Bắt trẻ lao động trước tuổi, làm việc nặng nhọc, nguy hiểm…

Một điểm nữa rất tiến bộ so với quy định cũ là Nghị định 130/2021/NĐ-CP bổ sung mức phạt đối với các hành vi vi phạm về hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại, bóc lột, bạo lực. Cụ thể, Điều 28 Nghị định 130 quy định phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không thông báo, không cung cấp hoặc che giấu thông tin về việc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực và có nguy cơ bị xâm hại khác cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

“Sự ra đời của Nghị định này là rất cần thiết vì thời gian gần đây các vụ bạo hành, bạo lực trẻ em bị phanh phui liên tục với tính chất cực kì nguy hiểm và hậu quả khôn lường, thậm chí xâm phạm cả tính mạng của trẻ em. Trong khi đó sự việc diễn ra cả thời gian dài, nhưng lại không có sự can thiệp kịp thời của cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ trẻ em nên đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc!” – Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường khẳng định.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Chấm dứt nỗi đau bạo hành con trẻ

Theo Luật sư Đặng Văn Cường: “Trẻ em chưa có khả năng tự bảo vệ bản thân trước hành vi bạo lực, bóc lột, xâm hại, do đó cần có sự tham gia bảo vệ từ gia đình, nhà trường, tổ chức, cơ quan bảo vệ trẻ em, bảo vệ pháp luật. Một trong những công cụ bảo vệ trẻ em là khung pháp lý phù hợp, rõ ràng, đủ răn đe. Pháp luật chính là công cụ mềm để bảo vệ trẻ em từ cơ sở. Nghị định số 130/2021/NĐ-CP cùng với khung pháp lý bảo vệ trẻ em trước đó đi sâu vào đời sống sẽ góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ trẻ em từ cơ sở, tăng tính răn đe, có tác dụng phòng ngừa hành vi bạo lực đối với trẻ em!”.

Để các quy định của Nghị định 130/2021/NĐ-CP đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả và thực sự trở thành công cụ pháp lý hiệu quả trong việc bảo vệ trẻ trước bạo lực, bóc lột lao động, Luật sư Cường cho rằng, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như các gia đình cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân nhằm xây dựng thiết chế gia đình bền vững.

Bên cạnh vai trò to lớn của gia đình, cần triển khai các quy định pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em như Luật Trẻ em; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó quy định và phân công rất rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp.

Đồng thời đẩy mạnh truyền thông, vận động xã hội về bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; tổ chức thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo và tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; Can thiệp, hỗ trợ kịp thời các trường hợp khi trẻ bị bạo lực, xâm hại; Tuyên truyền, quảng bá về các số điện thoại khẩn để tiếp nhận thông tin...

Đọc thêm