Thế giới đã bước sang quý 2 của năm 2020 mà dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra vẫn tiếp tục lây lan ra khắp thế giới và hoành hành trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Mọi nơi trên thế giới đều đã phải áp dụng rất nhiều biện pháp chính sách để ứng phó.
Những biện pháp chính sách này đều giống nhau ở cách tiếp cận là ngừng gần như mọi hoạt động công cộng của con người và xã hội để dịch bệnh không lây lan. Biên giới quốc gia đã được đóng lại. Chỉ còn hàng hoá tiếp tục được thông thương chứ con người thì không. Cách ly toàn xã hội hay giãn cách xã hội được áp dụng.
Con người bị buộc hoặc được khuyến cáo ở trong nhà. Các nhà máy xí nghiệp không thuộc diện thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày đều ngừng hoạt động. Nhịp sống của con người thay đổi. Hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế bị chững lại. Kinh tế và thương mại thế giới cho năm nay đều bị dự báo là sẽ suy thoái nghiêm trọng. Tình trạng áp dụng những biện pháp chính sách khẩn cấp như thế càng kéo dài thì tổn hại về kinh tế thương mại càng lớn câu hỏi được đặt ra ở đây là các nền kinh tế có khả năng chịu đựng thiệt hại đến mức độ nào trước khi bị sụp đổ hoàn toàn. Hiện tại, chưa ai có thể dự đoán chắc chắn được là dịch bệnh này sẽ còn kéo dài bao nhiêu lâu nữa.
Chính vì thế mà chính phủ các quốc gia và chính quyền các vùng lãnh thổ đều phải bắt đầu tìm giải pháp thoát khỏi tình hình hiện tại, cụ thể là vừa tiếp tục đối phó dịch bệnh, vừa khôi phục hoạt động kinh tế xã hội. Trong thực chất, giải pháp này là chung sống với dịch bệnh như thế nào. Cách đặt vấn đề như thế cho thấy là ai ai cũng xác định sẽ còn mất nhiều thời gian nữa mới có thể đẩy lùi được dịch bệnh.
Hiện tại, trên thế giới chưa có được vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh này và cũng chưa có được biệt dược đặc trị nó. Chừng nào chưa có được cả hai sản phẩm ấy thì chừng đó chưa thể nói là đã vượt qua được dịch bệnh này trên thế giới. Cũng chính vì thế mà cuộc tìm kiếm lối thoát mới trở nên càng thêm cần thiết và cấp thiết.
Cho nên, khi nào nới lỏng và nới lỏng theo lộ trình thời gian, mức độ nào những biện pháp chính sách khẩn cấp đối phó dịch bệnh đã được áp dụng hiện là quyết định mang ý nghĩa định mệnh đối với mọi quốc gia, điều đó thể hiện năng lực cũng như bản lĩnh của lãnh đạo các quốc gia trong cuộc khủng hoảng này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra lộ trình 3 bước nhưng đa số thống đốc các bang ở nước Mỹ có chủ định riêng. Uỷ ban Liên minh châu Âu (EU) đưa ra khuyến nghị về những tiêu chí và điều kiện cho việc nới lỏng các biện pháp đã áp dụng nhưng các thành viên EU có những quyết định riêng. Nhưng lối thoát nào được khuyến nghị hay áp dụng thì cũng đều giống nhau ở chỗ “vừa đi vừa dò”, trong tâm thế luôn có thể lùi vào bất cứ thời điểm nào. Ý tưởng nào về lối thoát cũng đều bao hàm từng bước nhỏ và thận trọng, đều tập trung trước hết cho khôi phục hoạt động của nhà máy, xí nghiệp, cửa hàng và trường học cũng như đều chưa cho phép tổ chức lại những hoạt động tụ tập đông người.
Giữa các ý tưởng về lối thoát này có hai sự khác biệt rất rõ. Thứ nhất là sự khác biệt về mục tiêu được ưu tiên hàng đầu. Ở những nơi thấy có sự vội vã với quyết sách về nới lỏng các biện pháp chính sách khẩn cấp đã được áp dụng đều có sự ưu tiên về khôi phục hoạt động kinh tế trước sự đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sinh mệnh của con người. Thứ hai là sự khác biệt giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi nơi một kiểu và mỗi vùng một cách.
Cuộc tìm kiếm lối thoát này trên thế giới cho thấy phía trước sẽ là thời kỳ con người và các quốc gia, các đối tác và các vùng lãnh thổ chấp nhận cùng tồn tại và cùng chung sống với dịch bệnh, hy vọng là thời kỳ này sẽ không dài để có thể nhanh chóng bước vào thời kỳ sau dịch bệnh.