Cộng đồng Startup trẻ Việt Nam (Bài 1): Logivan và câu chuyện khởi nghiệp của cô gái nhỏ Phạm Khánh Linh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không học chuyên ngành kinh doanh, cô gái trẻ 9X Phạm Khánh Linh gặp không ít lần thất bại trong hành trình khởi nghiệp của mình. Sau nhiều nỗ lực, chỉ trong vòng 2 năm, Logivan đã có những bước nhảy ấn tượng trong ngành vận tải Việt Nam.
Phạm Khánh Linh bên chiếc cúp dành cho quán quân “Cuộc chiến khởi nghiệp” tại RISE.
Phạm Khánh Linh bên chiếc cúp dành cho quán quân “Cuộc chiến khởi nghiệp” tại RISE.

LTS: Startup trẻ Việt Nam – họ không “cùng sân” với những doanh nhân, tỷ phú tầm cỡ, không có trong tay khối tài sản kếch xù. Đơn giản, họ chỉ là những người trẻ đam mê khởi nghiệp, đam mê kinh doanh với nhiệt huyết cao độ, mong muốn gây dựng được cơ nghiệp cho bản thân và có thể cống hiến cho sự phát triển chung cho đất nước.

Tháng 4/2020, Phạm Khánh Linh vinh dự là một trong 6 doanh nhân trẻ tiêu biểu của Việt Nam góp mặt trong danh sách các gương mặt trẻ dưới 30 của châu Á (Forbes 30 Under 30 Asia).

Hành trình khởi nghiệp tại quê hương

Xuất thân là dân chuyên Lý, Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, Phạm Khánh Linh học hết lớp 10 rồi sang Anh họp cấp 3. Sau đó, cô theo học ngành Khoa học tự nhiên của ĐH Cambridge danh giá. Ở Anh, Linh từng giành Huy chương Vàng top 16 trong cuộc thi Vật lý quốc gia.

Quãng thời gian du học, Linh đã cùng các bạn thực hiện ứng dụng nhận phiếu giảm giá dạng Snapchat kết hợp Groupon. Khi ra mắt tại Cambridge, ứng dựng này đã rất thành công nhưng khi thực hiện tại London nó lại không được ưa chuộng. Vì vậy, sau gần 2 năm, Linh Phạm và các bạn đã quyết định xóa ứng dụng và ngừng kinh doanh.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân Cambridge, Linh đầu quân cho tập đoàn Goldman Sachs. Sau một năm làm việc tại đây, cô gái trẻ quyết định trở về Việt Nam làm việc cho một công ty nông nghiệp tại Hải Phòng với mục tiêu muốn tìm hiểu xem công nghệ có thể giải quyết vấn đề gì cho một ngành công nghiệp truyền thống.

CEO Phạm Khánh Linh luôn thường trực nụ cười truyền cảm hứng.

CEO Phạm Khánh Linh luôn thường trực nụ cười truyền cảm hứng.

Trong thời gian làm việc, Linh nhận thấy xe tải nhà máy đi chiều về 100% trong tình trạng rỗng hàng, từ đó một ý tưởng khởi nghiệp về logistics đã nảy ra. Từ đó, ý tưởng khởi nghiệp của Linh là đưa ra một giải pháp giúp tiết kiệm và cắt giảm sự lãng phí trong ngành vận tải bắt đầu được Linh Phạm nung nấu và thực hiện.

Để có thể biến ý tưởng trở thành hiện thực, Linh biết không thể thực hiện mọi thứ chỉ trên sự phỏng đoán, bởi vậy, Linh đã bỏ thời gian để khảo sát các công ty vận tải với các tuyến ngắn, lượng xe tải rỗng ở chiều về tới 90%. Ở các tuyến xa hơn, việc các các tài xế tìm được hàng chiều về cũng vô cùng khó khăn. Nhiều bác tài phải chờ đợi tới 2 tuần mới có hàng để quay đầu.

Không dừng lại ở đó, Linh còn tới gặp các chủ hàng, tham vấn ý kiến của chuyên gia trong ngành vận tải để nhìn nhận được một cách chính xác và đầy đủ nhất những vướng mắc của vấn đề mình đang nghiên cứu. Từ những thực tế đó, Linh càng chắc chắn vào ý tưởng kinh doanh của mình và bắt tay vào thực hiện.

Cách nhanh nhất để thực hiện ý tưởng là... “giết chết nó”!

Rút kinh nghiệm từ thất bại đầu tiên, khi nảy ra ý tưởng, Linh cố gắng gặp, nói chuyện với nhiều chủ xe, chủ hàng và tham vấn ý kiến của chuyên gia trong ngành vận tải, cố gắng tìm mọi lập luận để chứng minh ý tưởng không khả thi. Một trong những kinh nghiệm mà Linh tâm đắc và cũng giúp cho Logivan đi tới được thành công hôm nay đó là “Hãy giết chết ý tưởng của mình”.

Phạm Khánh Linh từng phát triển một số ý tưởng khác thời sinh viên và lúc mới ra trường, bởi vậy, ở lần khởi nghiệp này Linh thận trong hơn. Cô bắt đầu bằng việc đặt ra những câu hỏi phản biện, đặt mình vào vị trí của khách hàng để giải quyết khúc mắc của mình: Nếu khách hàng không đón nhận ý tưởng? Nếu không tiếp cận được với chủ xe? Tiếp cận rồi, làm thế nào để tạo ra những thuật toán kết nối họ hiệu quả nhất? Nếu nguồn cung nhiều hơn cầu hay ngược lại?...

Phạm Khánh Linh (chính giữa) đang trình bày phần tham luận tại Hội nghị Đầu Tư Khởi Nghiệp khu vực Đông Nam Á & Trung Quốc.Phạm Khánh Linh (chính giữa) đang trình bày phần tham luận tại Hội nghị Đầu Tư Khởi Nghiệp khu vực Đông Nam Á & Trung Quốc.

Linh chia sẻ: “Khi trả lời được những câu hỏi đó thì ý tưởng của bạn mới có cơ hội thành công”.

Có thể nói, Linh Phạm là một người yêu thích sự phản biện. Điều đó không chỉ thể hiện trong việc thực hiện ý tưởng mà còn ở khả năng lãnh đạo con người của cô. Cô từng chia sẻ: “Phản biện lẫn nhau là lý do Logivan phát triển. Chúng tôi không thích văn hoá của những công ty truyền thống – nhân viên chỉ biết vâng lời ‘sếp’”

Trên con đường khởi nghiệp với Logivan, Linh Phạm đã có cơ hội trò chuyện và học hỏi từ các nhân vật nổi tiếng trong giới công nghệ và kinh doanh. Trong năm 2019, nữ CEO đã gặp gỡ Peter Thiel – “huyền thoại” trong giới đầu tư mạo hiểm Mỹ và gặp lại ông Thuận Phạm – Tổng giám đốc Công nghệ Uber Toàn cầu tại Mỹ.

Ngoài ra, cô còn xuất hiện tại China & Southeast Asia Venture Summit – Hội nghị Đầu Tư Khởi Nghiệp khu vực Đông Nam Á & Trung Quốc với vai trò là người diễn thuyết về chủ đề “Những ngôi sao mới tại Đông Nam Á”.

Những cuộc gặp gỡ này chính là cơ hội để Linh Phạm có thể tham vấn và “giết chết ý tưởng” của mình, không ngừng phản biện và tiếp thu các tư duy mới để giải quyết bài toán lớn cho ngành vận tải Việt Nam.

Với Khánh Linh, làm thuê hay tự kinh doanh đều tốt nếu người lao động cảm thấy hạnh phúc với công việc. Cô gái trẻ khởi nghiệp vì đó là cách duy nhất để cô biến ý tưởng hữu ích với xã hội thành hiện thực, chứ không phải để kiếm một cái danh với đời.

Cuối cùng, ý tưởng đã được hiện thực hóa. Năm 2017, Logivan chính thức đi vào hoạt động. Logivan, về mặt công nghệ, được cố vấn trực tiếp từ Giám Đốc Công Nghệ và Giám Đốc Sản Phẩm UBER tại Mỹ.

Ứng dụng đặt xe tải LOGIVAN hiện đại và dễ sử dụng.

Ứng dụng đặt xe tải LOGIVAN hiện đại và dễ sử dụng.

Sứ mệnh của Logivan là số hóa ngành công nghiệp vận tải đường bộ, tạo nền tảng công nghệ cung cấp hệ thống kết hợp tự động hóa chất lượng cao, giúp tiết kiệm chi phí Logistics cho mọi doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ logistics thông qua công nghệ.

Thời điểm đó, thị trường vận tải đường bộ vẫn còn vận hành theo cách thức truyền thống khiến chủ hàng thường bị động trong việc tìm xe chở hàng phù hợp. Việc tra cứu cước phí xe tải và so sánh giá một cách thủ công khiến họ tốn không ít thời gian và chi phí.

Chưa kể, cách thức vận hành này dần bộc lộ khuyết điểm khi không tối ưu chi phí vận tải của doanh nghiệp vì phải “bù lỗ” 30% phí cho lượt chiều về của xe tải rỗng.

Theo thống kê, tổng chi phí logistics của Việt Nam năm 2016 chiếm 20,8% tổng GDP và 18% vào năm 2018. Trong khi đó, con số này ở các nước phát triển chỉ từ 9% - 14%.

“Chiến mã” mang tên Logivan

Từ thực tế đó, Logivan ra đời như một làn gió mới trong ngành vận tải Việt Nam khi kết nối chủ hàng với các xe tải rỗng chiều về, giúp chủ hàng tiết kiệm chi phí logistics so với cách thức vận hành truyền thống.

Đến nay, Logivan đã có 2 trụ sở tại Hà Nội và Hồ Chí Minh, mạng lưới xe tải với quy mô lớn cho phép Logivan luôn sẵn sàng và chủ động đáp ứng mọi nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là trong các mùa cao điểm, các dịp lễ, Tết…

Logivan đảm nhận toàn bộ qui trình tìm kiếm xe chở hàng và quá trình vận chuyển. Doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được các chi phí về nhân lực, tối giản các quy trình vận chuyển.

Trên ứng dụng Logivan hiển thị toàn bộ bản đồ đường đi của xe hàng. Doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt tình trạng đơn hàng của mình, hạn chế việc giao hàng trễ hẹn và lo lắng cho hàng hóa.

Tất cả hoạt động vận tải đều thực hiện bằng hợp đồng và chứng từ đầy đủ. Ngoài ra, Logivan vẫn có hình thức ghi công nợ hàng tháng để loại bỏ quy trình thanh toán rườm rà.

Giữa năm 2019, quyết định 703/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng công nghệ trong ngành vận tải nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí logistics trong tổng GDP đã trở thành động lực để Logivan tiếp tục chứng minh vai trò của mình.

Loginvan giúp kết nối giữa chủ hàng và tài xế trở nên dễ dàng hơn.

Loginvan giúp kết nối giữa chủ hàng và tài xế trở nên dễ dàng hơn.

Là startup đầu tiên áp dụng trí tuệ nhân tạo vào ngành vận tải Việt Nam, Logivan đã ra mắt hệ thống tính giá APPLE, REEL và tích hợp vào gói dịch vụ chuyển hàng 5 sao LOGINOW, giúp chủ hàng tra cứu giá nhanh chóng và chính xác với cước phí tốt nhất cho mọi tuyến đường chuyển hàng. Từ đó, góp phần tiết kiệm thời gian, tối giản chi phí cho hoạt động logistics của doanh nghiệp.

Đó cũng là lý do hệ khách hàng của Logivan có sự chuyển biến tích cực. Nhiều tập đoàn lớn trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng, công nghiệp, nông sản như Ajinomoto, Miwon, Vinalift, Kangaroo, Petrovietnam… đã tin tưởng và hợp tác với Logivan.

Tính đến tháng 10/2019, GMV của Logivan đã tăng gấp đôi. Con số này đạt được chỉ sau 5 tháng. Với tốc độ tăng trưởng khối lượng hàng hóa tổng thể đạt 30% mỗi tháng, Logivan được dự đoán sẽ tiếp tục giữ vững vị thế doanh nghiệp công nghệ vận tải dẫn đầu Việt Nam trong thời gian tới.

Chỉ trong vòng 2 năm, Logivan đã có những bước nhảy ấn tượng trong ngành vận tải Việt Nam. Theo một công bố mới nhất của Tech In Asia - tạp chí công nghệ hàng đầu Châu Á, Logivan cùng những tên tuổi như Sendo.vn, Yeah1, Momo, TOPICA… nằm trong top 15 startup có tầm ảnh hướng lớn trong nền kinh tế Việt Nam.

Trong đó, Logivan xếp thứ 9 và là startup công nghệ duy nhất trong lĩnh vực logistics được “rót” vốn mạnh từ các nhà đầu tư lớn trên thế giới với tổng cộng gần 8 triệu USD.

Nguồn vốn này đã và đang được Logivan đầu tư vào công nghệ và nhân sự với mục tiêu trở thành sàn vận tải công nghệ lớn nhất Việt Nam. Song song đó, Logivan đang tích cực tham gia các vòng gọi vốn tiếp theo để nâng cao năng lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động, hoàn thiện hóa hệ sinh thái dịch vụ vận tải công nghệ 4.0.

Từ một “tân binh” đến “chiến mã" là cả một hành trình dài kỳ với nhiều nỗ lực. Logivan đã có một khởi đầu ấn tượng và sẵn sàng chuyển mình trong thời gian tới để giải quyết bài toán xe rỗng chiều về nhằm tiết kiệm chi phí cho nền kinh tế vĩ mô cũng như giảm thiểu khí CO2, góp phần phát triển bền vững vì một Việt Nam xanh, không còn xe tải rỗng.

Khi được hỏi tại sao đang có công việc với mức thu nhập tốt ở một tập đoàn hàng đầu, cô lại quyết định về Việt Nam làm khởi nghiệp, Linh nói: Ở những tập đoàn lớn, mỗi người chỉ là một nhân tố nhỏ trong cả một hệ thống đồ sộ và rất khó nhìn ra ảnh hưởng của mình. Còn với startup, với Logivan, Linh thấy mình đang giải quyết một vấn đề lớn, có tác động tích cực tới xã hội.

“Mục tiêu của Logivan là thành công trong việc giúp cho 1 triệu tài xế xe tải, công-ten-nơ sử dụng ứng dụng để tăng thêm thu nhập, mở rộng kinh doanh”, Linh cho hay.

Kể từ khi ứng dụng gọi xe Logivan xuất hiện, việc kết nối giữa chủ hàng và chủ xe đã dễ dàng và an toàn hơn rất nhiều. Thông qua ứng dụng, chủ hàng vừa có thể tìm thấy lái xe vừa có thể quản lý hành trình hàng hóa của mình.

Sau chuyến xe, chủ hàng sẽ được xác nhận trước khi thanh toán và được đánh giá xếp hạng chủ xe. Đánh giá này sẽ giúp những người đặt xe sau có căn cứ tham khảo trước khi lựa chọn lái xe.

Đối với chủ xe, Logivan sẽ giúp bạn kết nối với khách hàng có nhu cầu. Chủ xe có thể lựa chọn chuyến hàng phù hợp nhất với hành trình của mình và có thể kết nối, nói chuyện với chủ hàng một cách dễ dàng.

Trải qua hơn 3 năm thành lập và phát triển, đến nay, Logivan đã kết nối thành công với hơn 35.000 chủ xe, hơn 52.000 chủ hàng với tổng giá trị dịch vụ lên tới hơn 14 triệu USD. Sử dụng Logivan, việc tìm xe tải, tìm chủ hàng chưa bao giờ nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả đến thế.

Là một startup công nghệ, ngay từ những ngày đầu thành lập, Logivan đã không ngừng chú trọng về hệ thống vận hành, tìm hiểu và ứng dụng những công nghệ hiện đại trong quá trình hoạt động và quản lý. Đặc biệt, với số lượng chủ hàng, chủ xe và nhu cầu tìm xe, đặt xe cực lớn mỗi ngày, việc quản lý, kết nối sao cho hiệu quả, đem tới sự hài lòng cho người dùng là bài toán không hề dễ với doanh nghiệp này.

Đại dịch bùng phát, dãn cách xã hội khiến việc ký kết hợp đồng truyền thống trở nên khó khăn và gặp nhiều bất cập hơn. Với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gọi xe như Logivan, điều này càng khó khăn hơn cả. Và để đối mặt với đại dịch, hạn chế tối đa ảnh hưởng của COVID - 19, Logivan đã sử dụng hợp đồng điện tử cho các hợp đồng lao động và hợp đồng thương mại của mình.

Chỉ với vài thao tác, vài cú click chuột, các hợp đồng đã được ký kết thành công. Việc ký hợp đồng giữa doanh nghiệp với các chủ xe trở nên dễ dàng, an toàn hơn rất nhiều. Việc quản lý, tra cứu cũng hiệu quả và chính xác hơn.

Không dừng lại ở đó, Loginvan còn được biết đến là doanh nghiệp dẫn đầu xu hướng kinh tế chia sẻ trong ngành vận tải. Đầu tiên ta cần biết rằng: “Kinh tế chia sẻ”- “Sharing economy” hay còn được gọi là “Collaboration economy” – là hình thức kết nối những người có nhu cầu đến với những người có khả năng đáp ứng mà bằng cách tận dụng sự phát triển của công nghệ số.

Theo báo cáo mới nhất từ “We are Social”, trong năm 2019 có hơn 5,112 tỉ người sử dụng điện thoại di động và hơn 4,3 tỉ người sử dụng Internet trên thế giới. Với sự bùng phát của hành vi sử dụng thiết bị di động thông minh thì xu hướng kinh tế chia sẻ càng phát triển hơn bao giờ hết.

Điển hình cho mô hình này là hai thương hiệu Grab và Uber, các tài xế và người sử dụng được kết nối với nhau qua một ứng dụng công nghệ. Hay như ứng dụng đặt chỗ nghỉ nổi tiếng Airbnb, giúp những chủ nhà có phòng trống có thể “chia sẻ” với khách du lịch, người đi công tác.

Hiện nay, kinh tế chia sẻ không chỉ gói gọn ở phương tiện di chuyển, nhà ở, mà còn xuất hiện trong nhiều lĩnh vực đời thường khác. Tuy nhiên, mô hình kinh tế chia sẻ vẫn chưa phát triển rộng rãi tại Việt Nam. Đặc biệt là trong ngành vận tải vẫn còn hoạt động theo hình thức truyền thống rườm rà và tốn kém.

Nhìn thấy những hạn chế cũng như tiềm năng đấy, ứng dụng đặt xe tải chở hàng Loginvan đã ra đời và trở thành đơn vị dẫn đầu trong việc áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam. Đem đến dịch vụ vận tải chất lượng, hiện đại, minh bạch và uy tín.

Theo chia sẻ của Phạm Khánh Linh, với ý tưởng đột phát tận dụng chiều xe rỗng đi về của các phương tiện, Logivan mong muốn giảm thiểu khí thải từ các phương tiện xe. Chung tay để giảm hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường trên cả nước.

Mỗi chuyến xe chiều về được lấp đầy đã giảm thiểu được lượng khí thải của 1 chuyến đi hàng khứ hồi. Ngoài ra, sử dụng dịch vụ của Logivan còn giúp hạn chế lượng xe lưu thông trên đường, tránh kẹt xe và rủi ro tai nạn.

Để làm được điều này, Logivan mong muốn nhận được sự hợp tác của các doanh nghiệp để cùng nhau xây dựng môi trường vận chuyển hiện đại, an toàn và tạo nên “cách mạng xanh” cho ngành vận tải Việt Nam.

Đọc thêm