Cộng đồng Startup trẻ Việt Nam (Kỳ 6): Câu chuyện khởi nghiệp của CEO Xuân Nguyễn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với niềm đam mê kinh doanh từ nhỏ, Xuân Nguyễn đã khởi nghiệp với chuỗi Bánh Mì 362, dự án về y tế và sau đó là ứng dụng sách nói Fonos. Ở mỗi lĩnh vực, Xuân Nguyễn đều gặt hái được những thành công nhất định. Đối với cô trong hành trình đó không thể thiếu những người cố vấn gạo cội.
Nụ cười truyền cảm hứng của CEO Xuân Nguyễn.
Nụ cười truyền cảm hứng của CEO Xuân Nguyễn.

LTS: Startup trẻ Việt Nam – họ không “cùng sân” với những doanh nhân, tỷ phú tầm cỡ, không có trong tay khối tài sản kếch xù. Đơn giản, họ chỉ là những người trẻ đam mê khởi nghiệp, đam mê kinh doanh với nhiệt huyết cao độ, mong muốn gây dựng được cơ nghiệp cho bản thân và có thể cống hiến cho sự phát triển chung cho đất nước.

“Bỏ tiền ra chưa chắc đã mua được”

Gia đình có ảnh hưởng nhiều đến Xuân cũng như con đường sự nghiệp của cô. Mẹ Xuân ngoài vai trò nội trợ còn làm đại lý bưu điện. Bà nội của Xuân có một tiệm bánh mì nhỏ lâu đời, đây là nguồn sống của cả gia đình cô nhiều chục năm. Tới các bác của Xuân cũng tiếp nối truyền thống gia đình mở cửa hàng bánh mì. Tuổi thơ của Xuân lớn lên cùng bột mì, lò nướng, đường, bơ, sữa. Bởi vậy, Xuân cũng đã sớm nuôi ý định khi lớn lên sẽ cố gắng có cho bản thân một tiệm bánh mì.

Ban đầu, tôi và em trai làm một tiệm bánh nhỏ để tập tành kinh doanh vào năm 2015. Lúc đó Xuân mới 22 tuổi. Thời điểm đó, cô và em trai còn đi học nên chỉ mở bán từ 6h đến 9h sáng. 4 năm sau, cô và em mình quyết định mở công ty để phát triển bài bản hơn. Ý tưởng kinh doanh cứ hoàn thiện dần theo thời gian, với những nét rất riêng được thêm vào đây đó trong cửa hàng để gần gũi với thế hệ người trẻ hơn như menu có các món trà chanh sả tắc hay cà phê trứng. Bánh Mì 362 hiện đã có 11 chi nhánh tại Sài Gòn, và 2 tại Hàn Quốc.

362 là con số nhắc cho Xuân nhiều ký ức về bà, khi trước đây của hàng bánh mì của bà không có tên, chỉ có số nhà 362. Vì vậy, mọi người trong nhà mỗi lần sang thăm bà thì thường nói “Đến 362”.

Vì sự quen thuộc đó mà Xuân quyết định dùng nó để đặt tên cho món bán chạy nhất trong menu của mình là Bánh mì 362. “Giờ đây, khi nghe ai đó nói “362”, tôi cảm thấy rất vui, nghe như thể ai cũng biết câu chuyện của nhà mình”, Xuân Nguyễn tự hào chia sẻ.

Bước ngoặt phát triển của 362 là mở cửa hàng ở Hàn Quốc, nhưng cơ hội đến với chúng tôi cũng là một cơ duyên đặc biệt, chứ không phải là một kế hoạch phát triển cụ thể từ đầu.

Khó khăn lớn nhất đối với Xuân Nguyễn khi mở cửa hàng bánh mì tại Hàn Quốc là do ở đây có mùa đông rất lạnh, khác biệt hẳn so với thời tiết tại TP HCM. Khách hàng khi mua một chiếc bánh mì giòn tan, nóng hỏi trong cửa hàng nhưng khi vừa bước ra cửa đã nguội lạnh.

Hai nhà đồng sáng lập Fonos Nguyễn Xuân và Oscar Jesionek. (Ảnh: Fonos).Hai nhà đồng sáng lập Fonos Nguyễn Xuân và Oscar Jesionek. (Ảnh: Fonos).

Không chỉ vậy, khẩu vị của người Hàn Quốc cũng khó hơn người Việt, khẩu vị của họ thay đổi theo từng mùa. Mùa đông, người Hàn thường thích món ăn nóng nhưng không khô. Do vậy, đội ngũ Bánh mì 362 phải điều chỉnh cho phù hợp với khẩu vị của người Hàn Quốc bằng cách tìm ra các món mới phù hợp với họ vào mùa đông.

Ví dụ như bánh mì bò né Việt Nam bán vào mùa đông của Hàn Quốc là khá phù hợp. Đồng thời, Bánh mì 362 cũng phải tìm ra các loại thức uống nóng đẻ ăn kèm bánh mì vào mùa đông cho khách hàng Hàn Quốc.

Mới đây Xuân Nguyễn còn được biết đến với vai trò là Giám đốc điều hành và Đồng sáng lập Fonos - một trong những công ty sách nói đầu tiên tại Việt Nam.

Theo CEO Fonos, phụ nữ khởi nghiệp cũng sẽ có những khó khăn nhất định, tuy nhiên thành công hay thất bại của mỗi người phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà giới tính không phải là yếu tố quyết định.

Xuất phát điểm là người không có mối quan hệ trong giới kinh doanh, vì vậy, quá trình Xuân Nguyễn tìm kiếm mentor - người cố vấn gặp không ít trở ngại, thậm chí nhiều lần bị từ chối.

Để tìm kiếm cơ hội, Xuân Nguyễn phải trang bị cho mình sự tự tin, học cách nói chuyện, thuyết trình. Xuân Nguyễn kể, vị mentor đầu tiên cô tìm gặp là một lãnh đạo doanh nghiệp lớn. Để tiếp cận với người này, Xuân Nguyễn chọn cách làm thư ký không lương tại doanh nghiệp của họ bởi theo quan điểm của cô, “mình phải giúp họ trước thì họ mới giúp mình”.

9 tháng làm thư ký không lương, Xuân Nguyễn cho biết, cô được nhiều hơn mất, bởi ở đó cô học được nhiều kiến thức từ người mentor gạo cội, mà theo Xuân Nguyễn “bỏ tiền ra chưa chắc đã mua được”. Và chính vị mentor này đã giới thiệu cho cô những mối quan hệ tiếp theo để hỗ trợ quá trình khởi nghiệp sau này.

“Hầu hết mọi người đều sẵn lòng giúp đỡ nếu bạn không làm mất thời gian của họ. Trước khi gặp mentor, tôi thường tự hỏi muốn gì và trả lời tại sao họ phải giúp mình. Tôi luôn đặt ra các tình huống như vậy để tạo thế chủ động khi tiếp cận với các mentor. Tiếp cận mentor cũng giống như bạn khởi nghiệp, có thể thành công hoặc không, quan trọng là bạn dám làm”.

Xuân chia sẻ, ở cả hai mô hình khởi nghiệp với Bánh mì 362 và Fonos, cô đều tìm những người có chuyên môn trong lĩnh vực để cùng làm. Ở Bánh mì 362, em trai của Xuân, phụ trách về sản phẩm và như “linh hồn” của thương hiệu.

Còn với sách nói Fonos, bởi vì đây là nền tảng công nghệ nên dù là người đam mê sách, nghe sách nói nhiều nhưng Xuân biết bản thân sẽ không thể đưa ứng dụng đến với nhiều người nghe nếu bản thân cô không hợp tác với một đồng sáng lập có thể mạnh về công nghệ.

Fonos mang đến cho người dùng một thư viện sách nói và các nội dung âm thanh độc quyền, gồm cả sách nói tiếng Việt có bản quyền. (Ảnh: Fonos).

Fonos mang đến cho người dùng một thư viện sách nói và các nội dung âm thanh độc quyền, gồm cả sách nói tiếng Việt có bản quyền. (Ảnh: Fonos).

“Dù vậy, việc tìm được người đồng sáng lập có cùng chí hướng với mình không hề dễ dàng, cũng giống như bạn tìm một người đồng hành trong hôn nhân”, Xuân trải lòng. Bởi thực tế, thời gian ban đầu lúc nào cũng tràn đầy năng lượng và đẹp đẽ nhưng thử thách lại nằm ở đường dài phía trước. Bởi vậy, mỗi bạn trẻ khởi nghiệp cần tìm người đồng hành mà khi có những bất đồng cả hai sẵn sàng cùng ngồi xuống giải quyết. Tất cả phải được chia sẻ trên nguyên tắc thẳng thắn và trung thực với nhau để tìm ra hướng xử lý.

Bản thân Xuân Nguyễn luôn cảm thấy may mắn khi hầu hết cô đều tìm được những người đồng hành phù hợp, đánh tin cậy.

Ba giá trị cốt lõi không bao giờ thỏa hiệp

Dù vậy, trong con đường gây dựng sự nghiệp, Xuân Nguyễn cũng có những nguyên tắc, giá trị cốt lõi mà Xuân không bao giờ thỏa hiệp. Bởi theo Xuân đó là những yếu tố giúp cô có được thành công.

Đầu tiên là sự chính trực, điều này được thể hiện qua từng lời nói, hành động và cách ứng xử thường ngày với mỗi người. Xuân cho hay, từ trước tới nay bản thân cô luôn để ý đến hành động của mỗi người, thay vì những lời người đó nói ra. Xuân biết việc gìn giữ sự chính trực đôi khi rất khó, nó đòi hỏi sự dũng cảm và thậm chí là hy sinh. Và đó chính là lý do mà “Xuân thật sự quý mến và trân trọng những người gìn giữu được phẩm chất này”.

Thứ hai là giao tiếp. Cá nhân Xuân Nguyễn không nghĩ giao tiếp chỉ là một kỹ năng. Đối với Xuân, giao tiếp một cách thành thật và tôn trọng đối phương là cả một cam kết xuất phát từ bên trong bản thân mỗi người. Nhiều năm xây dựng sự nghiệp, Xuân tự cảm nhận rằng, bản thân cô chỉ làm việc được cùng với những người mà bản thân Xuân có thể mở lòng và cảm thấy thoải mái để trò chuyện. Ngược lại, nếu việc giao tiếp chỉ đến từ một phía sẽ không đi đến đâu cả.

Cuối cùng, giá trị cốt lõi mà Xuân Nguyễn không bao giờ thỏa hiệp đó là tính nguyên bản – sống thật với suy nghĩ, cảm xúc và cách thể hiện bản thân. Xuân không dễ dàng thỏa hiệp bản than của mình chỉ để thuận theo quan điểm của người khác.

Bên cạnh đó, dù tự nhận mình là một người khá cứng đầu và cương quyết nhưng sau nhiều năm khởi nghiệp, bản thân Xuân thấm thía câu “cung kính không bằng tuân mệnh”, đặc biệt là đối với những người yêu quý mình và kính trộng.

Ngoài ra, bản thân Xuân Nguyễn cũng tự nhận thấy mình là một người khởi nghiệp còn rất trẻ. Vì vậy, từ những thất bại và thách thức mà bản thân gặp trong quá khứ, Xuân tự nhận ra những nguyên tắc nhất định để có thể đến được thành công.

Thứ nhất, mỗi người trẻ khi khởi nghiệp phải chịu khó học tài chính. Xuân Nguyễn nhận định: “Tiền mặt là dưỡng khí của doanh nghiệp, bạn cần hiểu rõ về tài chính để có thể ra quyết định cho tương lai”.

Thứ hai, bản thân những bạn trẻ khởi nghiệp phải liên tục luyện tập tính kỷ luật củ bản thân. Là thuyền trưởng, nếu không có kỷ luật, nhân viên của bạn cũng sẽ như vậy.

Cuối cùng, mỗi người hãy rèn luyện khả năng giao tiếp của mình. “Việc giao tiếp hiệu quả là vô cùng quan trọng và sẽ giúp bạn loại bỏ được nhiều vấn đề trên đường dài”.

Sau nhiều năm kinh nghiệm, Xuân Nguyễn cho rằng, nếu gặp phải vấn đề trong công việc thì khả năng cao là vấn đề thuộc về một trong ba phạm trù trên. Việc hoàn thiện kỹ năng sẽ giải quyết phần lớn các vấn đề mà cá nhân Xuân trước đây từng gặp phải khi vận hành doanh nghiệp.

Bánh mì 362 hiện có 11 cửa hàng tại TP.HCM và 2 cửa hàng tại Hàn Quốc (Ảnh: NVCC).Bánh mì 362 hiện có 11 cửa hàng tại TP.HCM và 2 cửa hàng tại Hàn Quốc (Ảnh: NVCC).

Tạo lập giá trị bền vững cho sách nói

Trong quá trình phát triển chuỗi Bánh mì 362, Xuân có nhu cầu học hỏi nhiều kiến thức mới, nhưng lại quá bận rộn, nên không có nhiều thời gian tập trung đọc sách. Xuân tìm đến sách nói, tận dụng những khoảng thời gian trống trong ngày để nghe và học, thay vì phải cầm sách đọc, song không thể tìm được ứng dụng sách nói chất lượng ở Việt Nam.

Cô nhận thấy, rất nhiều người bận rộn với công việc cũng gặp khó khăn khi muốn cập nhật kiến thức mới giống mình và họ sẽ cần một ứng dụng sách nói chất lượng.

“Thật đáng tiếc khi những kiến thức quý báu được thu âm thành sách nói kém chất lượng, hay được lan truyền mà không có bản quyền, khiến nó mất đi giá trị to lớn của mình. Việc xây dựng và phát triển ứng dụng Fonos (www.fonos.vn) là cách tôi trả ơn những người thầy tận tụy của mình”, Xuân chia sẻ lý do trở thành đồng sáng lập của ứng dụng sách nói có bản quyền Fonos.

Fonos trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là giọng nói, âm thanh. Fonos tập trung vào những đầu sách bán chạy trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Xuân hy vọng, đây là người bạn đồng hành cho những người bận rộn có nhu cầu mở rộng kiến thức, phát triển bản thân.

Xuân tự nhận trách nhiệm mang đến thị trường sách nói bản quyền những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, vì nghĩ rằng, đây là điều nên làm với các tác giả, những nhà xuất bản và những người đã đặt hết tâm huyết để tìm kiếm, dịch và phát hành sách tại Việt Nam.

Những “cầu nối tri thức” này đã và đang mất một nguồn thu rất lớn vì sách giấy, sách nói không có bản quyền. Xuân còn tin rằng, khi họ được đền đáp xứng đáng và công sức của họ thật sự được trân trọng, thì chính những người yêu sách như cô sẽ được đọc những cuốn sách chất lượng hơn.

“Tôi nhận được quá nhiều giá trị so với mức giá đã trả để mua một quyển sách. Vì vậy, tôi cần làm đúng ngay từ đầu với sách nói có bản quyền, chất lượng cao. Tôi mong cộng đồng sẽ nói không với sách lậu”, Xuân bày tỏ.

Khởi nghiệp với ứng dụng sách nói - ứng dụng đã xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 2012 nhưng chưa có mô hình nào thành công, là một áp lực đối với Xuân Nguyễn.

Vị nữ CEO trẻ tuổi không có kinh nghiệm về công nghệ đã phải lăn lộn tìm người đồng hành có chuyên môn và tìm ra hướng đi khác biệt để dự án khởi nghiệp của mình không bị chết yểu. Cuối cùng Xuân Nguyễn đã tìm được người đồng hành là CEO - Oscar Jesionek.

Sau nhiều đêm đau đáu tìm câu trả lời về sự thất bại của các mô hình sách nói tại Việt Nam trước đây, Xuân Nguyễn nhận ra rằng, ứng dụng trước không thành công bởi họ cho mọi người sử dụng miễn phí hoặc thu tiền quá rẻ.

“Việc cho sử dụng miễn phí khiến các mô hình trước rơi vào vòng lặp: không có tiền tái đầu tư - ứng dụng không được nâng cấp, không có tiền trả cho nhà xuất bản để có đầu sách hay – không hấp dẫn được người sử dụng – không có tiền”.

Tuy nhiên, việc để người Việt sẵn sàng rút hầu bao chi trả cho các nội dung số cũng là thách thức đối với Fonos. Cùng thời điểm đó, Netflix và Spotify – hai ứng dụng dịch vụ phim ảnh và âm nhạc kỹ thuật số bắt đầu vào Việt Nam, xây dựng thị trường và bước đầu người Việt đã chấp nhận chi trả tiền cho dịch vụ đó.

Đối với Xuân Nguyễn, phim và nhạc là hai dịch vụ bị làm lậu nhiều nhất trên thị trường. Nhưng bằng cách đi riêng của mình, họ đã thu được tiền của những người sử dụng. Đây là tia sáng để Fonos tin rằng cũng có thể làm được như vậy.

“Trong quá trình nghiên cứu khách hàng, tôi đã thấy nhiều người đã bỏ ra tới 500.000 đồng mua những chiếc USB, cắm vào ô tô để nghe sách nói. Tôi nhận thấy nhu cầu về sử dụng sách nói luôn có và người dùng vẫn sẵn sàng trả tiền, quan trọng là chất lượng như thế nào. Nếu chất lượng bình thường, giống như những gì đang có trên Youtube thì họ sẽ nghe miễn phí”.

Vì vậy, để thuyết phục người sử dụng trả tiền cho dịch vụ số, không bằng cách nào khác, Fonos phải tự tạo ra phiên bản sách nói chất lượng, quy tụ những đầu sách hay, sách bán chạy, những loại sách có bản quyền. Song song với đó, trải nghiệm về ứng dụng cũng rất quan trọng, phải có giao diện đẹp, thao tác mượt mà.

Cuối cùng là giọng đọc. Theo nữ CEO Fonos, người Việt rất nhạy cảm về âm thanh và có tiêu chuẩn riêng cho từng vùng. Vì vậy, không thể nào một cuốn sách dành cho doanh nghiệp, bán chạy nhất của một tác giả lớn tuổi lại được đọc bởi một cô gái trẻ.

“Nếu không thể làm ứng dụng sách nói có tiêu chuẩn cao thì người Việt sẵn sàng mua ứng dụng sách nói nước ngoài. Thậm chí họ có mua của mình nhưng nếu chất lượng không tốt, không phù hợp thì họ cũng sẵn sàng không tiếp tục sử dụng và không trả tiền”, Xuân Nguyễn chia sẻ.

Nhà sáng lập nói thêm rằng: “Mọi người thường nghĩ rằng người Việt Nam sẽ không trả tiền cho nội dung số. Nhưng chúng tôi là một ví dụ. Và điều nói trên là không đúng”.

Startup Fonos tuyên bố độc quyền sách nói cho hàng trăm cuốn sách bán chạy nhất của các tác giả Việt Nam và quốc tế. Công ty cũng đã hợp tác với nhiều nhà xuất bản sách hàng đầu trong nước như NXB Trẻ, Alphabooks, Thái Hà Books, Nhã Nam, Đông Á.

Bất chấp việc Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, Fonos ghi nhận tăng trưởng doanh thu hàng tháng tăng gấp 5 lần so với đầu năm 2021. Cơ sở người dùng hoạt động hàng tháng của ứng dụng cũng tăng vọt lên hơn 80.000 chỉ trong tháng 8.

Thị trường nội dung âm thanh ở Đông Nam Á đã trở nên náo nhiệt hơn trong những năm gần đây. Không chỉ những người chơi nổi bật như Spotify và Apple Podcasts, mà ngay cả những startup như Clubhouse, cũng đang giúp các doanh nghiệp địa phương kiếm tiền.

“Họ cũng có một số nhược điểm. Ví dụ, họ thiếu nội dung địa phương”, CEO Jesionek nói. “Nếu bạn sử dụng Apple và Spotify, loại nội dung địa phương duy nhất mà họ có là podcast và chúng không phải là độc quyền. Vì vậy, chúng tôi không cạnh tranh về cùng một loại nội dung”.

Với dân số hơn 90 triệu người, cùng với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh nằm trong top 10 toàn cầu, Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất cho nội dung số trên thiết bị di động.

Theo Tech in Asia, Fonos - startup đứng sau nền tảng âm thanh số, sách nói cùng tên, vừa được các quỹ Hustle Fund, iSeed, Angel Central cùng các nhà đầu tư trong nước rót số tiền 1,1 triệu USD trong vòng gọi vốn hạt giống. Fonos hoàn tất vòng gọi vốn vào quý II năm nay, nhờ đà tăng trưởng mạnh mẽ và đều đặn.

Đọc thêm