Công khai chứng cứ giúp tranh tụng khách quan, công bằng

(PLO) - Một trong ba quyền và nghĩa vụ mới của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 là đương sự có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ.

Kẽ hở để kéo dài giải quyết vụ án

Khoản 1 Điều 84 của BLTTDS 2004 quy định: “Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho Tòa án; nếu đương sự không nộp hoặc nộp không đầy đủ thì phải chịu hậu quả của việc không nộp hoặc nộp không đầy đủ đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Như vậy, việc giao nộp chứng cứ vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của các đương sự và các đương sự không bị giới hạn thời gian giao nộp chứng cứ mà có quyền giao nộp chứng cứ vào bất kỳ thời điểm, giai đoạn nào trong quá trình giải quyết vụ án. 

Do đó, thực tiễn giải quyết vụ việc dân sự có tình trạng ở giai đoạn xét xử sơ thẩm, đương sự giữ chứng cứ, cố tình che giấu chứng cứ, chấp nhận có thể bị Tòa án bác yêu cầu, đến giai đoạn xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm mới giao nộp nhưng Tòa án vẫn phải chấp nhận chứng cứ đó, dẫn đến việc phải hủy, sửa bản án đã ban hành. Quy định này dẫn đến việc đương sự lợi dụng kéo dài việc giải quyết vụ án, làm giảm tính ổn định của bản án, quyết định của Tòa án, gây tốn kém thời gian, công sức cho cả Tòa án và các đương sự trong vụ án.

Để đảm bảo quyền của đương sự trong thu thập chứng cứ, BLTTDS sửa đổi năm 2011 đã bổ sung quy định về trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cá nhân, cơ quan tổ chức có thẩm quyền. Quy định như vậy song thực tế việc thu thập chứng cứ của các đương sự, kể cả thẩm phán trong nhiều trường hợp vẫn rất khó khăn.

Luật cũng chưa có cơ chế chia sẻ thông tin giữa các bên đương sự. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự, Tòa án khi giải quyết vụ việc cũng dễ dẫn đến khó đảm bảo sự công bằng khi mà quyền tranh luận đã bị bỏ qua hoặc thực hiện một cách chiếu lệ.

Hết tình trạng “chứng cứ bên nào có được bên ấy biết”

Khắc phục bất cập trên, BLTTDS 2015 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016), Điều 70 đã quy định hàng loạt quyền, nghĩa vụ của đương sự. Trong đó, đáng chú ý là khoản 9 nêu rõ: “Có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ, trừ tài liệu, chứng cứ mà đương sự khác đã có, tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này. Trường hợp vì lý do chính đáng không thể sao chụp, gửi đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ thì họ có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ”.

Ngoài ra, để đảm bảo các đương sự thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ cung cấp cho nhau các tài liệu, chứng cứ, Bộ luật cũng quy định thời hạn giao nộp chứng cứ do thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc dân sự ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.

Tại phiên tòa, nếu đương sự xuất trình chứng cứ mới cho Tòa án thì những chứng cứ ấy sẽ được xem xét, đánh giá công khai. Trường hợp cần phải xác minh mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa và nếu không thực hiện việc xác minh sẽ không thể giải quyết được vụ án thì hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa để tiến hành xác minh hoặc trưng cầu giám định. 

Trong quá trình thảo luận xây dựng BLTTDS năm 2015, đã từng có ý kiến e ngại “quy định đương sự có chứng cứ phải sao gửi cho đương sự khác để đảm bảo các bên biết được chứng cứ của nhau là không khả thi”. Ý kiến này cho rằng, có thể quy định theo hướng đương sự nộp chứng cứ đó cho Tòa án, để đương sự phía bên kia có yêu cầu thì Tòa án sẽ cung cấp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang thực hiện quan điểm chỉ đạo tại các Nghị quyết về cải cách tư pháp đến năm 2020 về “đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa”, đồng thời thể chế hóa quy định tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 về “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”.

Bởi thế, việc quy định nghĩa vụ nói trên sẽ khắc phục các hạn chế, tăng cường tranh tụng, bảo đảm tính công khai, dân chủ, công bằng, tạo thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong quá trình tham gia tố tụng, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của mình. Có điều, nhiều chuyên gia lưu ý, cần thêm những quy định cụ thể để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện nghĩa vụ này của đương sự. 

Đọc thêm