Công lý muộn mằn

(PLVN) - Ở Ấn Độ vừa rồi có một vụ án được chính thức khép lại sau gần 28 năm giằng co giữa công chúng đòi hỏi công lý và những cơ quan công quyền tìm mọi cách che đậy sự vô trách nhiệm của họ trước số phận của dân thường, cũng như thiên hướng bao che cho giới chức sắc của tôn giáo mà bất chấp sinh mạng của người dân. 
Di ảnh cô gái 19 tuổi và nỗi đau của gia đình.
Di ảnh cô gái 19 tuổi và nỗi đau của gia đình.

Chuyện xảy ra ngày 27/3/1992 ở một tu viện tại vùng miền Nam Ấn Độ. Cô gái 19 tuổi Abhaya học và sống ở đó. Hôm ấy, người ta phát hiện ra xác cô gái trẻ tại một căn phòng trong tu viện ở tình trạng thi thể bị ai đó dùng rìu chém nhiều lần dẫn đến tử vong. Cảnh sát tiến hành điều tra và khám nghiệm pháp y được tiến hành và rồi kết luận của họ là cô gái đã tự sát. 

Gia đình cô gái và dư luận không chấp nhận kết luận này bởi đơn giản thi thể cô gái trẻ được phát hiện trong tình trạng chỉ nhìn qua thôi cũng đã đủ để nhận thấy cô gái bị sát hại chứ không thể tự sát. Hơn nữa, gia đình hay bè bạn và những nữ tu sĩ cùng học đều xác nhận và khẳng định là cô gái này hoàn toàn không có lý do gì để tự sát hoặc có biểu hiện gì quẫn trí đến mức phải làm như thế. Gia đình, bè bạn và nhiều tổ chức xã hội ở Ấn Độ không chấp nhận kết luận điều tra này và kiên trì đòi phải tiến hành điều tra cẩn trọng nhằm tìm ra sự thật và trả lại công lý cho cô gái trẻ.

Cảnh sát Ấn Độ tiến hành điều tra và đưa ra báo cáo đầu tiên vào năm 1993 nhưng không được Bộ trưởng Tư pháp bang chấp nhận. Cả báo cáo điều tra năm 1996, 1999 và 2005 của cảnh sát cũng bị Bộ trưởng Tư pháp bang bác bỏ. Năm 2005, chính quyền bang thay đổi cơ quan điều tra. 

Năm 2009, tức là sau 17 năm, cảnh sát điều tra ra sự thật là cô gái đã bị sát hại. Thủ phạm là mục sư Kottoor và nữ tu sĩ Sephy. Hai người này lén lút quan hệ tình ái với nhau trong tu viện và sáng ngày 27/3/1992 đã bị nữ tu sĩ Abhaya tình cờ bắt quả tang. Họ đã cùng nhau sát hại cô gái trẻ để che giấu hành vi tội lỗi của mình. Họ đã dùng trọng tội khác để che đậy tội lỗi kia.

Báo cáo kết quả điều tra được đưa ra năm 2009 nhưng phải mất thêm 10 năm nữa, hai người này mới bị chính thức khởi tố và lại phải mất thêm hơn 1 năm nữa, cụ thể đến tận cuối tháng 12 năm ngoái, họ mới bị đưa ra xét xử trước tòa. Cha mẹ cô gái qua đời năm 2005 nên không còn có thể được chứng kiến pháp luật trừng trị những kẻ đã sát hại con gái của họ.

Công lý đến quá muộn nhưng có vẫn còn hơn không. Dù vậy vẫn còn rất nhiều câu hỏi liên quan đến vụ án này chưa được trả lời. Trước hết là câu hỏi tại sao phải mất đến tận gần 28 năm mới tìm ra sự thật trong vụ án mà bản chất vụ việc đã rõ ràng ngay từ đầu? Tại sao phía cảnh sát điều tra suốt thời gian dài không hề thay đổi kết luận là cô gái trẻ đã tự sát trong khi hiện trường cho thấy không thể có chuyện cô gái tự sát?

Câu hỏi được đặt ra là phải chăng cảnh sát ngại động chạm đến những chức sắc và cơ sở tôn giáo ở Ấn Độ? Ấn Độ là quốc gia có nhiều tôn giáo và tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn. Thiên hạ hoài nghi là có thể cảnh sát đã bất chấp nhà nước dân chủ pháp quyền để giữ thể diện và thanh danh cho tôn giáo. Vậy đấy, xét xử và tuyên án rồi nhưng vụ việc đâu có phải vì thế mà đã xong.

Đọc thêm