Chính phủ đưa ra nhiều gói ưu đãi…
Thực tế hiện nay, phần đa công nhân vẫn đang phải sống trong các khu trọ do người dân tự xây dựng. Họ không khỏi đau đầu bởi những rắc rối phát sinh trong quá trình sinh sống và không thể yên tâm làm việc như việc bị trộm cắp tài sản, rối loạn ở khu trọ, mâu thuẫn với chủ trọ...
Tại các tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, người lao động thường đổ dồn về rất đông, nhu cầu nhà ở cũng cao hơn so với tỉnh, thành khác.
Việc nhiều người lao động tập trung trong các khu trọ cũ chật chội, điều kiện sống thấp là điều không hiếm thấy. Điều này sẽ làm giảm mức sống chung của xã hội và gia tăng các tệ nạn, hiện tượng gây rối mất trật tự. Vì vậy, các chính sách ưu đãi cho các khu công nghiệp, khu chế xuất khi xây dựng nhà trọ cho công nhân mở ra hướng đi mới, giúp giảm bớt khó khăn cho công nhân và người lao động khi đi làm ăn xa.
Công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất là đối tượng cần được quan tâm, chăm sóc và đảm bảo về nhu cầu cuộc sống, nhất là nhu cầu về nhà ở. Kể từ năm 2014, nhiều chính sách của Nhà nước được đưa ra nhằm thúc đẩy việc xây dựng các khu nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo Nghị định số 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội thì các dự án phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp nói chung và nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp nói riêng (gọi tắt là nhà ở xã hội) sẽ được hưởng nhiều sự hỗ trợ và ưu đãi.
Trước tiên, các dự án xây dựng khu nhà ở cho công nhân sẽ được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất và sử dụng đất trong phạm vi dự án. Các ưu đãi khác như miễn, giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp, miễn thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở với một số trường hợp, được sử dụng nhà ở và công trình xây dựng hình thành trong tương lai làm tài sản thế chấp khi vay vốn đầu tư cho dự án đó,…
Đặc biệt, chủ dự án có thể sử dụng 20% diện tích đất dự án để đầu tư mục đích thương mại để góp phần giảm giá cho thuê cho người lao động. Những ưu đãi này đã tạo hành lang pháp lý cho các chủ doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất có nhiều công nhân làm việc, xây dựng khu nhà ở xã hội để hỗ trợ cho công nhân.
Bên cạnh đó, các gói ưu đãi về tài chính cũng được đưa ra nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp khi xây dựng các dự án nhà ở công nhân như chủ đầu tư sẽ được tính khấu hao tài sản và giảm trừ chi phí nếu tham gia đầu tư, vận hành công trình này.
Mặt khác, việc công ty xây dựng, quản lý khu nhà trọ dành riêng cho công nhân mang lại lợi ích cho nhiều bên. Đối với đơn vị chủ dự án, các công trình này không chỉ đưa đến những ưu đãi tốt từ phía Nhà nước mà còn thể hiện được sự quan tâm của công ty đối với đời sống công nhân, góp phần nâng tầm vị thế doanh nghiệp.
Đồng thời, việc trực tiếp quản lý, nắm bắt được nhu cầu, mong muốn của người lao động trong quá trình sinh sống cũng giúp chủ doanh nghiệp đưa ra nhiều định hướng phát triển, nâng cao năng lực sản xuất cho công nhân.
Với công nhân, đây là điều kiện tốt giúp họ ổn định hơn cuộc sống, giảm bớt gánh nặng về tiền thuê nhà cũng như chi phí sinh hoạt, được sống trong không gian đảm bảo an ninh và giúp họ tập trung vào sản xuất. Việc tập trung công nhân vào trong các khu nhà trọ do công ty xây dựng và quản lý cũng góp phần đảm bảo trật tự xã hội, giảm bớt sự phức tạp hay các tệ nạn ở các khu trọ ngoài.
Các khu nhà ở xã hội giúp người lao động có được nơi ở tử tế, không còn gánh nặng câu chuyện tìm nhà trọ hay nỗi lo an toàn nơi ở. Khi đảm bảo được cuộc sống với chỗ ở ổn định, công nhân mới có thể hoàn toàn yên tâm sản xuất, từ đó nâng cao năng suất làm việc chung của công ty.
Nhưng công nhân vẫn “mòn mỏi” chờ nhà
Mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi khi xây dựng nhưng các dự án nhà trọ công nhân vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu ngày một tăng cao như hiện nay. Một thực tế diễn ra tại các khu công nghiệp là công nhân rời bỏ công việc để trở về quê sinh sống do nhiều năm không thể tìm được nơi ở tử tế, phải chuyển trọ liên tục và chi phí sinh hoạt cũng tốn đến hơn nửa mức thu nhập. Các khu nhà trọ cho công nhân chưa được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, công nhân vẫn phải sống tạm bợ ở những khu trọ có chất lượng ở mức kém.
Hiện nay, nhiều dự án nhà ở cho công nhân do các công ty làm chủ xây dựng lâm vào cảnh “muối bỏ bể”. Tại Hà Nội, tính đến hết năm 2020, cần thêm khoảng 2 triệu m2 sàn nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp. Tại thành phố Hồ Chí Minh hiện cũng mới chỉ đáp ứng được gần 15,3% nhu cầu nhà ở cho công nhân.
Tính trên cả nước, số lượng các khu nhà ở cho công nhân mới chỉ đáp ứng được khoảng 28% nhu cầu, còn lại công nhân vẫn phải thuê trọ bên ngoài. Nhiều dự án đến nay phải dừng thi công hoặc chậm trễ tiến độ thực hiện.
Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là bởi nhiều doanh nghiệp, công ty chưa chú trọng vào việc nâng cao đời sống cho công nhân. Ngay tại nhiều địa phương có khu công nghiệp thì việc xây dựng nhà ở công nhân vẫn không mấy mặn mà.
Trả lời báo chí, nguyên Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm nhận định: “Nhà ở tự phát cho công nhân rất kém, chật chội, ẩm thấp, công nhân chỉ xem đó là nơi ở tạm bợ qua ngày. Phần lớn công nhân ở trọ như vậy nhưng các nhà làm chính sách lại không quan tâm cải thiện, mà chỉ muốn làm một cuộc cách mạng về nhà ở, đưa công nhân vào trong những khu chung cư nhiều tầng”.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp còn lo ngại trong vấn đề quản lý an toàn, an ninh tại các khu trọ này. Do phải làm việc theo ca, kíp, việc đi lại của công nhân diễn ra cả ngày lẫn đêm, số công nhân tạm trú, thuê trọ thường xuyên không cố định, lâu dài rất khó khăn trong công tác quản lý.
Bên cạnh đó, dù được hỗ trợ với các gói ưu đãi tài chính để xây dựng dự án nhà ở cho công nhân nhưng theo nhiều doanh nghiệp, thủ tục vay vốn, xin phép xây dựng còn rất nhiều rườm rà, vướng mắc và mất nhiều thời gian. Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, việc xây dựng nhà trọ với mục đích thương mại mang lại lợi nhuận cao hơn, dễ thu hồi vốn so với dự án nhà trọ cho công nhân.
Tại nhiều khu công nghiệp khác, mặc dù đã có nhà trọ cho công nhân thuê nhưng do chi phí đầu tư thấp nên phần lớn các phòng trọ vẫn đơn điệu, chưa có các công trình vui chơi, thể thao cho công nhân. Bởi vậy, sau nhiều năm triển khai thì các dự án nhà trọ cho công nhân vẫn còn rất hạn chế, công nhân vẫn đau đầu với công cuộc tìm trọ và tiếp tục phải chờ để được sống trong các khu trọ của công ty.
Để công nhân không phải mong mỏi chờ dự án nhà trọ của công ty, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã đưa ra Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Theo đề án, các tỉnh, thành phố có trách nhiệm bố trí quỹ đất sạch từ 3ha đến 5ha, bố trí nguồn vốn để giải phóng mặt bằng.
Tổng LĐLĐ Việt Nam có trách nhiệm đầu tư từ 300 tỷ đến 500 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục công trình nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao tại mỗi dự án thiết chế công đoàn tại địa phương bằng nguồn vốn tích lũy của tổ chức công đoàn và các nguồn vốn khác. Mục tiêu đến năm 2020, sẽ tổ chức đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 50 thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đến năm 2030, phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế của công đoàn, từ đó nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho công nhân, người lao động. Việc công ty xây dựng các khu nhà trọ cho công nhân cũng cần cân đối lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và quan trọng nhất là hướng đến lợi ích người lao động, đảm bảo cuộc sống an toàn, ổn định cho công nhân để họ yên tâm sản xuất.