[links()]Chủ doanh nghiệp (DN) người nước ngoài nợ lương, BHXH, BHYT… của công nhân (CN) rồi “tháo chạy” đang trở thành hiện tượng xã hội bức xúc song nhưng các cấp ngành lại thờ ơ, chậm giải quyết. Sự việc 180 công nhân Cty TNHH Kyung Sung Vina (100% vốn Hàn Quốc, huyện Hóc Môn, TP.HCM) khởi kiện và chờ đợi ông chủ người Hàn trở lại trả tiền lương là minh chứng điển hình.
“Chết” chẳng ai “chôn”
Chúng tôi quay trở lại Cty TNHH Haekwang Vina (100% vốn Hàn Quốc, huyện Hóc Môn, TP.HCM) chứng kiến cảnh nhà xưởng “cửa đóng then cài”, tất cả thiết bị máy móc được cho vào góc nhà. Đã gần 4 năm trôi qua kể từ ngày ngày 15/10/2010, khi ông Cho Yong Rak, Giám đốc Cty bỏ trốn, “ôm” theo khoản nợ lương và BHXH của gần 100 CN.
Ngay khi vụ việc xảy ra, tổ công tác liên ngành UBND huyện Hóc Môn đã lập biên bản kiểm kê, niêm phong máy móc, thiết bị và nguyên liệu tồn kho, giao cho chủ cho thuê nhà xưởng và lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp giữ gìn, bảo quản. Thời điểm đó, tổng giá trị tài sản ước tính trị giá 400 triệu đồng. Trải qua nhiều cuộc họp, hàng loạt lời hứa…, đến giờ này CN tứ tán khắp nơi, còn máy móc nhà xưởng thì vẫn nằm phơi cùng mưa nắng, vụ việc có lẽ các cơ quan chức năng cũng chẳng còn nhớ nữa.
Đến Cty TNHH dệt len Magnicon (100% vốn Đài Loan, chuyên dệt len xuất khẩu ở q.12) chúng tôi cũng thấy cảnh hoang tàn không kém. Kể từ tháng 2/2011, khi việc kinh doanh thua lỗ, hai vị lãnh đạo công ty là Tổng giám đốc Lai Chun Nam và Giám đốc Chin Yu Wen bỏ trốn về Đài Loan, mang theo khoản nợ lương và BHXH của CN lên đến gần 2 tỉ đồng.
Máy móc của Công ty Manicon 3 năm nay vẫn nằm không |
Sau từng ấy năm, tưởng với hàng loạt cuộc họp vụ việc đã được giải quyết, thế nhưng thật lạ lùng là hiện tại máy móc vẫn đang được niêm phong, nhà xưởng đóng kín cửa. Chúng tôi hỏi anh B bảo vệ được biết, CN giờ đã tứ tán khắp nơi, thỉnh thoảng cũng có trở lại dò hỏi về vụ việc, còn “cán bộ” thì chẳng thấy ai.
Trường hợp tại Cty Hojin (100% vốn Hàn Quốc, quận Bình Tân, TP.HCM) còn thê thảm hơn. Tháng 10/2006, ông Kim Chang Ho - Giám đốc Cty bỏ trốn, “ôm” theo số nợ lương và BHXH gần 400 triệu đồng của 157 CN. Ngay khi vụ việc xảy ra, các cơ quan chức năng quận Bình Tân đã “tích cực” phối hợp xử lý và niêm phong tài sản công ty.
Thế nhưng, oái oăm là đến nay, gần 6 năm đã trôi qua, mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi. Quyền lợi CN không ai giải quyết, nhà xưởng xuống cấp dột nát, máy móc hoen gỉ… Một bảo vệ được thuê trông giữ đống “sắt vụn” này cho hay cũng không chắc là thời điểm nào sẽ chấm dứt hợp đồng.
Gần đây nhất là trường hợp Cty TNHH Sae Hwa Vina (100% vốn Hàn Quốc chuyên về dệt, nhuộm). Do làm ăn thua lỗ, đầu tháng 9/2012, DN này cho gần 800 CN nghỉ việc và ra thông báo tạm ngưng hoạt động. Hiện số tiền nợ lương CN và BHXH phát sinh là trên 12 tỉ đồng. Vụ việc diễn ra đã gần một năm nay, tuy nhiên không cũng thấy sự vào cuộc “tích cực” của các cơ quan chức năng. Ngoại trừ việc công ty thường “rao” là đã tìm được đối tác để bán máy móc. Nhiều CN đói khổ quá phải tìm đường trở về quê, một số người trụ lại kiếm việc làm lay lắt chờ giải quyết.
Cần luật hóa cách giải quyết
Vì vậy, vụ việc 180 CN Cty TNHH Kyung Sung Vina “vật vã” đi tìm ông chủ người Hàn Quốc để đòi trả lương, BHXH những ngày qua khiến nhiều người ngao ngán, khéo rồi lại cũng rơi vào “vết xe đổ” như các công ty có chủ bỏ trốn trước đây mà thôi.
Đáng nói, theo quy định của pháp luật lao động, những vụ việc như thế này các cơ quan chức năng phải lập tức vào cuộc, thế nhưng trên thực tế CN đều phải tự...“bơi”. Đem các vấn đề này hỏi những cơ quan chức năng có trách nhiệm tại TP.HCM chúng tôi đều nhận được những câu trả lời chung chung kiểu “đang giải quyết”. Nhưng giải quyết như thế nào để đến 5- 6 năm nay CN chẳng nhận được đồng nào thì không ai trả lời.
Trước đây, vào thời điểm năm 2009 khi phong trào chủ DN bỏ trốn rộ lên, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 30/2009/QĐ-TTg giao UBND tỉnh, thành ứng ngân sách địa phương để trả lương cho người lao động (NLĐ) bị mất việc làm tại DN có chủ bỏ trốn. Nguồn tạm ứng này được hoàn trả từ nguồn thu khi xử lý tài sản của DN, nếu không đủ thì báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định... Nhờ quyết định này của Thủ tướng, hàng vạn CN đã được hỗ trợ. Nhưng quyết định này chỉ áp dụng trong năm 2009, nên thời gian qua CN rất thiệt thòi vì hễ cứ chủ DN bỏ trốn là coi như mất luôn tiền lương...
Theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM, các ngành chức năng cần nghiên cứu, xử lý vụ việc theo hướng đơn giản hơn. Bởi lẽ, thủ tục phá sản quá nhiêu khê nên việc xử lý tài sản DN có chủ bỏ trốn gần như không lối ra. Máy móc thời gian dài không sử dụng đã xuống cấp, giá trị không còn bao nhiêu. Ông Nguyễn Văn Khải, Phó chủ tịch LĐLĐ TP.HCM nhận định, Bộ luật Lao động và các luật liên quan không quy định rõ thế nào là “bỏ trốn”, chính vì thế khi áp dụng xử lý các cơ quan chức năng bị lúng túng.
Theo LS.Hồ Nguyên Lễ, Trưởng văn phòng Luật Tín Nghĩa, TP.HCM, xử lý những trường hợp này cần phải có tiền lệ. Với các vụ chủ DN bỏ trốn ngay khi mới xảy ra các nhà chức trách cần lập tức hướng dẫn để NLĐ có được định hướng.
Ngoài ra, việc chủ DN bỏ trốn hiện nay là phổ biến, vì thế cần luật hóa biện pháp xử lý dân sự, hình sự đối với đối tượng này. Về dân sự, cần xác định cơ quan nào được quyền tuyên bố chủ DN bỏ trốn, quyền xử lý tài sản của DN, thời hạn xử lý tài sản và hoàn trả tiền nợ lương, nợ BHXH cho NLĐ, miễn quyền khiếu nại, khởi kiện của DN có chủ bỏ trốn. Về hình sự, cần xử lý đối với chủ DN bỏ trốn nếu có hành vi cố ý làm trái qui định pháp luật….
Lam Sơn