Dù gần Tết, nhưng thôn Bầu - xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội)- nơi “đón đầu” Khu công nghiệp Thăng Long vẫn chưa có không khí sôi động như mấy năm trước… Mặc dù lương tối thiểu đã tăng, nhưng bữa ăn của công nhân còn đạm bạc, chi tiêu tằn tiện, trong số đó có người không đủ việc làm. Thôn Bầu có thể coi như một mô hình thu nhỏ của đời sống công nhân cả nước.
Quán ăn sáng 5000đ |
Những công dân thôn Bầu
Là người Gia Viễn (Ninh Bình), sinh năm 1989, tính đến nay, Nguyễn Thị Hương, công nhân tại Công ty Hoya đã sống được 4 năm tròn ở “Hà Nội”, mà chính xác, đó là thôn Bầu, xã Kim Chung của huyện Đông Anh. Hương làm ở doanh nghiệp này với vị trí chính như cô nói là đứng máy.
Hương cho biết, lương cơ bản mà công nhân nhận được là “ba hai sáu mươi” (3.260.000đ – PV), tổng thu nhập từ 5,5 – 6 triệu đồng, nhưng “đó là những người làm lâu năm, còn người mới vào thì không đến”. Cũng theo Hương, công ty tăng lương theo chu kỳ, theo đó, đến tháng 4 này những công nhân như cô mới được tăng lương cơ bản.
Móc hầu bao mua suất xôi sáng 5.000 đồng, Nguyễn Thị Trang (quê Văn Chấn, Yên Bái), công nhân đứng máy của Canon nói cô xuống Hà Nội mới được 6 tháng. Mức thu nhập không cao như người khác, công nhân của hãng điện tử này cho biết lúc đầu nhận được 2,7 triệu đồng. Từ khi có quyết định tăng lương tối thiểu, lương cơ bản của Trang tăng lên 3 triệu đồng.
Áp mức lương tối thiểu vùng - Mức tiền lương tính theo tháng trả cho người lao động chưa qua đào tạo làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ số ngày làm việc tiêu chuẩn trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu - Mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do DN tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng |
Cũng theo Trang, thu nhập cao hay thấp tuỳ theo vào mức độ lao động, những người làm ca thường ít tiền hơn người làm kíp. “Vì làm kíp là làm hai ngày hai đêm, sau đó nghỉ hai ngày, vất vả hơn”, Trang cho hay.
“Em tăng rồi, tăng thêm trăm rưỡi rồi”, công nhân Nguyễn Thị Thắm (quê Đô Lương, Nghệ An) cho biết. Tổng thu nhập mà Thắm nhận được ở doanh nghiệp mà cô làm công nhân là 3,2 triệu.
Theo nhiều công nhân ở khu công nghiệp này, mức tăng lương lại tuỳ thuộc vào các đơn vị sử dụng lao động cụ thể. Nếu Thắm được “tăng trăm rưỡi”, thì công nhân Hà Thị Thương (quê Tam Nông, Phú Thọ) cũng “tăng lương cơ bản rồi, tăng thêm ba trăm (300.000đ – PV)”.
Để hỗ trợ đời sống cho công nhân, nhiều doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Thăng Long đã xây dựng nhiều chung cư, bố trí nơi sinh hoạt cho người lao động. Theo đó, chi phí đóng hàng tháng của mỗi công nhân chỉ có 50.000 đồng. “Nhưng không phải ai cũng được ở chung cư, nhiều nhóm lao động phải ở ngoài vì nhiều lý do, như không còn chỗ, lập gia đình…”. Và khi không có sự hỗ trợ nơi ở từ công ty, chi phí sinh hoạt lại trở nên đắt đỏ bởi khoản tiền thuê nhà.
Mọi thứ đắt đỏ
Chủ quán ăn sáng nằm cuối thôn Bầu là một phụ nữ đứng tuổi. Gọi là quán, nhưng thực chất đó chỉ có cái bài kê khung kính đựng nguyên liệu chế biến bánh mì, và nồi xôi nghi ngút khói bên cạnh. Chị không nói tên mình, nhưng cho hay mỗi suất ăn sáng ở đây là “đồng hạng”. “Ăn bánh mì trứng hay xôi thì cũng chỉ năm nghìn”, chủ quán cho biết.
Mới 6h30 sáng, nhưng nhiều công nhân, đa phần là nữ, mua suất ăn cho mình để kịp giờ làm việc. Công nhân Nguyễn Thị Dung (quê Vũ Thư, Thái Bình) cho hay, suất ăn chính thì khoảng 20.000đ. Thế nhưng, có thể tới đây phải cắt giảm xuống thấp hơn, bởi, “bây giờ khó khăn hơn, công nhân ít việc làm hơn, ít tiền thì họ ăn ít, nhiều người phải bỏ việc mà”, Dung nói.
Nhiều công nhân ở thôn Bầu, gọi mức sống ở đây là “dã man”!. “Cái gì cũng đắt đỏ, từ rau, thịt, những thứ dùng cho sinh hoạt cũng tăng theo thời gian. Trong khi đó, lương tăng nhưng cũng “không đuổi kịp giá”, Thương ví von.
Những ngày cận kề Tết cổ truyền, số công nhân có việc thì vẫn cặm cụi đến công xưởng theo ca kíp. “Tết nay cũng có quà. Bánh, kẹo, giá trị lớn, khoảng hai đến ba trăm nghìn. Ngoài ra còn được thưởng tháng lương thứ 13”, Hương xác nhận. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người không có việc, phải nhận 70% lương cơ bản, người thì về quê, người cố bám trụ lại Hà Nội. Năm nay, có nhiều công nhân nói không có thưởng Tết, hoặc có thưởng thì cũng không bằng mọi năm.
Việt Hưng