Công tác PCCC đã yếu lại còn thiếu

Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ (C66) Bộ CA, 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra hơn 1.440 vụ cháy, làm chết 22 người, bị thương 52 người, tổng giá trị tài sản thiệt hại gần 580 tỉ đồng. Những con số đáng báo động này, khiến chúng ta phải suy ngẫm và đặt ra các câu hỏi: Tại sao lại xảy ra nhiều vụ cháy vậy? tại sao cứ cháy là thiệt hại nhiều đến như thế?

Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ (C66) Bộ CA, 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra hơn 1.440 vụ cháy, làm chết 22 người, bị thương 52 người, tổng giá trị tài sản thiệt hại gần 580 tỉ đồng. Những con số đáng báo động này, khiến chúng ta phải suy ngẫm và đặt ra các câu hỏi: Tại sao lại xảy ra nhiều vụ cháy vậy? tại sao cứ cháy là thiệt hại nhiều đến như thế?

Hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát PCCC bị lửa bén vào quần áo

khi đang chữa cháy tại cây xăng 2B Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Người xưa có câu “nhất thuỷ nhì hoả”, để cảnh báo sự phá hoại khủng khiếp của “giặc lửa” . Dù đầu tư bao nhiêu thời gian, tiền bạc, công sức nhưng chỉ cần một sơ suất nhỏ, một mồi lửa có thể lấy đi tất cả và để lại đống tro tàn. Vì thế công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) luôn là vấn đề hàng đầu cho việc phát triển kinh doanh, buôn bán bền vững.

Thế nhưng ở nhiều cơ quan – ban ngành, cơ sở kinh doanh công tác PCCC vẫn chưa hợp lý và thiết thực. Mọi công tác đảm bảo PCCC hầu như không có, khiến nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ đã cao, đến khi cháy thì lại bộc lộ thêm kỹ năng chữa cháy cũng không có. Vì thế cứ có cháy là phải đợi chờ lực lượng chữa cháy đến, không thì cũng chỉ biết ngậm ngùi nhìn ngọn lửa lan tràn.

Thực tế qua công tác kiểm tra, phúc tra các cơ quan – xí nghiệp, cơ sở kinh doanh, các khu chợ...lực lượng Cảnh sát PCCC toàn quốc đã phát hiện hàng loạt các trường hợp vi phạm quy dịnh về PCCC. Chỉ tính riêng  6 tháng đầu năm 2013, lực lượng Cảnh sát PCCC toàn quốc đã xử phạt hành chính 5.570 trường hợp vi phạm, đình chỉ và tạm đình chỉ 12 cơ sở không bảo đảm an toàn PCCC trong tổng số 80.413 lượt cơ sở được kiểm tra.

Trong công tác PCCC thì nhiệm vụ "phòng cháy" phải luôn được đặt lên hàng đầu, chữa cháy chỉ là coi là thứ yếu. Trên địa bàn TP Hà Nội, mặc dù đã xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng và luôn đứng đầu trong danh sách thiệt hại người và của thế nhưng công tác phòng cháy vẫn rất yếu kém.

Chẳng hạn sau khi xảy ra vụ cháy kho hàng Hoa Việt (26/5/2013) tưởng chừng thêm một lời cảnh báo mới cho những người có tâm lý chủ quan nhất cũng phải lo sợ, tìm kiếm sự an toàn cho cá nhân và cơ sở vật chất  từ việc phòng cháy. Thế nhưng đến ngày (4/6/2013 tức là chỉ sau vụ cháy một tuần, lực lượng CS PCCC - CA TP.Hà Nội (PC 23) kiểm tra đột xuất tổng kho của Cty CP nông sản Agrexim (số 505 Minh Khai, HN).

Đây là một tổng kho vào loại lớn của Hà Nội, với tổng diện tích gần 16.000 m2, đang cho hơn 20 đơn vị, doanh nghiệp thuê làm kho chứa hàng. Với một diện tích rộng lớn như vậy, hàng hóa của các Cty cũng luôn chất đầy trong kho và phía trước cổng kho lại là một kho xăng dự trữ. Vậy mà, toàn nhà kho chỉ có 2 chiếc máy bơm để phục vụ công tác PCCC.

Tuy nhiên điều đáng nói là một chiếc thì không ai biết đang nằm ở đâu, chiếc còn lại thì đã hỏng, không hoạt động được nữa. Đồng thời 10 chiếc bình bọt chữa cháy cũng có cái dùng được, cái không. Mới đây nhất vụ cháy TTTM Hải Dương lại càng chứng tỏ sự thờ ơ, yếu kém của những người có trách nhiệm then chốt trong việc phòng cháy.

Có một điều lạ lùng trong việc chữa cháy khi có sự cố xảy ra, một số cơ sở không ý thức, tự giác chấp hành luật PCCC tạo nên cái cảnh thiếu thốn trang thiết bị cháy đã đành. Tuy nhiên đến lực lượng cảnh sát chuyên trách PCCC cũng đang rất thiếu các thiết bị chữa cháy. Vì thế tạo nên một nghịch cảnh: Có chữa cháy cũng như không. Vì mọi hành động cứu vãn tình thế nguy cấp bằng “đồ cổ” dường như không hiệu nghiệm.

Thực tế đã chứng minh, những vụ cháy có quy mô nhỏ thì lực lượng cảnh sát PCCC luôn khắc phục kịp thời trước khi ngọn lửa thiêu rụi tất cả. Nhưng khi xảy ra vụ cháy lớn thì lúc nào cũng phải huy động hết mọi nguồn lực có thể chữa cháy từ phía công an, quân đội. Tuy nhiên lực lượng hùng hậu không có nghĩa là giải quyết tốt đám cháy mà cứu vãn sự thiếu hụt, hữu hạn của các thiết bị chữa cháy.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (C66, Bộ Công an)  hiện phương tiện chung của lực lượng PCCC ở tình trạng vừa thiếu vừa lạc hậu. Toàn lực lượng có khoảng 900 xe chữa cháy và hơn 300 xe chuyên dùng (xe thang, chở nước, ánh sáng…). 2/3 là xe đã cũ đã sử dụng từ 15- 20 năm, thậm chí có xe 30 năm.

Chính vì sự thiếu hụt thiết bị chữa cháy này mà trong đám cháy TTTM Quốc tế (29/10/2002), mặc dù TP HCM đã huy động toàn bộ phương tiện cứu hỏa cùng 1000 chiến sĩ cảnh sát tham gia cứu hộ. Nhưng do thiếu thiết bị chữa cháy trên cao và phương tiện cứu hộ nên mất hơn 10h đám mới được dập tắt. Lúc đó đám cháy khiến khu TTTM bị thiêu rụi hoàn toàn với thiệt hại hàng trăm tỷ đồng và đau xót hơn hết là thiệt mạng 54 người.

Còn vụ cháy ở Hải Dương có những xe chữa cháy được điều đến có từ những năm 1980. Khi người dân thông báo cho lực lượng cảnh sát PCCC Hải Dương lúc 1h sáng (15/9) nhưng đến 2 tiếng sau, lực lượng PCCC mới có mặt với 2 xe chữa cháy, trong đó có 1 xe hỏng, không phun được giọt nước nào. Suốt thời gian sau đó, các máy bơm nước nhỏ giọt chẳng thể ngăn chặn được đám cháy. Vì thế cảnh sát PCCC Hải Dương phải huy động thêm lực lượng chữa cháy của tỉnh Hưng Yên và một số doanh nghiệp như ximăng Hoàng Thạch tới tiếp ứng.

Công tác PCCC không chỉ là trách nhiệm riêng của lực lượng PCCC mà dành chung cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, lực lượng chuyên trách PCCC phải khắc phục những nhược điểm cơ bản, để công tác PCCC thật sự có tác dụng trong thực tiễn chữa cháy, chấm dứt tình trạng ra trận với “gươm cùn”, quân yếu. “Nhất thủy, nhì hỏa”, kinh nghiệm ấy đã được cha ông ta đúc kết từ lâu. Sẽ không bao giờ là thừa khi các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, mỗi người dân quan tâm, chủ động PCCC. Bởi, chỉ cần một phút bất cẩn, lơ là, ngọn lửa có thể bùng lên và thiêu rụi tất cả.

Văn Hùng

Đọc thêm