Lâu nay khi ghi về Trung Tuyên hầu, nhiều bài viết cho rằng ông từng giữ chức “nhiếp chánh (chính) Tổng trấn Gia Định thành”. Thiết nghĩ, điểm này chưa được chính xác. Bởi “nhiếp chánh” (tiếng miền Nam), hay “nhiếp chính” (tiếng miền Bắc) chỉ dành cho đối tượng cụ thể là vua chúa chứ không dành cho quan lại. “Việt Nam tân từ điển minh họa” cho hay: “Nhiếp chính: Cầm quyền thay vua trong việc cai trị”.
Thay Lê Văn Duyệt điều hành Gia Định thành
Tháng 7 năm Đinh Hợi (1827), vua cho triệu Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt về kinh chúc thọ nhân có tiết Lục tuần đại khánh của Hoàng Thái hậu. Để có người thay thế Tổng trấn họ Lê giải quyết công việc Gia Định thành, vua Minh Mạng đã đặt niềm tin nơi Thống chế biền binh Nguyễn Văn Tuyên khi “sai Thống chế quản lý biền binh thành Gia Định là Nguyễn Văn Tuyên quyền giữ ấn triện thành Gia Định, các Tào trưởng Trần Nhật Vĩnh, Hoàng Văn Diễn, Trịnh Xuân Trạm hội đồng giúp làm việc thành”.
Còn nhớ không lâu trước đó, vua từ chối lời xin cho ông được dự bàn việc thành, thì bây giờ, ông lại là người thay mặt Tổng trấn giải quyết mọi việc nơi Gia Định thành.
Lúc này, Tuyên Trung hầu là người “quyền giữ ấn triện thành Gia Định”, tức là “quyền nhiếp” (được hiểu là tạm thời thay cho người khác), tạm thay Lê Văn Duyệt giải quyết công việc nơi đây, có sự hội đồng, giúp sức của các Tào trưởng như Trần Nhật Vĩnh, Hoàng Văn Diễn, Trịnh Xuân Trạm… Như lời vua Minh Mạng nhận định, “Gia Định là trọng trấn phương Nam”.
Vùng đất này không chỉ là đất trung hưng nhà Nguyễn, mà còn là nơi phên giậu Tổ quốc trong mối quan hệ với Xiêm cũng như bảo hộ Chân Lạp. Với Nguyễn Văn Tuyên, thời gian “quyền nhiếp” của ông là từ tháng 7 năm Đinh Hợi (1827) đến tháng 3 năm Mậu Tý (1828), tương đương tám tháng.
Ghi chép còn để lại nơi sử nhà Nguyễn, khi Tuyên Trung hầu ở vị trí này tiếc thay lại chưa làm được tốt chức nhiệm được giao để xứng với sự tin cậy của bề trên. “Đại Nam thực lục” chép, tháng 10 năm Đinh Hợi (1827) “Thành Gia Định bắt được 20 tên cướp, quyền nhiếp thành ấn là Nguyễn Văn Tuyên và Hình tào Trịnh Xuân Trạm đem chém rồi sau mới tâu”.
Việc làm “tiền trảm hậu tấu” này, vốn được Tổng trấn Lê Văn Duyệt thực hiện khi cai quản Gia Định thành, nhưng hiềm nỗi, Nguyễn Văn Tuyên lại làm vượt quá quyền hạn được cho phép, nên phải nhận lời quở trách của vua Minh Mạng: “Quyền sinh sát là tự triều đình. Trước kia Lê Văn Duyệt là trọng thần nên đặc cách cho tiện nghi làm việc, bọn ngươi lại muốn viện đấy làm lệ à?”.
Vì lỗi này, Nguyễn Văn Tuyên bị giáng hai cấp. Sau đó, khi Gia Định thành đóng thuyền hiệu, nhưng lại đóng sai thể thức, làm hụt chiều dài của thuyền.
Vậy là ở vị trí này, “quyền nhiếp” Gia Định thành Nguyễn Văn Tuyên có sự lúng túng khi ở chức nhiệm cao. Tuy nhiên, vẫn có việc làm của ông được ghi nhận. Tháng Giêng năm Mậu Tý (1828), “Thành thần Gia Định tâu xin nhân kỳ xuất quân đầu năm họp tất cả biền binh thuộc hạt lại kiểm duyệt, để ngăn sự giả mạo. Vua theo lời tâu”.
Lúc này dù “quyền nhiếp” việc Gia Định thành, nhưng Nguyễn Văn Tuyên vẫn đang là Thống chế biền binh nơi đây. Đề xuất trên chắc chắn phải được quyết định bởi ông và cũng có thể do chính ông đề xuất.
Trong thời gian tám tháng ở vị trí tạm đứng đầu Gia Định thành, tình hình Gia Định thành yên ổn, sử chỉ ghi chép những việc liên quan đến công tác bớt thuế, kiểm duyệt quân lính, thuyên chuyển, bổ dụng quan lại… chứ không có biến động an ninh, chính trị nào.
Lăng Tuyên Trung hầu |
Bảo hộ Tuyên
Tháng 6 năm Kỷ Sửu (1829), sau khi Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại đương làm Bảo hộ Chân Lạp mất đi, chức ấy để trống. Đất Chân Lạp là đất nhà Nguyễn bảo hộ, được vua Minh Mạng xem là đất phên giậu. Bảo hộ được Chân Lạp, không những tăng uy thế cho nhà Nguyễn trong ngoại giao, mà cũng là ngăn đe sự dòm ngó của Xiêm (Thái Lan) ở vùng đất Tây Nam Tổ quốc.
Rõ là ở đây, bảo hộ Chân Lạp có vai trò rất quan trọng trong an ninh, quốc phòng với nhà Nguyễn. Việc chọn người lĩnh ấn bảo hộ vì thế, phải là những người có tài, có uy, nên những tên tuổi từng đứng vào vị trí này, đều là trọng thần cả như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thoại.
Sau khi cân nhắc, vua Minh Mạng truyền cho Lê Văn Duyệt rằng “Tuyên còn trẻ, sức khỏe, cũng quen việc ngoài biên, lại có khanh ở gần, tùy việc bảo ban sửa chữa, thế cũng làm được việc trẫm đã sai rồi đấy”. Vậy là từ đây, Nguyễn Văn Tuyên vừa là Thống chế biền binh, lại kiêm lĩnh ấn bảo hộ Chân Lạp, được vua ban cho ấn “Bảo hộ Chân Lạp quốc” thay cho ấn “Bảo hộ đồng chương”. Về sau, dân gian vì chức vụ này của ông, thường gọi là Bảo hộ Tuyên.
Với việc đã kinh qua nhiều vị trí đứng đầu từ quân đội cho đến đơn vị hành chính, Tuyên Trung hầu tích lũy được nhiều kinh nghiệm cả về quân sự cũng như việc hành chính. Trong thời gian bảo hộ Chân Lạp, Tuyên Trung hầu đã thực hiện được tốt chính sách chiêu dụ, an dân đối với người Chân Lạp, thi hành lệnh vua gia ơn miễn dung, lao dịch cho dân Chân Lạp; giữ yên biên giới, cũng như răn đe sự dòm ngó của Xiêm khi tháng 3 năm Tân Mão (1831) đem hơn 2.000 biền binh đến thành Nam Vang (Phnôm Pênh) để hộ vệ…
Vừa bảo hộ Chân Lạo, cai quản biền binh Gia Định thành, Tuyên Trung hầu còn kiêm lĩnh cả đồn Châu Đốc. Vốn đây là đất mới xung yếu, đất đai chưa được khai khẩn hết, vua Minh Mạng đặc biệt chú ý đến việc cai trị cũng như biên phòng.
Sơn Nam trong biên khảo “Lịch sử đất An Giang” đã ghi lại lời vua Minh Mạng: “Đồn Châu Đốc là vùng địa đầu quan yếu, ta từng xuống chỉ chiêu tập dân buôn bán, cho vay tiền gạo để lập ấp khẩn điền, quây quần sinh nhai. Đó là ý niệm quan trọng của ta trong vấn đề củng cố biên cương”.
Cho Tuyên Trung hầu kiêm lĩnh thêm nhiệm vụ ấy, vua Minh Mạng tỏ ra hoàn toàn tin cậy vào khả năng trấn trị, an dân của ông. Không những thế, còn giao cho ông kiêm quản luôn việc lương tiền.
Với quan lại, một trong những điểm yếu nhất có thể làm hư hại phẩm chất của kẻ ăn lộc nước, chính là việc bị mối lợi tiền bạc là cho thay tâm, đổi tính. Nhưng vua Minh Mạng tin vào những phẩm chất, đức hạnh của vị quan to được ban quốc tính này.
Mộ Tuyên Trung hầu tại Đồng Tháp |
Đời đời ghi nhớ công lao
Truyền rằng, do lâm trọng bệnh, tháng 6 năm Tân Mão (1831), Tuyên Trung hầu Nguyễn Văn Tuyên qua đời khi đang làm bảo hộ Chân Lạp và kiêm quản đồn Châu Đốc, vua Minh Mạng tiếc thương, ban cho “100 lạng bạc, 3 cây gấm Tống”.
Với Nguyễn Văn Tuyên, quãng đời làm quan của ông, mà chủ yếu ở vùng đất phía Nam Tổ quốc, đã chứng tỏ được phẩm hạnh, năng lực, và các vua triều Nguyễn, đã ghi nhận những công lao, đóng góp của vị khai quốc công thần họ Phan này.
Thường khi ban quốc tính (họ vua) cho ai, thì rõ là nhân vật đó phải có được chính tích gì lớn mới được đứng vào hàng ngũ họ vua, xem như “người trong nhà”. Và Phan Văn Tuyên đã được hưởng vinh dự đó như phần thưởng xứng đáng cho đóng góp của ông với nghiệp trung hưng nhà Nguyễn cũng như tham gia xây dựng triều đại mới. Tước hầu của ông trong hệ thống phẩm tước “công, hầu, bá, tử, nam” được vua ban, dù chưa phải là cực phẩm, nhưng cũng đã là một sự tưởng thưởng đầy trân trọng của triều đại.
Theo một số tài liệu để lại, thì Tuyên Trung hầu có một vợ, bốn người con. Khi Tuyên Trung hầu mất đi, con ông là Nguyễn Văn Cửu theo lệ tập ấm được tham gia quân đội nhà Nguyễn, tiếp nối nghiệp võ của cha. Và Tuyên Trung hầu, thì tháng 3 năm Mậu Ngọ (1858) đời vua Tự Đức được đưa vào thờ nơi miếu công thần.
Thời thế có đổi thay, nhưng hậu thế vẫn mãi còn ghi ơn sâu của vị công thần nhà Nguyễn khi đền thờ ông ngày nay nơi xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp vẫn nồng ấm khói hương.../.