Công trình NVH ở phường Xuân Đỉnh: Nhầm số thửa là do lỗi... đánh máy

(PLO) - Thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2016, từ cuối tháng 7/2016, UBND phường Xuân Đỉnh đã tiến hành khởi công xây dựng công trình nhà văn hóa tổ dân phố Xuân Nhang 2. Tuy nhiên, quá trình điều tra xác minh của PV lại phát hiện những điểm “không bình thường” khiến người dân không khỏi thắc mắc, đặt dấu chấm hỏi.
Nơi UBND phường Xuân Đỉnh đang xây dựng nhà văn hóa
Nơi UBND phường Xuân Đỉnh đang xây dựng nhà văn hóa

Ao lợn và ruộng thành đất công?

Gửi đơn đến báo Câu chuyện Pháp luật, bà Nguyễn Thị Sáng (SN 1970, thường trú: xóm 4, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội) trình bày, ngày 30/6/2015, bà có nhận chuyển nhượng của gia đình bà Đỗ Thị Lan (thường trú: khu Nhang, xã Xuân Đỉnh nay là tổ dân phố Xuân Nhang 1, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thửa đất số 283 diện tích 348m2 tờ bản đồ số 9, bản đồ địa chính phường Xuân Đỉnh năm 1987.

Theo bà Lan, trước đây bà là xã viên của HTX Quyết Thắng, thôn Nhang (sau này là HTX nông nghiệp Xuân Đỉnh). Là hộ nông nghiệp, gia đình bà được HTX chia cho ao lợn và ruộng phần trăm như các gia đình khác để tăng gia sản xuất. Mảnh ao lợn và ruộng đó gồm tất cả là 220m2.

“Từ trước những năm 1976 đến giờ, gia đình tôi vẫn trông nom và tăng gia trên thửa ruộng và ao (ao nay đã lấp để mở đường, còn lại gia đình lập nốt để làm vườn).

Đã hơn 30 năm qua, tôi và gia đình vẫn trông nom, nộp các khoản lệ phí, ngoài sản cho HTX đầy đủ, không có tranh chấp gì với các hộ liền kề xung quanh”, đơn xin chứng thực của bà Lan viết.

Vị trí thửa đất trên bản đồ quy hoạch của thành phố
Vị trí thửa đất trên bản đồ quy hoạch của thành phố

Cũng trong nội dung lá đơn trên còn có xác nhận của trưởng thôn là ông Nguyễn Công Quý ghi: “bà Đỗ Thị Lan là xã viên HTX Xuân Đỉnh, được chia mảnh đất+ ao lợn từ năm 1962 hiện bây giờ đang quản lý, không có gì tranh chấp các hộ liền kề xung quanh”.

Ngoài ra, bà Lan còn cung cấp 1 số biên lai thu thuế sử dụng đất, có đóng dấu của UBND phường Xuân Đỉnh trong các năm 2000, 2001, 2002.

Thế nhưng tới đầu năm 2016, bà Sáng bất ngờ nghe nói thửa đất mà bà nhận chuyển nhượng từ gia đình bà Lan bị đưa vào xây dựng nhà văn hóa.

Cụ thể, ngày 6/1/2016, UBND phường Xuân Đỉnh có thông báo số 05/TB-UBND yêu cầu tháo dỡ, giải tỏa công trình trên đất công ao ruộng lợn tổ dân phố Xuân Nhang 2 phục vụ xây dựng nhà văn hóa.

Theo thông báo, “tại vị trí xây dựng nhà văn hóa hiện đang có một số công trình xây dựng trái phép trên đất công do UBND phường quản lý. Hành vi xây dựng nêu trên đã vi phạm đất đai theo quy định tại Khoản 2 điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014”, đồng thời yêu cầu các hộ gia đình tháo dỡ, giải tỏa toàn bộ công trình hoàn trả mặt bằng do UBND phường quản lý.

Nhiều câu hỏi cần làm rõ?

Theo kết quả xác minh của tổ xác minh do UBND phường Xuân Đỉnh thành lập sau khi có đơn thư khiếu nại của công dân thì thửa đất số 283 tờ bản đồ số 9 năm 1987 tại sổ mục kê có ghi là “Ruộng htx” (tạm hiểu là ruộng hợp tác xã). Tới bản đồ địa chính năm 1994 thì vị trí thửa đất nói trên nằm 1 phần trong thửa đất số 3 tờ bản đồ số 35 có diện tích 6833m2.

Điều đáng nói, trong quá trình làm việc với PV cũng như tại buổi đối thoại với người có đơn khiếu nại ngày 22/8/2016, ông Trần Ngọc Huân, Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh vẫn luôn khẳng định, vị trí mà phường tiến hành xây dựng nhà văn hóa thôn Xuân Nhang 2 là đất công do xã Xuân Đỉnh (nay là phường Xuân Đỉnh) quản lý từ năm 1994.

Cũng tại trích lục bản đồ thửa đất năm 1994 do UBND phường cung cấp cho PV thì chủ sử dụng thửa đất được ghi là “UBND phường”.

Tuy nhiên, thông tin nói trên lại mâu thuẫn với chính kết quả xác minh do phường thông báo. Cụ thể, tại sổ mục kê năm 1994 “không thể hiện thông tin” (chủ sử dụng, loại đất).

Mặt khác, vẫn theo kết quả xác minh thì thửa đất nói trên “trước năm 2000 do HTX Xuân Đỉnh quản lý phục vụ sản xuất nông nghiệp”. Như vậy, không biết căn cứ vào đâu để lãnh đạo phường cho rằng, UBND phường là chủ sử dụng đất từ năm 1994?

Trính lục bản đồ do UBND phường cung cấp
Trính lục bản đồ do UBND phường cung cấp

Không những vậy, tại thông báo yêu cầu tháo dỡ, biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện, thông báo xác minh UBND phường Xuân Đỉnh đều xác định thửa đất hiện đang xây dựng nhà văn hóa là thửa số 3, tờ bản số số 35 bản đồ địa chính năm 1994.

Điều bất ngờ là tại tờ trình số 50/TTr-UBND của UBND phường v/v cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư trình UBND quận Bắc Từ Liêm thì địa điểm xây dựng nhà văn hóa tổ dân phố Xuân Nhang 2 lại là thửa đất số 3217- tờ bản đồ số 35. Tại sao lại có sự bất nhất như trên?

Tại buổi đối thoại ngày 22/8, phó chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh Nguyễn Hữu Cường thừa nhận địa điểm xây dựng được ghi tại tờ trình số 50 đúng là ở bản đồ địa chính 1994.

Còn vì sao lại có sự khác nhau về số thửa như đã nêu, ông Cường lý giải rằng: “Khi chúng tôi cung cấp trích lục bản đồ cho bộ phận chuyên môn để làm tờ trình này ghi là thửa 3 mở ngoặc chấm 1 đóng ngoặc (1). Thế nhưng trong quá trình soạn thảo, bộ phận chuyên môn đánh nhầm, cái này là lỗi soạn thảo văn bản”.

Điều khó hiểu là, tại các bàn phím soạn thảo văn bản thông thường thì phím mở ngoặc là ở phím số 9, phím đóng ngoặc là ở phím số 0.

Chính vì vậy không thể hiểu bằng cách nào, người soạn thảo văn bản của phường Xuân Đỉnh lại có thể “nhầm lẫn” giữa con số 3 (1) thành 3217 như cách giải thích của ông phó chủ tịch phường được?

Hơn nữa trong tờ trình nói trên thửa đất số 3217 được lặp lại tới lần thứ 2 thì thật khó lý giải rằng người đánh máy “nhìn gà hóa cuốc” đến 2 lần.

Chính sự khó hiểu này khiến cho người dân thắc mắc, đặt ra câu hỏi: có hay không việc UBND phường Xuân Đỉnh xin phép một đằng, xây dựng nhà văn hóa một nẻo? Để trả lời cho câu hỏi này đề nghị các UBND Quận Bắc Từ Liêm, UBND TP.Hà Nội vào cuộc xác minh, làm rõ.

Một câu hỏi khác cũng khiến dư luận thắc mắc là theo kết quả xác minh được UBND phường thông báo thì tại kết quả kiểm kê đất đai năm 2010, kiểm kê đất đai năm 2015 đã được phê duyệt đều thể hiện thửa đất số 3 tờ bản đồ số 35 là loại đất công ích do UBND xã quản lý. Mã loại đất hiện trạng CSD (chưa sử dụng); loại đối tượng quản lý sử dụng là: UBS.

Tuy nhiên, tại bản đồ hiện trạng sử dụng đất thể hiện trên Cổng thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Sở TNMT Hà Nội thì thửa đất nói trên lại được ghi mã loại đất là SKS (Loại đất: Đất cơ sở sản xuất, kinh doanh).

Tới bản đồ Quy hoạch sử dụng đất cũng tại Cổng thông tin của Sở TNMT thì thửa đất nói trên được chia làm hai phần, một phần có ký hiệu DGD (Đất giáo dục-hiện đã được xây dựng trường mầm non Xuân Đỉnh), phần còn lại có ký hiệu PNK (Đất phi nông nghiệp khác) (?!).

Ngoài ra, theo tìm hiểu thửa đất 3.1 tờ bản đồ số 35 có diện tích lên tới 3400m2 đã từng được đưa ra lấy ý kiến xây dựng HTKT (hạ tầng kỹ thuật) đấu giá quyền sử dụng đất xen kẹt nhỏ lẻ tại Hội nghị lấy ý kiến nhân dân đóng góp dự thảo Kế hoạch đầu tư công trung hạn trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, giai đoạn 2016-2020 ngày 20/6/2015.

Tuy nhiên, diện tích tại tờ trình xin xây dựng nhà văn hóa là 1984,3m2 trong đó diện tích xây dựng chỉ có 150m2. Nghĩa là thửa đất 3.1 vẫn còn tới hơn 1400m2? 

Liệu có khuất tất gì đằng sau những sự “không bình thường” nói trên hay không?

Báo Câu chuyện Pháp luật sẽ tiếp tục xác minh, làm rõ.