Công ty 74 giúp người Kinh người Thượng 'dìu dắt' nhau thoát nghèo

(PLO) - Nhiều ý kiến nhận xét về Công ty 74, Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) rằng không những đây là đơn vị làm kinh tế giỏi mà còn “dân vận khéo”. Một trong những biện pháp tạo nên thành quả đó là mô hình “Gắn kết hộ”.
Cán bộ Công ty 74 trao đổi với các già làng về kết quả thực hiện mô hình “Gắn kết hộ”

Trung tá Hoàng Văn Sỹ (Giám đốc Cty) cho biết, công ty nằm trên địa bàn huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai với nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh, ngành nghề chính là chăm sóc, khai thác, chế biến cao su, cà phê…

Diện tích sản xuất kinh doanh nằm chủ yếu trên các xã biên giới và một phần nước bạn Campuchia, công nhân là người đồng bào thiểu số chiếm gần 50%. Chính vì thế công tác dân vận được công ty chú trọng ngay từ những ngày thành lập. Mô hình “Gắn kết hộ” là một trong nội dung của công tác dân vận được thực hiện có hiệu quả nhất.

Trên cơ sở tự nguyện, ở các đội sản xuất xây dựng mô hình hai hộ đồng bào người Kinh và người đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất, trong cuộc sống hàng ngày. Các hộ người Kinh giúp đồng bào người Thượng về cách ăn ở, sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất; tổ chức thăm hỏi, chia sẻ khó khăn khi ốm đau, hoạn nạn.

Còn các hộ dân tộc thiểu số cùng hùn vốn, đất đai, giúp đỡ nhân công cho gia đình bạn trong những lúc mùa màng, thu hoạch… Thông qua hoạt động đó đã tạo được tình cảm, gần gũi, thân thiện, hiểu biết, đoàn kết, gắn bó giữa người Kinh và người Thượng; giao lưu tìm hiểu, tôn trọng truyền thống văn hóa của từng dân tộc. 

Chị Rơ mah Hđoang (công nhân Đội 7, người dân tộc Gia rai) không khỏi vui mừng vừa được công ty bàn giao nhà “Mái ấm tình thương”. Chị tâm sự: “Các bạn người Kinh chỉ cho mình ăn ở hợp vệ sinh, chăm sóc con cái, bị bệnh phải dùng thuốc, cách bón phân cho cây trồng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật cạo mủ cao su, cải tạo vườn tạp của hộ gia đình thành vườn tiêu, vườn cà phê, vườn điều.

Mình giúp bạn người Kinh hiểu phong tục tập quán, kinh nghiệm đi nương rẫy; góp vốn chăm sóc vườn cao su tiểu điền; khi mùa màng giúp đổi công để thu hoạch được nhanh chóng…. Đầu năm nay, Hội Phụ nữ công ty còn vận động giúp gia đình mình 40 triệu để xây nhà mới. Bây giờ mình đã có nhà, thoát cái đói, cái nghèo rồi…”.  

Tìm hiểu được biết, từ mô hình nhỏ lẻ, Đảng ủy, Ban Giám đốc, công đoàn đã tổ chức vận động xây dựng mô hình “Gắn kết hộ”, nhân rộng và trở thành phong trào rộng rãi trong toàn công ty, đến nay đã có trên 1000 hộ dân tham gia thực hiện.

Nhờ mô hình này mà nhiều gia đình công nhân ở đây thoát đói, giảm nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã ổn định kinh tế, có cuộc sống khá giả, thu nhập bình quân đạt 5,5 đến 7 triệu đồng/người/tháng, nhiều hộ đã có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Đặc biệt tình đoàn kết giữa các công nhân với nhau và giữa cán bộ, công nhân công ty và bà con dân bản ngày càng được củng cố bền chặt.

Nói về Công ty 74, Già làng Kpuih – Hyom (người dân tộc Gia rai) ở làng Ghè, xã Iadok, huyện Đức Cơ cho hay: “Làng mình có 130 hộ dân, ngày trước chỉ biết đốt nương, làm rẫy, từ ngày bộ đội 74 về giúp đỡ bà con gạo cứu đói, làm đường, hướng dẫn cách chăm sóc cà phê, cao su, làm nhà tình nghĩa, tạo điều kiện cho con em dân bản vào làm công nhân… Bây giờ lại có “Gắn kết hộ”, dân bản văn minh rồi, hết đói nghèo rồi. Cảm ơn bộ đội. Mình ưng cái bụng lắm”.

“Gắn kết hộ” đã giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân tộc thiểu số, mối đoàn kết giữa đồng bào người Thượng và người Kinh, đoàn kết quân dân ngày càng giữ vững, tạo nên diện mạo nông thôn mới nơi vùng sâu, vùng xa biên giới.

Đọc thêm