Công ty Cao Su Việt Nam: Sa thải người lao động đang trong kỳ nghỉ thai sản

(PLO) - Đang trong thời gian nghỉ sinh con, chị Trần Như Khanh - nhân viên kế toán của Cty Tài chính TNHH Một thành viên Cao su Việt Nam (trụ sở 210 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 6, quận 3, TP.HCM)  đột nhiên nhận được quyết định sa thải.

Chị Trần Như Khanh.
Chị Trần Như Khanh.
Cho rằng việc đơn phương sa thải người lao động trong thời gian nghỉ thai sản là trái quy định pháp luật, chị Khanh nhiều lần khiếu nại nhưng không được phía công ty giải quyết thỏa đáng.
Mất việc khi đang nghỉ sinh con
Chị Trần Như Khanh bức xúc trình bày: Ngày 1/6/2009, chị được nhận vào Phòng Kế toán của Cty Tài chính TNHH Một thành viên Cao su Việt Nam (Cty) và đến ngày 31/12/2012 thì ký Hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn. Ngày 8/9/2014, chị nghỉ sinh theo chế độ thai sản, thời gian nghỉ kéo dài đến ngày 8/3/2015 (sau này chị đã được cơ quan Bảo hiểm xã hội TP.HCM xác nhận thực tế và tính toán chi trả trợ cấp thai sản). Thế nhưng trong lúc mới nghỉ thai sản được hơn một tháng, vào ngày 31/10/2014, Cty đã gửi thông báo chấm dứt HĐLĐ với chị vì lý do “không giải quyết được việc làm cho người lao động vì đang gặp khó khăn về kinh tế”. Ngoài ra, Cty yêu cầu chị Khanh bàn giao hồ sơ, giấy tờ… và cho biết chị được chi trả trợ cấp mất việc làm tối thiểu bằng hai tháng lương (hơn 6 triệu đồng). 
“Sau khi Cty gửi thông báo chấm dứt HĐLĐ, mãi 5 tháng sau, đến nhà viếng ba tôi mất thì đại diện Cty gồm Chủ tịch Công đoàn, Phó Trưởng phòng Kế toán và nhân viên Phòng Tổ chức Cty mới... tiện thể đưa tôi Quyết định số 121/QĐ-TCCS do ông Đỗ Minh Tuấn - Tổng Giám đốc Cty ký ngày 8/12/2014 về việc chấm dứt HĐLĐ đối với tôi từ ngày 16/12/2014. Quyết định của ông Đỗ Minh Tuấn ký đơn phương về việc chấm dứt HĐLĐ với tôi là hoàn toàn trái pháp luật. Lúc đó tôi đang nghỉ thai sản và nuôi con nhỏ nên vô cùng sốc và hụt hẫng khi nhận được quyết định này” -chị Khanh cho biết.
Ngoài chị Khanh, Cty còn cho chị P.T.G (quận Thủ Đức) thôi việc khi chị này mới sinh con được một tháng? 
Có đúng luật và hợp tình?
Nhằm làm rõ thông tin từ người lao động, phóng viên Báo PLVN đã đến Cty liên hệ làm việc. Tuy nhiên, sau khi báo cáo lãnh đạo, đại diện Phòng Hành chính cho biết Ban Giám đốc đều bận đi họp. Chị Khanh cũng đã kiện Cty ra tòa nên đề nghị báo đợi kết quả xét xử của Tòa án? Khi phóng viên hỏi việc cho người lao động nghỉ việc khi đang trong thời gian nghỉ thai sản có đúng luật  không thì người này cho biết: Trước khi cho người lao động nghỉ việc, Cty đã xem xét kỹ, có sự tham gia tư vấn của luật sư, công đoàn nên có gì cứ chờ tòa xử. 
Nhận định về vụ việc nói trên, Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng Luật sư Luật Tín Nghĩa cho rằng: “Cty chấm dứt HĐLĐ đối với chị Khanh rồi đưa ra lý do kinh tế khó khăn, căn cứ vào Khoản 10 Điều 36 và Khoản 2 Điều 44 Bộ luật Lao động năm 2012 (BLLĐ). Nhưng theo hướng dẫn tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì doanh nghiệp bị coi là  kinh tế khó khăn phải thuộc trường hợp: Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế; thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế. Vì vậy, nếu Cty chứng minh được lý do kinh tế khó khăn của Cty thuộc một trong các trường hợp trên thì việc chấm dứt HĐLĐ với chị Khanh mới phù hợp pháp luật”. 
Luật sư Lễ khẳng định, Cty vẫn phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục cho thôi việc đối với người lao động theo đúng qui định tại các Điều 44, 46, 47, 48, 49 và 155 BLLĐ. Trong đó, Khoản 3 Điều 155 qui định: “Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi…”. Do chị Khanh đang trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nên Cty chưa thể chấm dứt HĐLĐ trong thời gian này được. Theo qui định của BLLĐ thì Cty phải nhận người lao động trở lại làm việc và tiến hành         bồi thường.
Sau nhiều lần khiếu nại đến lãnh đạo Cty và kêu cứu đến các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết thỏa đáng, chị Khanh cho biết đã nộp đơn lên TAND quận 3 khởi kiện Cty nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. 

Đọc thêm