Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (gọi là Công ty Quản lý tài sản - VAMC) vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, có hiệu lực từ ngày 9/7/2013. Đây là văn bản được chờ đợi từ lâu, mang kỳ vọng như một “cứu cánh” trước tình trạng nợ xấu đang tác động không nhỏ đến hoạt động ngân hàng nói riêng, nền kinh tế nói chung. Nhưng, những quy định tại Nghị định cho thấy, “quà” không dành cho tất cả.
Nợ xấu: đủ 5 điều kiện mới mua
Về phương thức mua nợ xấu, Nghị định nêu rõ, VAMC mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Trái phiếu đặc biệt được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử với mệnh giá có giá trị bằng giá mua của khoản nợ xấu. Trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng đồng Việt Nam có thời hạn tối đa 5 năm và lãi suất bằng 0%; được sử dụng để vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, VAMC mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt.
Đáng chú ý là, không phải khoản nợ xấu nào cũng có cơ hội lọt vào “mắt xanh” của VAMC. Các khoản nợ xấu chỉ được mua khi đáp ứng đủ 5 điều kiện: Khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, bao gồm nợ xấu trong các hoạt động cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác cấp tín dụng và hoạt động khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; Khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm; Khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ; Khách hàng vay còn tồn tại; Số dư của khoản nợ xấu hoặc dư nợ xấu của khách hàng vay không thấp hơn mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Bình luận về quy định này, TS. Nguyễn Quang Vinh – chuyên gia kinh tế độc lập, cho rằng, các khoản nợ xấu được VAMC mua đều là những khoản nợ xấu “có tính khả thi”, chỉ “vướng” ở chỗ “con nợ” không có khả năng trả nợ cho tổ chức tín dụng mà thôi. Nhưng, điều đó có nghĩa là, sẽ còn những khoản nợ xấu không nhỏ các ngân hàng phải “tự xử”, vì bị khuyết 1 trong 5 điều kiện.
“Vớt vát được chừng nào tốt chừng ấy”?
Nghị định nói trên cũng nêu rõ, căn cứ năng lực tài chính của VAMC, hiệu quả kinh doanh kinh tế và điều kiện thị trường, VAMC được mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt.
Thế nhưng, ngoài việc phải đáp ứng đầy đủ 5 điều kiện như các khoản nợ nói trên, những khoản nợ muốn “bén mảng” vào “hệ” này còn phải là khoản nợ được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại, và khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ.
Thực tế, nếu khoản nợ đáp ứng được đầy đủ những điều kiện trên, nó ít khi rơi vào vùng “nợ xấu” hoặc đã có thể được xử lý bởi chính các VAMC của ngân hàng. Đến nay, những khoản nợ xấu vẫn còn “đọng” ở ngân hàng “hóc” hơn nhiều, hoặc một phần do nguồn tiền dành cho việc này trên thị trường hầu như không có.
Vì thế, một khi ngân hàng nắm giữ những khoản nợ đáp ứng được điều kiện mua theo giá thị trường nói trên đã phải đem bán cho VAMC và chịu việc mua “theo giá trị thị trường trên cơ sở thỏa thuận và giá trị khoản nợ xấu được đánh giá lại”, thì coi như ngân hàng đã lâm vào hoàn cảnh phải “vớt vát được chừng nào tốt chừng ấy”, như nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Vinh.
VAMC do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập, là doanh nghiệp đặc thù, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Công ty được thực hiện các hoạt động như: Mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng; thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm; cơ cấu lại khoản nợ, điều chỉnh điều kiện trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phẩn của khách hàng vay… |
Bách Nguyễn