Bạn Nguyễn Ngọc Thuý (email: Thuy.hallbros@gmail.com), địa chỉ Láng Hạ - Đống Đa – Hà Nội, hỏi: Tôi là Nguyễn Ngọc Thuý, năm nay 40 tuổi. Hiện tại tôi đang làm việc cho một công ty nước ngoài 4 năm ở vị trí Quản lý hành chính theo Hợp đồng không thời hạn. Tôi có 2 con nhỏ đang tuổi ăn học và là lao động chính trong gia đình. Vừa rồi, tôi bị cho nghỉ việc vì lý do cơ quan thay đổi cơ cấu tổ chức nên họ không muốn mình tiếp tục làm việc. Tôi không vi phạm quy chế công ty, không trộm cắp tài sản. Đằng sau lý do này là vì sếp mới không thích tôi nên cho nghỉ việc. Đã thế họ không hề báo trước cho tôi bàn giao và tìm cơ hội việc làm khác. Họ cho nghỉ ngay lập tức sau khi thông báo. Vậy xin luật sư cho biết, quyền lợi của tôi sẽ được giải quyết ra sao trong trường hợp này?
Xin cảm ơn luật sư!
Trả lời:
Để xác định trong trường hợp này, bạn cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình trước hết cần xem xét việc chấm dứt hợp đồng của công ty bạn với bạn có đúng theo các quy định của pháp luật hay không. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về việc công ty chấm dứt hợp đồng với bạn:
Tại khoản 10 Điều 36 Bộ luật Lao động 2012 quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) bao gồm:
- Người sử dụng lao động (NSDLĐ) đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này;
- NSDLĐ cho NLĐ thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.
Như vậy, NSDLĐ có quyền cho NLĐ thôi việc khi thay đổi cơ cấu, công nghệ. Việc thay đổi cơ cấu, tổ chức được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ-CP bao gồm các trường hợp sau:
+ Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;
+ Thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm;
+ Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, nếu cho thôi việc với nhiều người lao động khi thay đổi cơ cấu thì doanh nghiệp chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.
Thứ hai, về quyền lợi trong trường hợp này:
Ở đây, tùy thuộc vào việc công ty chấm dứt hợp đồng lao động với bạn có đúng pháp luật hay không, quyền lợi của bạn sẽ được giải quyết như sau:
• Trường hợp 1: Việc công ty chấm dứt hợp đồng lao động đúng là do thay đổi cơ cấu tổ chức của công ty (bổ sung hoặc thêm, bớt phòng, ban; thay đổi lớn về nhân sự …) và công ty đã thực hiện đúng các quy định về cho thôi việc do thay đổi cơ cấu:
Trong trường hợp này, quyền lợi của bạn được giải quyết như sau:
+ Công ty phải trả trợ cấp mất việc làm cho bạn, theo đó, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm cho bạn là tổng thời gian bạn đã làm việc thực tế cho công ty trừ đi thời gian bạn đã tham gia BHTN theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được công ty chi trả trợ cấp thôi việc. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 06 tháng liền kề trước khi bạn mất việc làm.
+ Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
+ Công ty có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH và những giấy tờ khác mà công ty đã giữ lại của bạn.
• Trường hợp 2: nếu lý do trên không đúng, tức là việc công ty chấm dứt hợp đồng với bạn là trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động chứ không phải vì lý do thay đổi cơ cấu doanh nghiệp:
Trong trường hợp này, nếu Công ty không tuân thủ quy định về thời hạn báo trước và căn cứ chấm dứt như quy định tại Điều 38 Bộ luật lao động thì việc công ty chấm dứt hợp đồng lao động với bạn là trái với quy định của pháp luật.
Lúc này, bạn có thể khiếu nại tới lãnh đạo công ty hoặc làm đơn đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có trụ sở chính của công ty đó. Để đề nghị giải quyết. Tuy nhiên, trường hợp này, bạn cần có những chứng cứ để chứng minh cho việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của người sử dụng lao động là không vì lý do thay đổi cơ cấu.
Nếu kết luận khẳng định việc chấm dứt hợp đồng của công ty là trái pháp luật thì quyền lợi của bạn được xác định theo Điều 42 Bộ luật lao động đó là:
+ Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
+ Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật lao động.
+ Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật lao động, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
+ Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
+ Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
Trân trọng!