Cụ bà 70 năm hút nọc rắn cứu người

(PLO) - Bài thuốc bằng “ lá dấu” kỳ lạ của cụ bà Phan Thị Diên (90 tuổi, thôn Bảng Lãng, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh TT.Huế) đã cứu hàng trăm người khỏi nọc độc của rắn rừng. Người dân địa phương thường nhắc đến cụ một cách thân mật là “cụ bà hành nghề rút nọc rắn rừng”. 
 
Cụ Diên, “bác sĩ” chuyên hút độc rắn rừng
Cụ Diên, “bác sĩ” chuyên hút độc rắn rừng

Cụ Diên kể trước đây gia đình nghèo khó, năm 13 tuổi, cụ đã theo chân người cha vào rừng sâu kiếm củi đem về miền xuôi bán kiếm tiền sống qua ngày. Nhiều lần theo chân cha vào rừng đốn củi, cô bé Diên cứ tò mò về một thứ lá mà lúc nào ông cụ cũng lấy và nắm trong tay mang về nhà. Có lần người con hỏi cha thứ “lá dấu” đó, nhưng người cha cứ đánh lảng sang chuyện khác không trả lời. Càng thế, người con càng tò mò quyết tìm hiểu bằng được.

Phương thuốc bí truyền

Năm nay cụ Diên đã bước sang tuổi 90 nhưng vẫn có thể tự luồn chỉ qua lỗ chân kim một cách nhẹ nhàng. Hơn 70 năm hành nghề cứu người, tuổi tác dường như càng làm cụ bà trở nên thông tuệ hơn.

Cụ Diên vẫn nhớ như in cơ duyên khiến cụ trở thành “bác sĩ rừng” trị nọc rắn độc. Cụ kể: “Chữa rắn cắn có từ đời ông nội tui, lúc trước ông truyền lại cho cha tui, tui may mắn được nối nghiệp cha mình. Kể ra thì cho đến bây giờ cũng đã ngót nghét 70 năm, mới đó mà nhanh thiệt”. Nói về tin đồn bài thuốc cứu người “thần thánh”, bà cười: “Người ta tìm thì mình tận tình cứu chữa thôi, chứ thần với thánh chi”.

Ba đời theo nghiệp rút nọc rắn độc cứu người, cụ Diên chia sẻ phương châm của gia đình: “Biết đến đâu thì chữa trị đến đó, cứu một mạng người hơn xây bảy tháp phù đồ”.

Cụ kể trước đây gia đình nghèo khó, năm 13 tuổi, cụ đã theo chân người cha vào rừng sâu kiếm củi đem về miền xuôi bán kiếm tiền sống qua ngày. Nhiều lần theo chân cha vào rừng đốn củi, cô bé Diên cứ tò mò về một thứ lá mà lúc nào ông cụ cũng lấy và nắm trong tay mang về nhà.

Cụ Diên chuẩn bị đồ nghề giã lá chữa bệnh
Cụ Diên chuẩn bị đồ nghề giã lá chữa bệnh

Có lần cô bé Diên hỏi cha thứ “lá dấu” đó, nhưng người cha cứ đánh lảng sang chuyện khác không trả lời. Càng thế, người con gái càng thêm tò mò. Lần ấy có đoàn binh hành quân qua khu rừng nơi hai cha con đang cặm cụi hái củi. Bỗng nhiên trong đoàn quân ấy có người bị rắn độc cắn. Người bị thương đau đớn kêu la.

“Thấy vậy, bố tui bèn đến ngỏ lời tìm phương cứu chữa, cách chữa trị của ông cụ lạ lắm, chỉ hỏi tên người bị rắn cắn rồi chắp tay khấn vái và lẩm nhẩm dăm ba câu gì đó về 12 họ nhà rắn. Sau đó, cha tui đi sâu vào rừng một lát đem ra một thứ “lá dấu” quen thuộc trong tay, băm nhỏ đắp lên vết cắn của rắn độc. Thật bất ngờ, người lính đó tỉnh lại dần, dường như vết thương không còn cắn xé nữa. Người đó hết lời cảm ơn bố tui, hứa sau khi hành quân về sẽ ghé lại thăm”, cụ Diên nhớ lại.

Kể từ lần nhìn thấy cha chữa rắn cắn đó, cụ Diên quyết định sẽ thuyết phục cha cho theo học bằng được nghề hút nọc rắn. Nhiều lần cụ Diên lén lút tìm hiểu, thậm chí còn bị cha mắng.

Ông cho rằng nghề này nguy hiểm với con gái, không nên theo và khăng khăng không truyền nghề. Nhưng vì quyết tâm muốn có được bí quyết cứu người, cô bé Diên quyết không từ bỏ và nằng nặc xin học nghề cho kỳ được.

“Bác sĩ” trị rắn cắn

Sau này, nhờ thuyết phục mẹ mình và được bà ủng hộ, nên Diên đã được cha cho theo chân truyền nghề. Người cha bày cách đọc bài khấn về 12 họ nhà rắn để hành nghề. Với nhiệt huyết học nghề, người con gái đã nhanh chóng nối nghiệp cha.

Tiếp nối câu chuyện của mẹ mình, chị Nguyễn Thị Bưởi (54 tuổi, con gái cụ Diên) chia sẻ thêm: “Nghề chữa trị nọc độc rắn cắn là một nghề rất nguy hiểm, nếu người chưa không mạnh dạn và có kinh nghiệm trong nghề. Nó có thể dẫn đến tình huống xấu nhất nhưng với kinh nghiệm 3 đời chữa rắn độc và côn trùng cắn của gia đình, chúng tôi vinh dự được mọi người khắp nơi biết đến và tin tưởng vào “bàn tay vàng” của mẹ với biệt danh “vua trị nọc độc”".

Nhiều người đã được cụ Diên cứu sống nhờ cách chữa lạ. Cách đây không lâu, có trường hợp của anh Bua (ngụ xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị rắn mai cắn ở cánh tay trái, co giật, sùi bọt mép, tìm đến cầu cứu cụ Diên. Cụ đã lấy tên, tuổi của anh Bua và làm các nghi lễ như thắp hương khấn vái, đọc “thần chú” về 12 họ nhà rắn, sau đó dặn dò người con chạy đi tìm “lá dấu” ở một khu đồi cách nhà gần 3km đưa về.

Ngôi nhà của cụ bà có bài thuốc chữa rắn cắn kỳ lạ
Ngôi nhà của cụ bà có bài thuốc chữa rắn cắn kỳ lạ 

Cụ Diên ấn lá xong, đem cho con gái bỏ vào cối đá giã nhuyễn, đắp lên vết thương, khoảng 2 đến 3 tiếng mới được tháo ra. Chỉ vài phút sau khi đắp lá, anh Bua đã hết cơn co giật trong sự vui mừng ngạc nhiên của mọi người…

“Chừ hắn hay tới thăm tui lắm, cánh tay hắn giờ bị trụn lại (teo lại-PV) do lúc trước nọc độc con rắn đó quá nặng, với lại chữa trị hơi muộn nên chỉ cứu kịp tính mạng”, cụ Diên chia sẻ.

Theo cụ Diên, nọc rắn rừng tùy thuộc vào hàm lượng độc để tính thời lượng chữa trị, nếu chữa muộn, nọc rắn sẽ lan khắp cơ thể khiến nạn nhân nguy kịch. 

Theo ông Nguyễn Văn Chớ (58 tuổi, con trai cả của cụ Diên), bài thuốc bí truyền này của gia đình ngoài câu “thần chú” gọi 12 họ nhà rắn, còn có một phương thuốc từ loại cây thuốc rất khó tìm, mọc ở chốn rừng sâu.

“Loại lá thuốc này vô cùng đặc biệt, chỉ mọc ngoài tự nhiên, nếu mang về nhà trồng thì cây không sống được vì không hợp với đất. Khi đi hái lá, cây thuốc ấy sẽ tự động chết đi, từ đó cây khác sẽ lại mọc lên. Cây thuốc này còn có một tên gọi khác là “lá hút độc” bởi khi đặt lá vào vết thương thì nó sẽ hút độc ra ngoài, người mới bị cắn thì chữa trị rất nhanh...”.  

Đọc thêm