Cụ bà hơn 10 năm tự nguyện chăm nghĩa trang liệt sỹ

Hình ảnh bà cụ 83 tuổi Hoàng Thị Mài ngày ngày đạp xe đến nghĩa trang trông nom hương khói cho hơn một trăm mộ phần liệt sỹ đã trở nên quen thuộc đối với người dân xã Hồng Quang, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Bà miệt mài, lặng lẽ, không quản ngại vất vả nắng mưa 14 năm rồi...

Hình ảnh bà cụ 83 tuổi Hoàng Thị Mài ngày ngày đạp xe đến nghĩa trang trông nom hương khói cho hơn một trăm mộ phần liệt sỹ đã trở nên quen thuộc đối với người dân xã Hồng Quang, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Bà miệt mài, lặng lẽ, không quản ngại vất vả nắng mưa 14 năm rồi.

Tấm lòng người mẹ liệt sĩ


Bà Mài đón chúng tôi trước cổng nhà. Tuổi xưa nay hiếm nhưng bà Mài vẫn còn minh mẫn. Chồng bà, ông Vũ Sỹ Tầm, từng là người đồng hành chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ xã Hồng Quang từ những năm 1998 – 1999, đã mất. Bà Mài sống cùng với cô con gái trong căn nhà nhỏ.

Bà Mài bên một phần mộ liệt sỹ trong nghĩa trang
 

Bà kể, duyên cớ đưa bà tìm đến công việc cao đẹp này là một câu chuyện dài. Ông bà có 14 người con, 4 trai, 10 gái. Bà lặn lội chạy chợ, buôn bán sớm hôm nuôi nấng các con khôn lớn nên người. Lúc trưởng thành, người theo cha tham gia hoạt động du kích tại địa phương, người khoác ba lô lên đường nhập ngũ.

Hai anh con trai Vũ Sỹ Hải và Vũ Sỹ Thành ở lứa tuổi đôi mươi đã theo tiếng gọi tổ quốc xông pha ra tiền tuyến. Như bao nhiêu người mẹ trong thời chiến trận , tiễn con đi, bà Mài nuốt nước mắt vào tim, nuôi hi vọng  về tương lai đất nước sạch bóng giặc thù.

Thế rồi, đột ngột một ngày tháng 2 năm 1979, tin dữ ùa về, hai tờ giấy báo tử, hai nỗi đau mất con đến với ông bà cùng một lúc. Một người hi sinh Lạng Sơn, nơi đỉnh đầu tổ quốc, một người nằm lại Campuchia, nơi đất bạn xa xôi. Cảnh đầu bạc đưa tiễn đầu xanh có lẽ sẽ chẳng còn nỗi mất mát nào lớn lao hơn nữa.
 
Thời gian cứ thế trôi qua, đầu năm 1998, xã Hồng Quang xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, đón nhận hàng trăm hài cốt các anh hùng hy sinh nơi tiền tuyến về an táng tại địa phương. Bà Mài và ông Tầm tự nguyện đề nghị chính quyền địa phương cho trông nom chăm sóc nghĩa trang.

Dân làng ai cũng băn khoăn không hiểu tại sao hai người già sức đã yếu lại chịu nhận lấy công việc vất vả này. Nói đến nguyên do, bà chỉ tâm sự, đó là nơi các con bà và đồng đội yên nghỉ. Chăm sóc các mộ phần ấy chính là tâm nguyện của bậc làm cha làm mẹ và tấm lòng tri ân của một người dân được sống trong cảnh hòa bình đối với những người đã ngã xuống cho độc lập dân tộc hôm nay.

14 năm, những hi sinh lặng thầm

Nhà ông Tầm, bà Mài là gia đình chính sách, cũng không ít những vất vả, khó khăn. Trong ngôi nhà giản dị, tài sản quý giá nhất là những tấm bằng Tổ quốc ghi công của hai người con liệt sĩ; Huy chương kháng chiến hạng nhì trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mĩ của ông Vũ Sỹ Tầm và tấm bằng chứng nhận gia đình Cách mạng.

Năm 2006,  ông Tầm mất vì căn bệnh ung thư thực quản, gia cảnh lại càng neo đơn nhưng không vì thế mà bà Mài từ bỏ công việc cao đẹp mình đã làm từ bao nhiêu năm nay.

14 năm nay, bà Mài vẫn miệt mài với công việc thầm lặng của mình bên nghĩa trang
 

14 năm có lẻ thấm thoắt trôi qua, bà vẫn sống, vẫn gắn bó với nghĩa trang Hồng Quang như một phần máu thịt của cuộc đời mình. Ông Tầm mất, bà Mài gánh thêm phần của người chồng, ngày ngày đi bộ hoặc xe đạp ra nghĩa trang, đều đặn khói hương, tỉ mẩn lau bụi, dọn cỏ rác trên từng ngôi mộ.

Dẫu giờ đây, sức bà đã yếu, con đường như dài thêm, mà những công việc tưởng nhẹ nhàng cũng trở nên vô cùng vất vả. Các con của bà cũng ủng hộ việc làm của mẹ, bởi đó là cái tâm của người làm việc cho đời, là một sự hi sinh cao đẹp và ý nghĩa.

Nghĩa trang Hồng Quang đã khang trang, sạch sẽ hơn rất nhiều. Dọc lối vào tượng đài ghi công là hai hàng cau ông bà trồng đang rướn mình thẳng cao trong nắng, tỏa bóng mát xanh. Còn có cả những luống hoa rực rỡ, thược dược, cúc, hồng được chăm sóc cẩn thận làm cho cảnh quan nghĩa trang thêm phần đẹp mắt. Những điều kì diệu ấy đều đến từ đôi tay và tấm lòng của một người mẹ liệt sĩ đã tám mươi tuổi đời.

Dẫn chúng tôi đi thăm nghĩa trang, bà bắt đầu kể về 107 ngôi mộ ở nơi đây bằng một giọng trìu mến và cảm động. Có những ngôi mộ quê quán rõ ràng, cũng có những ngôi mộ vô danh, có những mộ phần ở tại bản xứ, cũng có những liệt sĩ quê Thái Bình, Sơn La... được đưa về đây an nghỉ.

Hai con trai bà, dẫu có bia mộ ở đây, nhưng hài cốt vẫn ở tận những vùng đất xa xôi kia. Bà thở dài: “Thôi thì ở đâu cũng là đất nước…”. Vừa nói bàn tay bà vừa thoăn thoắt thắp hương, thay nước, quét dọn.

Công việc chăm sóc cho 107 ngôi mộ, đối với bà cụ Hoàng Thị Mài cũng giống như là chăm sóc cho những người con trong gia đình mình vậy. Đó là một nốt lặng tự nhiên mà cảm động, đẹp đẽ và cao thượng vô cùng…

Ông Vũ Sỹ Viên, phó chủ tịch xã Hồng Quang nói: “Tìm được người chăm sóc nghĩa trang là không dễ. Bởi trợ cấp trung bình một năm chỉ nhận được vỏn vẹn 110 cân thóc, chẳng đáng là bao. Hơn nữa đây lại là một công việc cần nhiều sự hi sinh, chịu khó và nhẫn nại…” 

Vũ Thu Phương

Đọc thêm