Cú “đầu tư” đổ bể

(PLVN) - Câu chuyện nhiều cán bộ của Văn phòng Huyện ủy, Văn phòng UBND, Phòng Văn hóa, Phòng Thanh tra... “tố” bị lãnh đạo UBND, Huyện ủy một huyện vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2013-2015 “nợ” cỡ 52 tỷ đồng, có nhiều điều bất thường.
Nhiều cán bộ của Văn phòng Huyện ủy, Văn phòng UBND, Phòng Văn hóa, Phòng Thanh tra... “tố” bị lãnh đạo UBND, Huyện ủy nợ tiền. Hình minh họa.
Nhiều cán bộ của Văn phòng Huyện ủy, Văn phòng UBND, Phòng Văn hóa, Phòng Thanh tra... “tố” bị lãnh đạo UBND, Huyện ủy nợ tiền. Hình minh họa.

Lãnh đạo đương nhiệm xác nhận “thời điểm đó lãnh đạo (cũ) của huyện “vay” tiền của các cá nhân trong và ngoài cơ quan, để chi tiêu vào các việc như tiếp khách, ăn uống, sửa xe, lắp bàn ghế… và nhiều khoản khác”, dù “theo quy định, huyện không được phép được vay”. Lưu ý những khoản tiền đó “không có hóa đơn, chứng từ rõ ràng”.

Điều bất thường thứ nhất xảy ra, khi người ta thắc mắc hà cớ gì lãnh đạo huyện phải “vay” cấp dưới để phục vụ những việc công? Lương lãnh đạo huyện cũng đâu có đến mức quá “bèo bọt” mà phải đói khát để “vay ăn uống”?

Về phía những người cho vay, một số người cho rằng “ngoài việc bỏ tiền túi ra còn phải vay ngân hàng để cho tập thể chi tiêu nếu có lệnh của Chủ tịch, Bí thư”. Có người cho hay suốt từ năm 2013 đến nay, dù đã làm đơn gửi đến UBND tỉnh Thanh Hóa, Thanh tra Chính phủ, thậm chí khởi kiện ra TAND huyện Yên Định, TAND tỉnh Thanh Hóa, nhưng vẫn không đòi được đồng nào.

Một người “cho vay” biện bạch: “Anh em cấp dưới như chúng tôi cứ lãnh đạo nói là bỏ tiền của mình ra chi thôi, hầu như không có giấy tờ cụ thể gì”.

Đến đây, điều bất thường thứ hai xảy ra. Nếu đã xác định nghĩa tình với đồng nghiệp, đồng đội thì chuyện giúp đỡ tương trợ nhau lúc khó khăn, dù có bán máu cho nhau cũng không ngại ngần so đo, tính toán.

Vụ này, không thấy các bên nói đến chuyện nghĩa tình, mà là chuyện “vay nợ”. Và “oan có đầu, nợ có chủ”. Ở đây mọi chuyện rất nhập nhèm. Vì sao phải âm thầm “bỏ tiền túi”, âm thầm “vay ngân hàng” theo “lệnh của Chủ tịch, Bí thư”; mục đích “cho tập thể chi tiêu”; rồi sau đó tố cáo, kiện tụng?

Chưa bàn đến chuyện câu chuyện này sẽ rắc rối ra sao khi tìm cách xử lý; hành chính hay hình sự, dân sự; người ta thấy cả hai bên đều “có vấn đề”. Bí thư, Chủ tịch huyện này sao lại có những “lệnh” kỳ cục đến thế? Những người cho vay, thường ở “cơ trên”, nhưng sao khi cho vay lại tự nguyện chấp nhận cảnh “nắm dao đằng lưỡi” như thế?

Phải chăng đây chính là những cú “đầu tư”, để mong có thể đổi lấy những cơ hội làm ăn, những thăng quan tiến chức sau này? Có điều cú “đầu tư” đổ bể, nên mới xảy ra những tố cáo kiện tụng bi hài như vậy.

Đọc thêm