Tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI vì sự vững mạnh của thương hiệu sản xuất tại Việt Nam

(PLVN) - Suốt 30 năm qua, doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam, tạo thêm việc làm, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu.
Hình ảnh minh họa
Hình ảnh minh họa

Việt Nam hiện là nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á. Với thu nhập bình quân đầu người hơn 3.700 USD năm 2021, quy mô thương mại đạt 670 tỷ USD, Việt Nam thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.

Nhận thức được sự cần thiết phải tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển, ngày 3/11/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó quy định các doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định, được vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi.

Số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp trong nước ngày càng được cải thiện, các sản phẩm hỗ trợ phần nào đáp ứng yêu cầu các doanh nghiệp FDI và xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.

Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 cũng đã đề ra quan điểm: “…Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác… Đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, đan xen lợi ích trong hợp tác đầu tư nước ngoài và kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước…”.

Ngày 06/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Chính phủ đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó số DN trong nước chiếm khoảng 30%. Mục tiêu năm 2030, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa, chiếm 14% giá trị sản xuất công nghiệp và có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Chủ trương liên kết DN FDI với DN trong nước cũng thể hiện rõ ở quan điểm phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Chính phủ, cụ thể: “…Tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia với DN trong nước trong phát triển chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp… cần ưu tiên những dự án đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng lao động có kỹ năng; đầu tư vào những ngành, lĩnh vực cần ưu tiên phát triển; có liên kết, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho DN trong nước phát triển, tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu…”.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 chỉ rõ: “…Chuyển trọng điểm chính sách thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án tạo giá trị gia tăng cao, có mô hình quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ với khu vực kinh tế trong nước; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu… Có chính sách khuyến khích hợp tác, chuyển giao công nghệ dựa trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện…”.

Những cơ chế, chính sách trên nhằm nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam và tận dụng nguồn vốn này để nâng cao cơ chế hợp tác kinh doanh giữa các DN FDI và DN trong nước nhằm cải thiện năng lực sản xuất của các DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và giảm vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài. Sự hợp tác này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu và rộng với kinh tế quốc tế.

Các hiệp định thương mại đa phương và song phương Việt Nam ký kết như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã có hiệu lực, tạo cơ hội cho các dòng công nghệ cao của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, đồng thời cũng thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được nhiều lợi ích từ các hiệp định song phương và đa phương vì các nước tham gia vào các hiệp định đều có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng thuộc thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, dệt may, da giày,…

Nhiều doanh nghiệp trong nước đã tiến hành hợp tác, liên doanh, liên kết cũng như là tham gia vào chuỗi sản xuất hàng xuất khẩu với các doanh nghiệp FDI. Hiện nay có hàng trăm doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp phụ trợ, cung cấp nhân sự cũng như nguyên liệu cho doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước cung ứng các sản phẩm điện tử dân dụng, dịch vụ lắp ráp điện tử, bo mạch điện tử, các sản phẩm cao su & nhựa, các sản phẩm hỗ trợ trong các ngành công nghiệp,...

Trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 hai năm qua, do bị gián đoạn nguồn cung ứng từ nước ngoài, các doanh nghiệp FDI cũng đang tìm kiếm các nhà cung ứng đầu vào tại Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước, nhưng cũng là bài toán cạnh tranh về giá cả, công nghệ và chất lượng. Để tham gia vào việc cung ứng đầu vào cho các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước phải đầu tư và đưa ra sản phẩm cạnh tranh so với các doanh nghiệp đang cung ứng trước đó.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng qua, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt hơn 25,1 tỉ USD. Quy mô điều chỉnh vốn bình quân/dự án tăng 4,9% so với cùng kỳ, trong đó nhiều dự án sản xuất, chế tạo sản phẩm điện tử, công nghệ cao tăng vốn với quy mô lớn.

Theo báo cáo, 10 địa phương thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước gồm: TP HCM, Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Giang và Nghệ An. Trong số này, TP HCM dẫn đầu với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm, bao gồm cả vốn góp mua cổ phần đạt trên 3,5 tỉ USD. Đặc biệt, năm 2022 là lần đầu tiên Nghệ An lọt vào tốp 10 với 883,04 triệu USD. Tại Quảng Ninh, 2,18 tỉ USD là số vốn FDI mà địa phương này đã thu hút được trong năm 2022, tính đến thời điểm hiện tại. Trong đó, dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh đóng góp số vốn "khủng" với trên 1,9 tỉ USD. Một tỉnh khác thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng là Bắc Ninh cũng thu hút hơn 2 tỉ USD vốn FDI.

Đáng chú ý, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2022 ước tính đạt 19,68 tỉ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 15,52 tỉ USD, chiếm 78,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,44 tỉ USD, chiếm 7,3%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,43 tỉ USD, chiếm 7,3%.

Xét về đối tác đầu tư, hiện đã có 107 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2022.

Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,78 tỷ USD, chiếm 23% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 24% so với cùng kỳ 2021; Nhật Bản đứng thứ hai với trên hơn 4,6 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư, tăng 24,4% so với cùng kỳ. Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký trên hơn 4,1 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư...

Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng kết quả trên cho thấy niềm tin nhà đầu tư vào môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục tăng. Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, đánh giá giải ngân vốn FDI 11 tháng qua tăng hơn 15% là điểm sáng quan trọng trong bối cảnh còn nhiều thách thức, khó khăn như hiện nay. Vị chuyên gia này cũng khẳng định nhà đầu tư nước ngoài đặt nhiều niềm tin vào nền kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam. Đây là cơ sở để Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn quan trọng này theo hướng chọn lọc, bền vững.