Cú ngã oan nghiệt cướp mạng hai mẹ con

(PLO) -Khi hay tin vợ con mình tử vong dưới giếng sâu, anh Hợp không còn đứng vững, luôn phải có hai người dìu. Sau sự việc thương tâm, người dân địa phương phỏng đoán rằng, nhiều khả năng, khi chị Hiền ra giếng rửa rau, chuẩn bị cho buổi ăn trưa thì con gái đi theo. Trong lúc đùa nghịch, cháu Bình không may té giếng chị Hiền lao theo cứu nên xảy ra chuyện đau lòng.
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc thương tâm
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc thương tâm

Con té giếng, mẹ lao theo cứu?

Theo trình bày của ông Đỗ Quang Dự (SN 1968, ngụ tại TDP4, xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) vào sáng ngày 18/12/2016, ông có việc phải đi xa nên nhờ cháu là chị Lê Thị Thu Hiền (SN 1993, ngụ buôn Sút Mgrư, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) sang coi giúp rẫy cà phê cho mình. Khi sang trông rẫy giúp chú, chị Hiền bế theo con nhỏ mới 3 tuổi là cháu Trần Trúc Bình. 

Đến khoảng 11h trưa hôm đó, ông Dự nghe tin ở nhà xảy ra chuyện lớn nên lật đật chạy về. Khi đến nơi, ông thấy người dân và lực lượng chức năng đang xúm lại ở giếng bên mép rẫy cà phê của mình. Tiến lại hỏi thăm, người chú như chết đứng khi hay tin, cả hai mẹ con chị Hiền đã tử vong dưới giếng. 

Ông Dự buồn bã kể: “Sáng đó tôi lên trung tâm thành phố mua ít đồ nên nhờ cháu Hiền qua coi rẫy giúp mình. Đến khi nghe tin, tôi chạy về thì mọi chuyện đã quá muộn. Giếng của tôi sâu khoảng 30m, mực nước chừng 5 - 6m, tôi không xây thành nhưng che đậy rất kĩ”. 

Một số người dân cho biết, vào khoảng 10h15 thì họ nghe tiếng hét thất thanh của chị Hiền nên chạy tới. Khi đến nơi, mọi người gọi mãi nhưng chẳng có ai trả lời. Thấy tấm tôn che trên miệng giếng đã bị lật ra ngoài, gần đó lại có một rổ rau đang rửa dở nên xóm giềng xúm nhau lại xem và phát hiện mẹ con chị Hiền đã gặp nạn.

Sau khi nhận được tin báo về vụ việc, lực lượng chức năng đã khẩn trương có mặt để tiến hành trục vớt thi thể hai nạn nhân. Do người nhà không yêu cầu khám nghiệm tử thi nên cơ quan chức năng đã bàn giao thi thể hai nạn nhân cho gia quyến đưa về mai táng. 

Một người dân chia sẻ: “Nhiều khả năng, chị Hiền đang rửa rau thì con gái chạy ra đùa nghịch và không may rớt xuống giếng. Có lẽ ở trong tình thế cấp bách đó, chị Hiền xót con nên lao theo cứu và cũng gặp nạn. Rẫy của ông Dự chỉ cách khu dân cư khoảng 500m, nếu như lúc đó, chị Hiền tỉnh táo hơn, hô hoán rồi chờ mọi người tới ứng cứu thì chắc không xảy ra chuyện quá đau lòng như hôm nay”.

Ông Dự bên chiếc giếng nước
Ông Dự bên chiếc giếng nước  

Gia cảnh khốn khổ

Sau khi nhận tin “sét đánh”, anh Trần Xuân Hợp (SN 1988, chồng nạn nhân) suy sụp hoàn toàn. Mỗi lần đi lại, anh phải nhờ tới sự giúp đỡ của hai người khác mới đứng vững. Thương cảm trước sự mất mát quá lớn của gia đình nạn nhân, bà con trong buôn Sút Mgrư không ai bảo ai, tình nguyện cùng nhau đến góp công sức, tiền bạc để giúp gia quyến lo hậu sự cho mẹ con chị Hiền. 

Ngồi thẫn thờ trong đám tang con dâu - cháu nội, bà Phạm Thị Vụ (SN 1957, mẹ chồng nạn nhân) sụt sùi chia sẻ, vào năm 2012, khi đi làm công nhân cho một công ty gỗ trên địa bàn xã Cư Suê, anh Hợp quen biết chị Hiền và tiến tới hôn nhân. Do hoàn cảnh hai bên gia đình đều khó khăn nên khi mới cưới nhau, đôi vợ chồng trẻ phải thuê phòng trọ sinh sống. 

Cách đây 2 năm, anh Hợp mua lại căn nhà cấp bốn với giá 100 triệu nhưng còn nợ lại một khoản tiền. Trớ trêu, anh mua được nhà vài bữa thì công ty gỗ nơi hai vợ chồng đang làm việc bị giải thể vì thua lỗ. 

Trong tình cảnh không ruộng đất canh tác, cuộc sống bộn bề khó khăn, người chồng quyết định vừa làm, vừa học nghề trong một xưởng mộc ở xã Ea Tar (cùng huyện Cư M’gar, cách nhà khoảng 10km) để sau này có tương lai hơn. Để lo cho gia đình, chị Hiền cũng phải gửi con nhỏ cho người thân trông giữ rồi xin vào chà nhám cho một xưởng gỗ với mức lương 120 ngàn/ngày. 

Bà Vụ kể: “Vợ chồng tôi khổ nên con cái cũng khổ theo. Cưới nhau xong, hai đứa ra lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Tôi thì bị ung thư thận, nằm viện nhiều hơn ở nhà nên chẳng làm được gì để kiếm tiền”. 

Ngồi bên vợ, ông Trần Xuân Ngân (SN 1933, bố chồng nạn nhân) thông tin thêm, bản thân ông là thương binh hạng 3/4, sức khỏe yếu, hay bệnh tật. Hết năm này qua tháng khác, vợ chồng ông thay phiên nhau nằm viện nên đã bán sạch nhà cửa, vườn tược. Hiện tại vợ chồng ông cùng con gái đầu đang ở nhờ nhà người khác tại xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar). 

Người thân đau đớn đón thi thể nạn nhân về nhà
Người thân đau đớn đón thi thể nạn nhân về nhà

Người cha cho biết: “Vợ chồng tôi có hai đứa con, Hợp là con út, trước nó có người chị gái bị dị tật bẩm sinh do di chứng của chất độc màu da cam nên trí óc khờ khạo, chẳng biết làm gì ngoài rửa chén, quét nhà. Từ khi mua được căn nhà nhỏ, Hợp nhiều lần năn nỉ vợ chồng tôi dọn ra sống chung. Thế nhưng, tôi thấy mình già cả, con lại quá nghèo nên không muốn trút thêm gánh nặng, làm tội nghiệp con cháu”. 

Vịn vào tình làng nghĩa xóm mà gượng dậy

Ông Lê Dung (SN 1964, hàng xóm) trao đổi: “Thấy hoàn cảnh của cháu Hợp như vậy, không ai cầm được nước mắt. Vợ chồng hai cháu nghèo khổ, mua được căn nhà nhưng chưa trả đủ tiền, hàng ngày vẫn phải xài ké điện, xin nước láng giềng vì chưa có điều kiện sắm sửa.

Thường ngày, vợ chồng hai cháu rất hiền, hòa đồng với xóm giềng nên bà con ai cũng thương. Thật sự, mất mát này quá lớn, không gì bù đắp được, tôi cũng như bà con quanh đây chỉ mong sao, cháu Hợp và người thân sẽ cố gắng vượt qua để tương trợ nhau trong cuộc sống”. 

Cũng theo ông Dung, sự việc xảy ra quá bất ngờ, anh Hợp cũng chẳng đủ tiền mua áo quan cho vợ con. Bởi vậy, xóm giềng đã quyên góp, lo giúp người chồng tội nghiệp phần việc này. Bên cạnh đó, buôn làng cũng cấp cho gia đình nạn nhân hai huyệt mộ để chuẩn bị hậu sự cho mẹ con chị Hiền. 

Xác nhận về gia cảnh nạn nhân, ông Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê cho biết: “Gia đình nạn nhân thuộc hộ cận nghèo tại địa phương. Khi nhận thông tin về vụ việc thương tâm trên, phía UBND xã cũng đã cử cán bộ xuống thăm hỏi, động viên gia đình. Bên cạnh đó, UBND xã cũng cố gắng vận động các nhà hảo tâm trên địa bàn quyên góp, giúp đỡ gia quyến lo hậu sự cho mẹ con nạn nhân được chu toàn”. 

Người chồng không còn đứng vững khi hay tin vợ con tử vong dưới giếng sâu
Người chồng không còn đứng vững khi hay tin vợ con tử vong dưới giếng sâu 

Mọi sự giúp đỡ của bạn đọc và các nhà hảo tâm đối với gia quyến nạn nhân, xin liên hệ với người viết qua số điện thoại: 0948.979.516.

Trước tình hình hạn hán khốc liệt, nguy cơ trắng tay khi tài sản lớn nhất là vườn cà phê chết cháy, nhiều hộ dân ở Tây Nguyên đã bất chấp nguy hiểm, tìm nước chống hạn bằng mọi giá. Chuyện vô tình gặp nạn vì giếng nước như câu chuyện nêu trên đã không chỉ xảy ra một lần. 

Ngày 22 và 24/3, tại xã thôn Thắng Thạch 2 (xã Ia Kha, huyện Ia Grai, Gia Lai) đã liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn lao động (TNLĐ), khiến ông Trần Văn Mười và anh Nguyễn Văn Chung tử vong, nguyên nhân đều là do máy bơm chập điện, ông Mười và anh Chung lội xuống nước sửa chữa và bị điện giật chết. 

Còn tại xã Ea Ngai - huyện Krông Búk, Đắk Lắk - cũng xảy ra vụ TNLĐ nghiêm trọng khiến 2 người dân thiệt mạng. Vào thời điểm sự việc xảy ra - ngày 17/2, 5 người dân ở xã Ea Ngai vào khu vực Suối Cụt đào mương dẫn nước về tưới càphê. Khi đào đến độ sâu 3m, rộng 5m thì toàn bộ phần đất bên trên bất ngờ sập xuống, 2 người bị vùi lấp chết tại chỗ là anh Nguyễn Văn Lĩnh (32 tuổi) và anh Võ Tấn Sơn (33 tuổi). 

Thương tâm không kém là trường hợp vợ chồng anh Trần Văn Tam (41 tuổi) và chị Đinh Thị Kim (36 tuổi) - trú tại xã Đại Lào (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng). Để cứu vườn cà phê sắp khô cháy, trong khi không còn nguồn nước nào để tưới, anh Tam thuê máy múc đào một cái hồ rộng 120m2, sâu hơn 13m.

Sáng ngày 6/3, anh Tam thắt dây an toàn rồi xuống hồ lắp ống tưới càphê, không may sợi dây bị tuột nên anh Tam rơi xuống, kéo theo chị Kim. Do mực nước dưới hồ sâu hơn 3m, bốn phía thẳng đứng, không có chỗ bấu víu nên hai vợ chồng chết đuối, đến trưa hôm sau mới được người dân địa phương phát hiện. Anh chị mất đi để lại hai con thơ - một cháu 14 tuổi và một cháu mới 8 tuổi.

Đọc thêm