Thiêng liêng hai chữ “đồng bào”
Cho tới thời điểm hiện tại, bão lụt vẫn đang hoành hành, tàn phá ở Miền Trung! Chính trong những lúc nguy nan như vậy, chúng ta mới thấy tình cảm đồng bào, nhân dân hướng về nhau thật lớn lao! Rất nhiều bà con ở khắp mọi miền Tổ quốc, cũng như hải ngoại, đã đóng góp tiền bạc, vật tư, nhu yếu phẩm giúp bà con miền Trung trong hoạn nạn.
Vì thế, khi cơn cuồng phong số 9, và có thể số 10, số 11... tiếp tục giáng họa, thêm vào đó, cả nước vừa mới qua đại dịch Covid - 19, nhiều gia đình gặp khó khăn, vừa trở về trạng thái tạm thời ổn định, ai có thể thì đều đã cố sức sẻ chia với đồng bào. Thiên nhiên đang không ngừng thử thách lòng người, sức người miền Trung.
Lúc này, cứu giúp miền Trung đã trở thành một “mệnh lệnh trong trái tim” mỗi người dân Việt. Bất chấp trời mưa tầm tã, trên quốc lộ 1 và các tỉnh lộ nơi nước lũ đã mấp mé tràn bờ, những đoàn xe tải với những dòng chữ “Hướng về miền Trung”, “Thương về miền Trung”… vẫn nối đuôi nhau, ngược xuôi vào các rốn lũ.
Những chuyến xe đầy ắp hàng hoá cứu trợ, gửi gắm trọn tình cảm, tấm lòng sẻ chia của người dân cả nước hướng về dải đất hẹp nhiều thương đau. Những thùng mì tôm, hộp bánh, bộ quần áo hay mảnh áo phao đến với đồng bào lúc này thể hiện tinh thần “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta.
Trước những nghĩa cử cao đẹp của mỗi người Việt, cũng như hiện tượng ca sỹ Thủy Tiên đã quyên góp được 150 tỉ để cứu trợ đồng bào miền Trung, thầy giáo Mạc Văn Trang bày tỏ: tình yêu thương đồng bào của dân ta luôn quý giá.
Trải qua bao biến động tàn khốc, truyền thống yêu nước thương nòi, “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, “lá lành đùm lá rách,”, “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ“... vẫn là mạch ngầm âm ỉ trong lòng dân tộc, khi có tình huống là nó bùng phát lên. Thủy Tiên chỉ là trường hợp điển hình. Có lẽ lúc đầu Thuỷ Tiên cũng không nghĩ lại nhận được đến hơn 150 tỉ đồng, khiến cô cũng bối rối và nhiều người lo lắng cho cô….
Còn hàng ngàn hàng vạn những cá nhân, nhóm cứu trợ tự phát khác nữa tìm nhiều cách cứu giúp đồng bào miền Trung. Rồi kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới, chẳng đợi ai kêu gọi, đã tự động cùng nhau với nhiều hình thức giúp đồng bào miền Trung trong hoạn nạn. Cái gì tự phát, tự động, tự nhiên đó chính là tấm lòng chân thật nhất. Đặc biệt nó khơi dậy và nuôi dưỡng lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, trách nhiệm xã hội của mỗi công dân.
“Thương về miền Trung” sẽ không chỉ là những gói hàng cứu trợ khẩn cấp quý báu giúp người dân chống đói qua ngày, mà còn là những giải pháp giúp đồng bào bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng tránh dịch bệnh; giúp các em học sinh sớm trở lại trường lớp, khôi phục…
Tài trợ sao cho đúng?
Và thực tế, việc cứu trợ miền Trung cũng như nhiều hoạt động “tự phát” của các cá nhân, nhóm xã hội tự nhiên, tự nguyện như vậy đã và đang diễn ra lâu nay thực sự là hiện tượng xã hội phổ biến, là nhu cầu thực sự của người dân. Phần đông người Việt giàu lòng thương người, tính tương trợ cộng đồng cao, luôn sẵn sàng nhường cơm sẻ áo khi gặp thiên tai địch họa.
Nhưng mặt trái của tình cảm này là dễ bị chi phối bởi quy luật lây lan của tình cảm, chạy theo phong trào nên thiếu chiều sâu lý tính, thiếu tính toán hợp lý, không nắm được nhu cầu thiết yếu của nơi xảy ra thiên tai, dễ bốc đồng cảm tính. Những chia sẻ từ góc nhìn chuyên viên hỗ trợ trên trang Facebook Nghia Binh phần nào cho chúng ta nghĩ tới những hoạt động cứu trợ chuyên nghiệp, lâu dài…
Là một người đã từng trực tiếp phụ trách việc tổ chức cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai (mình đã có 15 năm làm ở phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động -TBXH Khánh Hoà), mình xin chia sẻ để mọi người có cái nhìn đúng về cứu trợ xã hội từ 3 kênh: Nhà nước - Các Hội, đoàn thể - Cá nhân.
Cứu trợ xã hội khi thiên tai là Cứu trợ xã hội đột xuất. Hàng năm, ngân sách luôn có khoản bố trí cho hoạt động này. Tuy nhiên, do diễn biến thiên tai mỗi năm mỗi khác nên thường khi có thiên tai lớn thì ngân sách phải cấp bổ sung.
Mình nhớ không lầm (đã nghỉ việc 4 năm nên không cập nhật chính sách mới) thì: Người chết được hỗ trợ 3 triệu, người bị thương 1 triệu, nhà sập 5 triệu, nhà hư hỏng nặng 3 triệu, hỗ trợ lương thực 15kg gạo/người/tháng trong 3 tháng,... Ngoài ra, tuỳ theo thiệt hại thiên tai mà Nhà nước sẽ có các khoản hỗ trợ phục hồi sản xuất và dân sinh cho từng vùng cụ thể.
Các khoản tiền này mặc định các đối tượng bị ảnh hưởng thiên tai sẽ được hưởng sau thiên tai. Trong khi thiên tai đang xảy ra (như lũ lụt hiện nay), Nhà nước tập trung vào việc cứu hộ, cứu nạn, di dời dân.
Điều cần lưu ý là: Vì là sử dụng tiền ngân sách nên các khoản hỗ trợ của Nhà nước thường chậm. Nguyên nhân là phải chính xác, tiền ngân sách không thể muốn phát cho ai là phát. Người thực hiện chính sách phải kiểm tra cẩn thận, không khéo là bị đi tù vì sử dụng sai quy định. Do đó, các bạn đừng trách tại sao cán bộ chính quyền lại chậm trễ trong việc chi cứu trợ, có phải tiền túi họ đâu mà muốn chi sao là chi.
Và cứu trợ cá nhân là bởi các tổ chức, cá nhân có tấm lòng thiện nguyện trực tiếp dùng tiền túi hoặc kêu gọi hỗ trợ và đi trao. Điểm mạnh nhất của kênh này là tính kịp thời. Do đây là tiền tự thân nên có lợi thế là muốn trao ai thì trao, không cần quyết toán và chứng minh tính chính xác.
Tuy nhiên, do là tự phát nên các tổ chức, cá nhân không thể có cái nhìn tổng thể toàn vùng để hỗ trợ cho chính xác. Mình đã từng tận mắt thấy có nhà sau thiên tai đem bán lại 1 tấn gạo được nhận từ cứu trợ cá nhân. Chưa kể đến việc hàng xóm cãi nhau, đánh nhau vì người nhận nhiều, người nhận ít. Hoặc là đem cho những thứ tưởng dân cần nhưng hoá ra họ lại vứt đi (như việc cho quần áo cũ bị vứt đống vừa qua).
Các địa phương cần cung cấp thông tin về tình trạng thiếu hụt nhu cầu của nhân dân vùng bị thiên tai. Thông tin được cập nhật thường xuyên theo thực tế tiếp nhận cứu trợ để các nhà từ thiện có thể biết được địa phương đang cần gì mà hỗ trợ cho đúng.
Ai khi làm từ thiện thì đa số đều xuất phát từ cái tâm tốt, thương người như thể thương thân. Nhưng cách cho cũng quan trọng không kém. Để làm từ thiện có hiệu quả thì phải biết: Cho cái gì? Cho ai? Cho thế nào? Cho khi nào? Cho để làm gì?... Tránh tình trạng làm ào ào theo phong trào, đi cho không giúp được bao nhiêu cho người nhận mà còn lại làm nhiễu loạn địa phương, gây mất tình làng nghĩa xóm chỉ vì vài phần quà cứu trợ (người ít so bì với người nhiều).
Sau cơn bão số 9 này, chắc chắn lại là vô số cảnh nhà tan cửa nát, màn trời chiếu đất, đói rét của người dân vùng bão. Chắc chắn sẽ rất cần sự hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ, sự đồng lòng của các cấp chính quyền và sự tương trợ của nhân dân cả nước với các tỉnh bị thiên tai. Nhưng, mong rằng mọi người hãy làm từ thiện một cách đồng bộ và khoa học, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tổ chức trong và ngoài chính quyền để việc cứu trợ được: Kịp thời - Chính xác - Công bằng.
Một góc nhìn khác từ rốn lũ, Dương Phong sinh ra lớn lên ở miền Trung, hiểu quê hương, máu thịt của mình. Một clip Phong quay cảnh đoàn từ thiện đứng dưới thuyền ném đồ lên bờ, ai nhặt được thì nhặt, ai chậm chân thì thôi. Trời đã tạnh mưa, lũ đã rút rồi, sao họ không quá bộ đáp chiếc thuyền vô bờ mà trao tận tay người dân?
Người xưa thường nói: “Của cho không bằng cách cho”! Đấy vốn không phải hành động chia sớt khó khăn với đồng bào trong cơn bĩ cực mà là hành vi bố thí. Bạn muốn vào xã nào còn khó khăn nhất, ít người qua lại nhất thì về Hội chữ thập đỏ huyện và mặt trận huyện, ở đó họ có danh sách, họ nắm rõ mỗi ngày xã nào có đoàn nào, xã nào không có đoàn nào để cùng bạn trao yêu thương đúng nghĩa tình.
Cán bộ địa phương, họ là người rất thiệt thòi mà không có thù lao nào ngoài việc nghĩa xóm làng, họ tất bật ngày đêm mệt bở hơi tai mà lời động viên ít lắm. Do đó khi bạn về với dân, xin hãy chú ý đến họ, chia sẻ một chút gọi là, cười với họ một nụ cười, bắt tay thật ấm để bớt cô đơn cho họ.
Vừa rồi các trang chia sẻ cán bộ thôn ở thị xã Ba Đồn thu lại tiền đoàn cứu trợ để phát cào bằng và mắng xối xả. Đó là vụ việc duy nhất năm 2016 đã xử lý. Nay họ cố tình đưa lên như mới là không nên. Không nên mắng nhiếc chính quyền sở tại, lực lượng cứu hộ thôn, xã, huyện tỉnh vì khi đỉnh lũ thì bạn không có mặt. Họ có mặt đầu tiên và giúp giảm thiểu thiệt hại…
Và trở lại “cách cho” sao cho ấm lòng, thì Công Vinh và Thủy Tiên những ngày qua ngoài việc ân cần, hỏi han các hoàn cảnh khó khăn, bĩ cực khi trao quà đã làm được điều đó. Trong suốt 6 tiếng trao quà ở Hà Tĩnh, bà con địa phương liên tục nói lời cảm ơn Công Vinh - Thủy Tiên.
Nhưng cách Công Vinh, Thủy Tiên thể hiện đã khiến mọi người càng thêm cảm động: “Chúng con chỉ đi trao hộ thôi. Đây là tiền của bà con cả nước ủng hộ miền Trung, chứ không phải tiền của vợ chồng con đâu. Mọi người có cảm ơn thì cảm ơn bà con cả nước đã chia sẻ ”, Công Vinh liên tục nói.
Và dẫu là tấm lòng và tình cảm của tất cả người dân ở trong và ngoài nước gửi đến đồng bào miền Trung gặp thiên tai, lũ lụt. Nhưng để đồng tiền ấy đến được với người dân, phải dành lời cảm ơn tới Công Vinh và Thủy Tiên, bởi sự nhiệt tình và tấm lòng thiện của hai người.
Từ thiện không đơn giản là cho tiền, mà là tạo niềm tin, động lực, lan truyền tinh thần tích cực tới những hộ dân nghèo, những cái nắm tay thật ấm, thật chân thành… Công Vinh và Thủy Tiên đã góp một phần nhỏ bé của mình để lan truyền tinh thần ấy…
Tựa như danh họa Van Gogh khi chia sẻ những tấm áo rét, mẩu bánh ít ỏi của mình cho những người thợ mỏ, đã nhận ra “Chính cuộc sống và hành động mới là tiếng nói chân tình và ấn tượng nhất, hơn tất cả mọi lời hoa mỹ”…