“Của chồng công vợ”, nhà đất chung phải ghi tên cả vợ chồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất… mang tên cả vợ và chồng.
“Của chồng công vợ”, nhà đất chung phải ghi tên cả vợ chồng

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp mới hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận đã chứng nhận về quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi “họ, tên của vợ hoặc chồng” để ghi “cả họ, tên vợ và họ, tên chồng” khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu theo quy định của pháp luật về đất đai.

Mặc dù pháp luật đã có quy định cụ thể về vấn đề này nhưng trên thực tế, vì một số nguyên nhân về quan điểm, lối sống… mà vẫn còn tình trạng tài sản đất đai chung của hai vợ chồng nhưng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên vợ hoặc chồng, đa phần là ghi tên người chồng. Vì vậy, đề nghị ghi tên cả vợ và chồng trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thể coi là một giải pháp tiến bộ trong việc đảm bảo quyền lợi của hai bên vợ chồng, đặc biệt là người vợ (người phụ nữ) trong việc thực hiện các quyền và thủ tục hành chính đất đai cũng như góp phần giúp phòng ngừa các tranh chấp đất đai có thể xảy ra.

Theo Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Hãng Luật TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường là nhằm bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ, tránh các khiếu nại, khiếu kiện khi giải quyết các tranh chấp về đất đai, từng bước tạo điều kiện để người phụ nữ được chủ động tham gia các hoạt động về kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Theo khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ chồng nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng; Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Trường hợp không có căn cứ để chứng minh quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì được coi là tài sản chung. Mặt khác, khoản 1 Điều 29 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập”.

Như vậy, tài sản thuộc các trường hợp trên được coi là tài sản chung của hai vợ chồng, do đó vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dù một người đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì hai người vẫn có quyền ngang nhau, dựa vào việc xác định nguồn gốc đất như trên. Do đó, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên vợ hoặc chồng không gây ảnh hưởng tới quyền sở hữu của bên còn lại trong giai đoạn hôn nhân.

Trường hợp vợ/chồng có yêu cầu ghi cả tên vợ và tên chồng theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ để nộp tại chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện (Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện nếu địa phương chưa tổ chức Văn phòng đăng ký đất đai) hoặc bộ phận một cửa. Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nếu có nhu cầu. Thời hạn cấp đổi quy định tại khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP thì không quá 7 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, trừ ngày nghỉ lễ, Tết.

Theo Luật sư Hùng, vì pháp luật đất đai đã có quy định cụ thể về việc ghi tên cả vợ và chồng trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên điều quan trọng và cần thiết nhất là các cơ quan chức năng cần bảo đảm việc người dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật về vấn đề này.

Bên cạnh đó, trong quá trình đăng ký đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các cơ quan chức năng phụ trách xử lý có thể đơn giản hóa thủ tục hành chính đất đai bởi khi trên Giấy chứng nhận đã có tên của hai vợ chồng thì sẽ rút ngắn được thời gian xác định quyền sở hữu tài sản thuộc về cả hai vợ chồng hay là tài sản riêng của vợ hoặc chồng.

Đọc thêm