Cửa hàng sửa chữa điện tử đặc biệt của hai chàng trai bại liệt

Hai chàng trai cùng bại liệt từ nhỏ, học chung trường và sau khi tốt nghiệp họ quyết định bám trụ lại TP.HCM lập nghiệp. Đến nay cửa hàng sửa chữa điện tử của “cặp đôi khuyết tật” đã tồn tại gần mười 10 năm khiến nhiều người nể phục. Hai “ông chủ đặc biệt” ấy là Chiêm Văn Chí và Huỳnh Duy Tân (cùng SN 1981, chủ cửa hàng điện máy trên đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, quận 9).

Hai chàng trai cùng bại liệt từ nhỏ, học chung trường và sau khi tốt nghiệp họ quyết định bám trụ lại TP.HCM lập nghiệp. Đến nay cửa hàng sửa chữa điện tử của “cặp đôi khuyết tật” đã tồn tại gần mười 10 năm khiến nhiều người nể phục. Hai “ông chủ đặc biệt” ấy là Chiêm Văn Chí và Huỳnh Duy Tân (cùng SN 1981, chủ cửa hàng điện máy trên đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, quận 9).

Trưởng thành từ tâm nguyện kiếm nghề nuôi thân

Tiệm sửa chữa điện tử mang tên Văn Tiến trên phố Đỗ Xuân Hợp từ lâu đã quá quen thuộc với người dân trong vùng. Gọi cửa hàng đặc biệt bởi chủ nhân là hai chàng trai khuyết tật 8X. Nét mặt niềm nở, anh Chí nhoài người lê sang ghế ngồi tiếp chuyện khách.

Chí trải lòng mình là con kế út một gia đình có đến sáu anh em, quê tận tỉnh Kiên Giang. Năm lên tám, anh đột ngột dính cơn sốt chí mạng. Hậu quả khiến hai chân Chí teo gầy dần. Dù gia đình đã đưa đi chạy chữa khắp trung tâm y tế, bệnh viện nhưng vẫn không khiến đôi chân lành lặn trở lại. Từ đó cậu bé phải nằm liệt một chỗ. Chàng thanh niên khuyết tật tâm sự bấy giờ tâm trạng bản thân chán chường vô cùng. Nhờ gia đình động viên, anh miệt mài tập luyện nhưng cũng chỉ đi được trên đôi nạng gỗ.

Mặc dù khuyết tật nhưng trời phú cho Chí sự thông minh, lanh lẹ và đầu óc chững chạc từ hồi còn trai trẻ. Trong thâm tâm mình, Chí luôn tự nhủ phải cố gắng học tập thật tốt, ít nhất để sau này có được cái nghề nuôi thân: “Học cấp một, trường gần nhà nên đi lại thuận lợi. Nhưng đến cấp hai, cấp ba phải đi học xa nhà vất vả lắm. Hôm bố mẹ đưa đón, hôm lại đi nhờ xe bạn bè. Vì thấy em say mê học, gia đình thuê bác xe ôm cùng thôn chở đi chở về. Bác ấy thương hoàn cảnh nên lấy giá ưu đãi. Khổ nhất là những ngày trời mưa, mình lại đi lại bằng nạng nên ướt sũng toàn thân, sách vở cũng nát tươm”, Chí nhớ lại quá khứ.

Dẫu vậy, bằng sự kiên trì và lòng ham học, Chí luôn đạt thành tích học tập tốt. Tốt nghiệp THPT, trong khi bạn bè xôn xao lựa chọn trường này trường nọ thì Chí vẫn không thể tìm được ngành học nào phù hợp với bản thân. Lúc này tình cờ đọc được mẩu tin tuyển sinh của trường dạy nghề Kỹ Nghệ 2 (nay đổi thành trường Cao đẳng công nghệ TP.HCM), Chí liền khơi thông bế tắc.

Anh bộc bạch ngay lúc đó nhờ người thân chở lên đăng kí, Chí chọn ngành điện tử gia dụng bởi: “Mình suy nghĩ bản thân đi lại khó khăn, chỉ công việc sửa chữa điện tử mới tiện lợi nhất”. Đầu năm 2001, chàng trai trở thành tân sinh viên trường Kỹ nghệ 2.

Tự nhận có nhiều điểm chung với bạn nghề, Huỳnh Duy Tân tự bạch mình quê ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang và cũng là con thứ năm trong gia đình có đến sáu anh chị. Từ năm 2 tuổi cậu bé Tân đã mất khả năng đi lại sau trận sốt kéo dài hơn tuần lễ. Tuy nhiên may mắn hơn Chí, Tân có thể tự đi lại ở cự li gần: “Di chuyển trong phòng nhỏ dễ dàng hơn bởi có thể bám víu vào các vật dụng. Lúc nào bước không nổi lại ngồi xổm xuống ghế”, Tân hóm hỉnh nói.

Điểm trùng hợp nữa, Tân cùng chung “chí hướng” kiếm một công việc để có thể tự nuôi bản thân như Chí. Nam thanh niên quê Tiền Giang vinh dự khoác lên mình chiếc áo sinh viên trường Kỹ nghệ sau khi tốt nghiệp cấp ba. Tại trường học mới, Chí và Tân may mắn được xếp cùng lớp, ăn ở chung phòng. Nỗi cảm thông cảnh ngộ khiến tình bạn giữa hai chàng trai khuyết tật càng thân thiết hơn.

Chia sẻ bí quyết trưởng thành như hiện nay, Tân bật mí: “Chúng mình đều nhận thức bản thân thua thiệt các bạn lành lặn nên chú tâm học hỏi. Ngoài giờ lên lớp, mình và Chí lại xin vào các tiệm sửa chữa điện tử trau dồi tay nghề”.

Cửa hàng sửa chữa đặc biệt của hai thanh niên đặc biệt

Cuối năm 2003, hai chàng sinh viên khuyết tật Chí - Tân vinh dự nhận tấm bằng tốt nghiệp loại ưu rời ghế nhà trường. Cả hai cho biết bấy giờ đa phần bạn bè đều về quê tìm kiếm công việc phù hợp. Riêng đôi bạn khuyết tật suy nghĩ hoàn toàn trái ngược: “Ở quê đời sống còn nghèo khó, người dân ít sử dụng thiết bị điện tử. Nếu về quê liệu có sống được bằng nghề mình học không?”, Chí bộc bạch quan điểm.

Từ nhận định đó, Chí và Tân nhất quyết bám trụ chốn đô thị. Trước tiên đất phố thị mới là “đất dụng võ” và có cơ hội phát triển nghề nghiệp. Nhờ tay nghề cơ bản, bản tính cần cù chịu khó nên cả hai được ông chủ cửa hàng điện máy trên phố Đỗ Xuân Hợp nhận vào làm việc. Tuy mức lương chỉ đủ sống, người thân hết lời động viên quay về lập nghiệp gần nhà nhưng cả Chí lẫn Tân nhất mực khước từ. Đôi bạn trẻ tâm niệm rằng đã tốn tiền, tốn công sức học tập mấy năm ròng không thể tiếp tục ăn bám gia đình.

Nói về cơ duyên trở thành ông chủ như hiện nay, Chí hồ hởi kể lại vào cuối năm 2004 ông chủ tiệm nơi mình làm việc giã nghề chuyển về Bình Dương sinh sống. Trước khi chuyển đi, ông chủ nhận thấy khả năng hai học trò bèn ngõ ý sang nhượng lại quán với giá “vừa bán vừa cho”: “Vốn liếng chẳng có nên chúng mình lưỡng lự không dám nhận lời ngay. Suy nghĩ mãi cả hai mới đồng lòng thử vận may xem sao. Suy nghĩ thấu đáo, cả hai ra sức gom góp tiền bạc, vay mượn thêm ban bè lấy kinh phí sang nhượng quán. Đến nay đã xấp xỉ 9 năm”, Chí niềm nở chia sẻ. 

Như lời đôi bạn khuyết tật bộc bạch, thời gian đầu gia sản cửa hàng chỉ vỏn vẹn ba món vật dụng cơ bản gồm: Mỏ hàn, bó chì hàn và đồng hồ đo điện do chủ cũ biếu tặng. Với phương châm vừa làm vừa gầy dựng cơ sở, đôi thợ khuyết tật ra sức “cày” công việc, chuyện 1-2h sáng mới đi ngủ thường như cơm bữa. Khi đã tạo được uy tín, lượng khách đến tiệm ngày một đông. Bổ sung lời bạn, Tân tự hào cho biết khách hàng của mình không chỉ người lân cận. Nhiều “khách ruột” sống tận trung tâm TP.HCM, Đồng Nai hễ có nhu cầu đều không quản xa xôi tìm đến cửa hàng.

Bật mí kinh nghiệm “giữ khách”, hai ông chủ trẻ cho hay ngoài thái độ niềm nở tiếp đón, cửa tiệm có nguyên tắc không bao giờ “chặt chém” nếu gặp khách lạ, giá cả phải chăng. Bên cạnh đó, tất cả thiết bị sửa chữa tại cửa hàng đều được bảo hành dài hạn. Trường hợp sửa chữa những “bệnh” đơn giản, chủ tiệm sẵn sàng miễn phí tiền công: “Giờ đây có thể nói cửa tiệm cơ bản ổn định. Ngoài ổn định cuộc sống bản thân, mỗi đứa mình dành dụm chút vốn liếng phòng lúc ốm đau”, Tân tự tin nói.

Bên cạnh sửa chữa thiết bị điện tử, Chí và Tân còn tự mày mò học thêm nghề sửa chữa điện thoại. Có vốn, đôi bạn 8X khuyết tật bàn nhau thu mua các thiết bị điện tử hu hỏng về sửa lại đem bán giá rẻ nhằm tăng thu nhập. Đặc điểm khác lạ lâu nay trở thành “thương hiệu” của cửa hàng sửa chữa điện tử Văn Tiến đó là khách đến tiệm phải phục vụ ngược trở lại giúp chủ.

Giải thích điều này, Tân và Chí mỉm cười cho hay do bản thân đi đứng khó khăn nên hễ có khách lại nhờ người ta khuân vác giúp hàng hoá: “Hai đứa nó làm ăn uy tín, tính tình hiền lành nên ai cũng thương. Mấy tiệm kia khách vắng teo nhưng cửa hàng chúng nó tấp nập khách quanh năm”, bà Phi bán nước đối diện cửa hàng điện máy Văn Tiến nhận xét.

Quảng Thành

Đọc thêm