Bất cập về căn cứ pháp lý để chuẩn hóa
Ngày 3/6, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt và tập huấn về công tác quản lý, kiểm soát cửa khẩu phụ, lối mở biên giới. Việt Nam có đường biên giới đất liền tiếp giáp 3 nước Trung Quốc, Lào và Campuchia với chiều dài 5.032,025km đi qua 25 tỉnh biên giới. Trên biên giới đất liền có 117 cửa khẩu (gồm 25 cửa khẩu quốc tế; 24 cửa khẩu chính (song phương); 68 cửa khẩu phụ) và 88 lối mở biên giới.
Hệ thống cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (song phương) được quy định tại các hiệp định về quản lý biên giới, cửa khẩu. Cửa khẩu phụ, lối mở biên giới được hình thành từ các lối đi truyền thống, đường qua lại, cặp chợ biên giới và một số điểm thông quan, xuất khẩu hàng hóa trên biên giới do các địa phương mở trong những năm gần đây.
Hiện cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đang có hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) nhưng chưa được quy định thống nhất tại các Hiệp định về biên giới, cửa khẩu với các nước có chung biên giới, phần lớn chưa được mở chính thức theo quy định của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền. Như trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Hiệp định về biên giới, cửa khẩu đã ký kết không quy định loại hình cửa khẩu phụ, lối mở biên giới (chỉ quy định đường qua lại tạm thời).
Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới đất liền và cửa khẩu biên giới trên đất liền (ký năm 2016) chỉ quy định 18 cửa khẩu phụ đã mở, chưa quy định cụ thể loại hình lối mở biên giới và hiện hai bên đang xây dựng Đề án quy hoạch hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Lào, nên việc mở, nâng cấp cửa khẩu phụ, lối mở biên giới rất hạn chế.
Trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, Hiệp định về Quy chế biên giới (năm 1983) chỉ quy định loại hình cửa khẩu phụ, không quy định loại hình lối mở biên giới.
Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh BĐBP cho biết, từ thực tế trên cho thấy, hệ thống cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đất liền rất đa dạng về loại hình, phức tạp về nguồn gốc hình thành, bất cập về căn cứ pháp lý để chuẩn hóa. Tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, ngoài hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, còn có hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân, hoạt động tạm nhập, tái xuất, thí điểm xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa... đã tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng dẫn đến không ít khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP và các cơ quan chức năng.
Không tự mở các địa điểm qua lại biên giới
Từ năm 2015 đến nay, công tác quản lý, kiểm soát tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác quản lý, kiểm soát cửa khẩu phụ, lối mở biên giới còn có những hạn chế như công tác tham mưu của BĐBP cho địa phương thực hiện trình tự thủ tục mở, nâng cấp, xác định phạm vi khu vực cửa khẩu phụ, lối mở biên giới hiệu quả chưa cao, hầu hết các lối mở biên giới chưa được quy hoạch, xây dựng cơ bản.
Hiện cơ sở pháp lý về loại hình cửa khẩu chưa thống nhất giữa điều ước quốc tế về biên giới, cửa khẩu với văn bản pháp luật trong nước, gây khó khăn trong thực hiện trình tự, thủ tục mở, nâng cấp, chuẩn hóa hoạt động tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới. Việc xác định loại hình cửa khẩu phụ, lối mở biên giới chủ yếu do Việt Nam đơn phương quy định.
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh BĐBP chỉ đạo các đơn vị cần làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện thống nhất Nghị định số 112/2014/NĐ-CP. Tập trung chuẩn hóa hoạt động quản lý, kiểm soát tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới (thực hiện mở, nâng cấp cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo quy định; xác định phạm vi, cắm biển báo khu vực cửa khẩu, thiết lập hệ thống barie kiểm soát, xác định thời gian làm việc, bố trí cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới).
Các địa phương tuyệt đối không tự mở các địa điểm qua lại biên giới để phục vụ hoạt động XNK hàng hóa, không cho phép vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua các địa điểm không phải là cửa khẩu, lối mở biên giới theo quy định pháp luật.
Từ năm 2015 - 2019, lực lượng BĐBP đã kiểm tra, kiểm soát 64.804.407 lượt người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới; phát hiện bắt giữ, xử lý tổng số 2.337 vụ/2.321 đối tượng tội phạm, vi phạm pháp luật (tập trung các loại tội phạm về ma túy, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, mua bán người và vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh...); tang vật tạm giữ, xử lý trị giá trên 29 tỷ đồng, góp phần giữ vững ổn định an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn, khu vực cửa khẩu.