Cúi xuống thật gần…

(PLVN) - Trong những ngày qua, khi cả xã hội bị cách ly, có lẽ cơ cực hơn cả là những mảnh đời vô gia cư... “Cả hai đều mất hết giấy tờ và giờ đây thì không có xe khách để về. Người Hà Giang thì dự định sẽ đi bộ về. Người Đà Nẵng thì chờ đợi giấy tờ gia đình gửi ra đã 20 ngày vẫn chưa thấy đâu. Muốn thuê nhà trọ cho họ cũng không được nữa. Trời thì mưa và lạnh”!...
Các tình nguyện viên “Mỗi ngày một quả trứng” ở Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh… trao tận tay người vô gia cư những ấm lòng mùa đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa
Các tình nguyện viên “Mỗi ngày một quả trứng” ở Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh… trao tận tay người vô gia cư những ấm lòng mùa đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Những dòng nhật kí yêu thương

Trên hành trình “Lênh đênh sóng nước” tại một xóm chài nhỏ Hải Phòng, ba bạn trẻ Thanh, Nhâm, Tuyết đã lên từng con thuyền neo đậu trong những ngày dịch giã hoành hành. Mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng đều chung một cảnh nghèo và cuộc sống thêm phần khó khăn kể từ dịch bệnh. Đa phần người lớn tại đây đều không đi học, có người không biết chữ. Trẻ con ở đây đa số sẽ học ở nhà thờ miễn phí đến hết 5 tuổi, sau đó có xin học được trường bên cạnh. “Nhưng cũng còn khó khăn lắm!”,  một cư dân chia sẻ. Trước khi chia tay mỗi gia đình, Thanh đều hỏi họ có mong ước gì không và câu trả lời phần lớn đều là mong có đủ đồ ăn để không bị đói trong thời gian khốn khó này. Còn chúng mình thì mong sao, sự chật vật này sớm qua mau để họ có thể mơ ước về nhiều thứ rộng lớn và tươi đẹp hơn…

“Người đầu tiên team Hà Nội gặp trong buổi sáng nay không phải là người già nhất nhưng có lẽ là người có “thâm niên” sống trên đường phố lâu nhất. Năm nay ông 82 tuổi và đã sống ở đường phố 32 năm. Những năm đầu mới sống ở đường phố, ông ngủ ở ga tàu, nhưng rồi ở đó đông đúc, ồn ào, ông chọn một mái hiên của một nhà hàng cách đó không xa để ngủ. Nhà chủ cũng biết ông rồi nên không đuổi. Ông chờ đến khi nhà hàng dọn dẹp, đóng cửa rồi thì ông lên “giường”. Ông kể cho bọn mình lịch trình hàng ngày của ông-đi bộ từ khu vực ga lên khu vực trung tâm thành phố, chừng 10h đêm thì lại bắt đầu đi về.

Mình hỏi đợt dịch bệnh này đời sống của ông có bị ảnh hưởng không. Ông bảo: “Ảnh hưởng nhiều chứ chị. Trước thì cũng có nhiều người đi phát đồ từ thiện nhưng từ sau Tết đến giờ, người ta cũng sợ”. Rồi ông thẹn thùng: “Nói thật với chị và cháu, một tuần nay tôi chưa được bữa cơm nào”. Hỏi ông, vậy thì sống thế nào? “Nói thật với chị và cháu, các nhà họ ăn không hết thì mình ăn”, có lẽ ông cố tránh dùng từ ăn thừa. Mắt ông lấp lánh niềm vui chỉ vào túi bún trong chiếc túi nilon đỏ thường được dùng để đựng quà tết mà ông xách theo.

Gia tài của ông để cả trong 2 cái túi nilon màu đỏ. Đi đâu cũng xách theo hai túi ấy. Trước Tết, có người đi ôtô đến cho ông 3 lần, tổng cộng 700 nghìn đồng. Cộng với tiền trợ cấp cho người trên 80 tuổi của Nhà nước, ông mua được chiếc xe đạp 950 nghìn đồng. Buổi tối mùng 7 Tết, ông ngủ say kẻ gian lấy mất xe đạp, ông mất luôn cả mấy túi đồ trong đó có chiếc chăn còn mới và chiếc áo dạ màu đỏ mà đám thanh niên thiện nguyện biếu ông đón Tết. Nhưng ông tiếc nhất là mất hết cả giấy tờ của ông, trong đó có cả các giấy chứng nhận con liệt sĩ, huân huy chương -ông là cựu chiến binh đã có mặt ở cả 3 nước Đông Dương… 

Sáng nay chúng mình thức dậy với nỗi lo liệu sau thông báo của thành phố tối qua thì ngày hôm nay chúng mình có còn gặp được những người vô gia cư không? Vì có thể họ sẽ sợ hãi mà trốn đi đâu đó. Nhưng có lẽ, trong cái rủi lại có cái bớt rủi hơn, đó là họ chẳng có cái thứ xa xỉ mang tên là “truyền thông đại chúng” hay “mạng xã hội” nên hoàn toàn không hay biết rằng có khả năng họ sẽ bị phạt khi ra đường vào lúc này. Và dù hôm nay đã phải quay lại “căn cứ” lấy đồ ăn đến bốn lần thì chúng mình vẫn rất vui vì có thêm nhiều người không bị đói đêm nay.

 

Ngày 4/4, chiều tối nay như thường lệ của một tuần nay, chúng tôi lại xuất phát lúc 5 giờ sau khi đã nhận đủ bánh mỳ và trứng luộc nóng hổi từ những bạn bè đóng góp cho quỹ. Tại khu vực vườn hoa, chúng tôi gặp một bà cụ hơn 80 tuổi trọ ở Phúc Tân (Hà Nội) nhưng không có tiền trả nên phải lang thang. Hùng nấn ná hỏi chuyện một lúc thì chúng tôi đi tiếp, được mấy mét thì chúng tôi gặp cụ thứ hai: cụ khoảng hơn 70, cụ bảo cụ bị ung thư tử cung nhưng không có tiền chữa nên cụ cứ lang thang vậy thôi, đau thì uống thuốc giảm đau. 

Đi tới nhóm người ngồi bên đường, chúng tôi thấy có cả già, cả trẻ, cả nam và nữ nhưng mọi người đều có chung một điểm là nhìn rất mệt mỏi và đói. Trong số họ, có người là bệnh nhân nghèo vừa ra viện và chưa về được do không có xe. Có người lang thang nhặt đồ phế liệu. Có người là mẹ của một cô bé bị ung thư đang điều trị 5 năm. Có người vẫn đang điều trị ngoại trú nhưng không có tiền trọ... Tôi và Hùng phát hết số thức ăn mình có nhưng vẫn thiếu. Cùng lúc đó thì có chị trong nhóm chỉ cho chúng tôi thấy 1 em bé chừng 4-5 tuổi đang ngồi chơi. Chị bảo em bé đợi mẹ, mẹ em với chị đang đi nhặt rác nên gửi em cho những người bên đường nhờ nhìn hộ… 

Trên đường về, 2 chị em thảo luận về kế hoạch phát đồ cho hộ dân vào sáng mai, cả hai không nhắc nhiều tới những “cư dân” đặc biệt mà chúng tôi đã gặp nhưng tôi biết cả hai đều yên tâm vì tối nay, những “cư dân” này đã được ấm bụng khi đi ngủ”.

Buổi tối, Nguyễn Thanh Hùng và Nguyễn Dung đi phát đồ ăn cho người vô gia cư ở phía Nam thành phố, lại gặp hai trường hợp. Một người từ Đà Nẵng ra, một người từ Hà Giang xuống. Cả hai đều mất hết giấy tờ và giờ đây thì không có xe khách để về. Người Hà Giang thì dự định sẽ đi bộ về. Người Đà Nẵng thì chờ đợi giấy tờ gia đình gửi ra đã 20 ngày vẫn chưa thấy đâu. Muốn thuê nhà trọ cho họ cũng không được nữa. Trời thì mưa và lạnh!

Và đây là chia sẻ của Cường, thành phố Hồ Chí Minh: “Cách đây 1 năm chú vẫn đạp xích lô ở chợ Tân Bình, kiếm tiền nuôi bản thân vì những người thân cuối cùng ở Đồng Nai cũng không còn. Chiếc xích lô kiếm cơm bị “lấy mất rồi”. Chú đi ăn xin mệt ở đâu thì nằm lại ngủ ở đó. Chú ngồi chỗ tối nhất của một con đường chắc không để ý kĩ cũng chẳng ai biết chú ở đó. Hôm nay gửi lương khô và bánh bao cho chú mong ước của chú là có ít vốn bán vé số kể kiếm cơm, chứ đói quá rồi. Chú vẫn thường lui tới bệnh viện, mỗi lần hết 200-300 nghìn đồng. “Chắc là mấy bác sĩ thương hại, nên mới lấy giá đó chứ tui làm gì có bảo hiểm”. Chú đang bị tiểu đường và huyết áp. Lúc chúng em đề cập chú có muốn vào mái ấm không. Chú đã khóc, chấp nhận ngay không cần suy nghĩ gì. Chị Thúy gợi ý để cho chú lâu dài và ổn định thì xin cho chú vào một mái ấm của mấy sơ”.

 

Sự “xả thân” ấm áp

Những câu chuyện trên chỉ là một trong số nhiều câu chuyện mà các thành viên của “Quỹ Mỗi ngày một quả trứng” gặp mỗi ngày. Hành trình một ngày của các tình nguyện viên đều bắt đầu từ sáng sớm đến tối mịt, tiếp sức cho người dân vô gia cư, người nghèo và vô cùng nghèo, mất việc làm, mất thu nhập, mất nơi trú nắng mưa, thậm chí mất cả đường về quê nhà giữa tâm dịch Covid-19… Chứng kiến những thân hình chỉ còn da bọc xương, những gương mặt không nụ cười, những màn trời, chiếu đất, họ, những người trẻ ngoài những nỗi buồn đè nặng con tim, họ nhận thấy xung quanh mình còn bao nhiêu là tình yêu thương.  

Khi bắt đầu chương trình, vốn liếng là 29 triệu đồng của “Mỗi ngày một quả trứng” và một tấn lương khô của SCDI (Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng). Đến sáng sớm ngày 7/4, Quỹ có hơn 400 triệu đồng được các mạnh thường quân đóng góp đổ vào trong tài khoản.

Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc SCDI - là một trong 50 phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes Vietnam bầu chọn năm 2017, người khởi xướng “Quỹ Mỗi ngày một quả trứng” và chương trình hỗ trợ “Nạn nhân không triệu chứng” tâm sự: “Chiến dịch hỗ trợ “Nạn nhân không triệu chứng” này được làm nên bởi ba chân kiềng. Các nhà hảo tâm đóng góp, từ 20 nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng, mà mỗi lần mình nghĩ đến là trong đầu mình ngân lên từ “sẻ chia”, biết rằng nhiều người cũng đang phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế mà Covid-19 gây ra. 

 

Đội ngũ của những người thực hiện chương trình không kể sớm khuya, thời tiết mà dường như chỉ có từ “xả thân” mới có thể diễn tả hết lòng nhiệt tình và trách nhiệm - cho dù có phải đối diện với nỗi lo dịch bệnh. Và những người nhận hỗ trợ của chương trình, với sự chân thành và tấm lòng biết ơn. Không chỉ là nối liền những đứt gãy, mà chương trình đã tạo nên tấm lưới đỡ mang tên “tình người”... Và cho mình thật nhiều hy vọng”... 

Đó là niềm vui khi đám trẻ bị đuổi khỏi công viên ở Sài Gòn đã có chỗ ở an toàn và vài đứa đã được các anh chị trong chương trình kiếm cho việc làm. Quỹ đang ấp ủ thêm một mơ ước nữa, giữ chỗ trọ cho những người cần nhất: Những người hoàn toàn mất thu nhập, những gia đình có trẻ em, người già yếu, phụ nữ, đàn ông. Mỗi căn phòng trọ có giá từ 700 đồng đến 1,8 triệu đồng - cả điện nước, trung bình là 1,2 triệu đồng. Căn hầm mà nhóm chúng tôi đã đến thăm - là nơi ở của một bà cụ, kích thước chừng 60cm và 1m8 có giá 400 đồng nhưng hiếm mà kiếm được chỗ ở với giá như vậy cho dù chấp nhận điều kiện mà phòng ở chỉ rộng hơn và cao hơn chiếc quan tài chút xíu…

Và trên hành trình nối dài những yêu thương, những “lá lành đùm lá rách”, giúp đỡ người vô gia cư và người vô cùng nghèo trong và sau dịch bệnh Covid-19, là những tấm lòng, những ân tình đong đầy như thế…