Cùng chơi với con

(PLO) - Chơi là một cách để học đối với trẻ nhỏ. Qua các trò chơi, trẻ học về bản thân và khám phá thế giới xung quanh, hình thành mối liên hệ giữa các giác quan, nâng cao khả năng quan sát và lý giải. Vì thế, các bậc phụ huynh hãy cùng chơi với con mình, không chỉ để tạo thêm những giây phút vui vẻ cùng con cái, gắn bó tình cảm với con cái mà còn góp phần bồi dưỡng trí tuệ, thể lực cho con.

1. Từ 0 đến 1 tuổi.

Bố mẹ cần tận dụng cơ hội tối đa để chơi cùng con. Đồ chơi đầu tiên của bé không phải là thứ đồ chơi đắt tiền, mà là những vật dụng rất dễ tìm ở xung quanh, thậm chí là chính bản thân bạn cũng là thứ “đồ chơi” hấp dẫn trẻ.

Trong tuần đầu tiên, bạn có thể chơi với bé bằng cách đưa qua đưa lại trước mắt bé (ở khoảng cách gần) một tờ giấy màu đỏ/trắng/đen, hoặc có thể chỉ bằng một ngón tay của bạn. Việc làm này sẽ giúp bé rèn luyện thị lực, đồng thời kích thích não bé phát triển. Đôi mắt, khuôn mặt biểu cảm, giọng nói của bạn cũng sẽ là trò chơi thích thú với bé trong tháng đầu tiên. 

Từ 0 đến 1 tuổi, trẻ sẽ dùng mọi giác quan, nhìn, ngửi, nếm, cảm nhận và nghe ngóng để khám phá thế giới quanh mình. Các bậc phụ huynh nên cố gắng tạo điều kiện để có thể tận dụng tối đa các giác quan của trẻ trong các trò chơi. Trong việc trò chuyện với con, dù có thể bé không hiểu, nhưng bạn cần mô tả thật nhiều. Việc nói chuyện nhiều với bé không chỉ kích thích trí óc non nớt của bé, mà còn giúp trẻ tích luỹ vốn từ.  

Trong tuổi thôi nôi, các bé cũng rất cần những trò chơi vận động để phát triển thể lực. Bố mẹ có thể giúp bé bằng việc mát-xa cho trẻ hàng ngày, giúp trẻ tập lẫy, tập ngồi, và khuyến khích những bước đi chập chững đầu tiên của trẻ. Những sự phát triển tưởng như tất yếu này của mỗi con người, sẽ vô cùng hữu ích nếu như có thêm sự giúp đỡ của bố mẹ. Bằng một thứ đồ chơi hấp dẫn, một ánh mắt khích lệ của bố mẹ... rất có thể bé sẽ tặng lại bố mẹ một món quà vô giá bằng sự nỗ lực của mình.

2. Từ 1 – 3 tuổi

Ở tuổi này, các bé rất tò mò về những thứ xung quanh và cải thiện những kỹ năng tự vận động của mình. Đối với lứa tuổi này, chúng muốn khám phá tất cả thế giới.  Mọi thứ xung quanh trở đều trở nên vô cùng hấp dẫn đối với trẻ. Con bạn sẽ thích thú những thứ chuyển động như đổ nước qua kẽ tay, trộn lẫn các thứ vào nhau, xé giấy... Trẻ sẽ tự trải nghiệm và phân biệt được to nhỏ, vuông tròn. Đây là sự khởi đầu quan trọng cho cách trẻ tư duy sau này. 1 đến 3 tuổi cũng là giai đoạn thích hợp để bố mẹ cho trẻ chơi những loại đồ chơi bắt đầu cần đến sự “tính toán” của trẻ như hộp thả hình, đồ chơi xếp hình khối.Trò chơi với nước, với cát cũng rất thích hợp với bé, giúp bé phát triển tư duy về nguyên nhân, kết quả, phân biệt dạng vật chất. Trong bồn tắm, thậm chí chỉ là một lần tham gia rửa bát cùng mẹ cũng có giá trị rất lớn đối với bé. 

Những câu truyện cổ tích, bắt đầu phát huy giá trị rõ ràng trong tư duy của trẻ chuẩn bị lên 3. Bố mẹ cũng cần tiếp tục trò chuyện với con bằng những câu nói nhiều tính từ, nhiều từ miêu tả, biểu cảm. 

Để phát triển thể lực cho trẻ, bạn nên tạo cơ hội cho trẻ nhảy nhót, leo trèo, đuổi theo những quả bóng. Bất kể nắng mưa hay trời lạnh, bé ở tuổi chập chững cũng cần sự kích thích từ thiên nhiên và có cơ hội để tiêu thụ năng lượng trong cơ thể, vì thế, bố mẹ cần sắp xếp thời gian biểu hợp lý để có những khoảng thời gian hoà cùng thiên nhiên với con.

.3. Từ 3 – 5 tuổi

Những trò chơi bắt chước thực sự rất thú vị với các bé ở độ tuổi này.  Bé thích mô phỏng lại những gì bé nhìn thấy trong cuộc sống hàng ngày. Hãy hưởng ứng con trong những trò chơi tập làm ca sỹ, làm cô giáo, làm bác sỹ. Các bà mẹ cũng có thể cho các cô con gái của mình tham gia trò chơi trong gian bếp vào thời gian chuẩn bị bữa cơm. Các bé trai có thể bắt chước bố trong việc sửa xe, sơn sửa nhà cửa... Ở lứa tuổi này, trẻ  tích luỹ kiến thức, khám phá cuộc sống quanh mình phần lớn là qua các câu hỏi. Cuối giai đoạn này là lúc bạn bắt đầu cùng con tham gia các trò chơi theo kiểu “chơi mà học” để con làm quen với việc học tập một cách nghiêm túc. Các bé cũng có thể bắt đầu làm quen với việc lao động qua các trò chơi cùng bố mẹ. Bố mẹ có con chuẩn bị đến lứa tuổi này cũng cần chuẩn bị tinh thần để chơi với bé trong những trò chơi hỏi/ đáp mà nhiều khi phần thua cuộc thuộc về các bậc phụ huynh. 

Đọc thêm