Cuộc chiến giành lại vỉa hè: “Một bàn tay không vỗ nên tiếng”

(PLO) -“Nỗ lực lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè” là một trong 10 sự kiện trong danh sách 10 sự kiện tiêu biểu của năm 2017 được Sở TT&TT TP HCM lựa chọn (dựa trên tổng hợp góp ý từ các cơ quan báo chí) trình UBND TP phê duyệt.


Giữ trật tự vỉa hè để đảm bảo an toàn cho người dân và cảnh quan đô thị
Giữ trật tự vỉa hè để đảm bảo an toàn cho người dân và cảnh quan đô thị

Đây không chỉ là nỗ lực của TP HCM mà nó đã thực sự thúc đẩy nỗ lực của chính quyền nhiều tỉnh, TP trong “cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi bộ” năm qua. Đáng tiếc là đến nay dường như trật tự vỉa hè, nhất là ở Hà Nội và TP HCM lại đang có xu hướng “quay về điểm xuất phát” khi nhân vật “tái khởi xướng” cuộc chiến này đã nộp đơn xin từ chức để thực hiện lời hứa “không dẹp được vỉa hè sẽ cởi áo về vườn”.

Quyết liệt “cuộc chiến vỉa hè”

Trong suốt 10 tháng đầu của năm 2017, bắt đầu vào ngày 16/1 tại quận 1, TP HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh, TP đồng loạt có các chỉ thị với những yêu cầu quyết liệt, các chỉ đạo “xử lý người đứng đầu”, các đợt cao điểm để lập lại trật tự, chống lấn vỉa hè, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ và “làm đẹp” bộ măt đô thị. Mức độ sôi nổi, quyết liệt của nỗ lực này đã đạt đến mức mà người dân gọi là “cuộc chiến giành lại vỉa hè”, đặc biệt tại Hà Nội và TP HCM – hai đại đô thị có hành vi lấn chiếm vỉa hè để buôn bán và phục vụ các nhu cầu cá nhân sầm uất nhất trên cả nước.

Sau khi ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TPHCM) dẫn đầu đoàn công tác gồm Quản lý trật tự đô thị, Công an quận 1 ra quân, chỉ đạo xử lý nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên địa bàn, nhiều quận khác trên địa bàn TP HCM như quận 3, Phú Nhuận, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú... đồng loạt ra quân kiểm tra và xử phạt các trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè, trả lại lối đi cho người đi bộ. Họp chỉ đạo 23 quận, huyện trên địa bàn TP đồng loạt ra quân trong chiến dịch giành lại vỉa hè, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, “Đơn vị hành chính nào còn để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường thì đơn vị đó sẽ tự chịu trách nhiệm”.

Công tác lập lại trật tự lòng, lề đường quận 1 TP HCM  đã lan ra cả nước. Chưa bao giờ nỗ lực giành lại vỉa hè lại được thực hiện rộng khắp, quyết liệt như vậy và Thủ tướng Chính phủ cũng đã đánh giá tốt, chỉ đạo các địa phương khác thực hiện... như TP HCM “nhưng cũng không thể làm đầu voi đuôi chuột”. Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cũng gửi công điện chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, kiên quyết không để tái diễn vi phạm...

Ở Hà Nội, tại Hội nghị quán triệt kế hoạch của TP về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm trật tự giao thông, đô thị tháng 3/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định mạnh mẽ: “Nếu lần này không dẹp được lấn chiếm vỉa hè, ông sẽ chỉ đích danh chỗ nào là của bí thư quận, chỗ nào của chủ tịch quận, chỗ nào có trưởng công an phường và kể cả lãnh đạo sở cũng có người nhà liên quan”. Tiếp đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu các phường, quận phải kiểm tra chéo lẫn nhau sau lập lại trật tự vỉa hè lần này, để không bị tái lấn chiếm vỉa hè. 

Thất bại trước… lợi ích?

Nhưng chỉ đến khi ông Hải “phải ngưng xuống đường vì bị hai văn bản của Quận ủy quận 1 và UBND quận 1” thì “cuộc chiến” lắng xuống… đến nay. Nhiều tuyến phố trung tâm quận 1 TP HCM bị tái chiếm… Trong đơn từ chức, ông Đoàn Ngọc Hải giải thích nguyên nhân khiến ông thất bại là: “Việc xử lý hành vi lấn chiếm lòng, lề đường đã động chạm đến lợi ích rất to lớn hàng ngàn tỉ của các bãi ôtô, xe gắn máy, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền... và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó”.

Trong khi chờ đơn xin từ chức được duyệt, tuần qua, ông Đoàn Ngọc Hải đã có văn bản tạm đình chỉ hoạt động 48 bãi trông giữ xe lấn chiếm vỉa hè và chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý các điểm giữ xe trên địa bàn quận 1. Theo đó, tất cả các bãi xe không phép, trái phép, thu giá quá quy định bị chấm dứt hoạt động ngay trong ngày 11/1. Còn đối với các bãi giữ xe có giấy phép do các phòng, ban, đơn vị trực thuộc quận 1 đứng tên sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động trong ngày 11/1 để có hướng xử lý. Nhưng dự kiến văn bản này có lẽ không được thực thi hiệu quả như mong muốn vì không “ông chủ” thực sự nào của các bãi trông giữ xe sẵn sàng từ bỏ những lợi ích khổng lồ chỉ vì “đường thông hè thoáng” cho người đi bộ.

Ở Hà Nội, tình trạng giữ xe trái phép, lấn chiếm vỉa hè cũng là thách thức với lực lượng chức năng trong việc lập lại trật tự vỉa hè. Mỗi năm TP đều có hoạt động ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường. Hàng ngày, lực lượng chức năng vẫn “rà soát” các tuyến phố trung tâm TP, các trục giao thông chính tại các quận, huyện nhưng vỉa hè vẫn bị lấn chiếm cho những hoạt động “vì miếng cơm, manh áo”, vì điều kiện sống chật chội… 

Trong thời gian khi cuộc chiến giành lại vỉa hè còn “sôi nổi”, nói về tình trạng giữ xe trái phép, lấn chiếm vỉa hè, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói: “Các đồng chí bí thư, chủ tịch quận, phường ngồi đây có dám cam đoan với tôi là các bãi giữ xe ở địa phương không có người nhà hay không có bãi giữ xe của ông bí thư, chủ tịch quận, phường không? Có đó các đồng chí. Tôi xin nói với các đồng chí đều có cả!”. Rồi ông cứng rắn đưa lời cảnh báo: “Các đồng chí phải là người quán triệt, giáo dục, bảo người nhà chấm dứt là giảm nạn chiếm vỉa hè. Nếu lần này các anh không làm, tôi sẽ chỉ đích danh bãi giữ xe nào của ông bí thư, chủ tịch quận, nơi nào của ông chủ tịch phường...”.

Mới đây nhất, theo quyết định của UBND TP Hà Nội về giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô trên địa bàn TP, từ 1/1, giá trông giữ xe máy tại các quận ở Hà Nội sẽ tăng lên mức 3.000 - 5.000 đồng/xe/lượt với ban ngày và từ 5.000-8.000 đồng vào ban đêm. Giá trông ôtô dưới 9 chỗ tại 12 tuyến phố “lõi” của quận Hoàn Kiếm như Lý Thái Tổ, Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Hàng Đào, Hàng Đường… là 60.000 đồng một lượt 2 giờ (trước đây là 30.000 đồng một lượt hai giờ); 3 triệu đồng/tháng vào ban ngày; 4 triệu đồng/tháng gửi cả ngày và đêm. 

Quyết định này làm các bãi xe “dù” tận dụng lòng đường, vỉa hè có cơ mọc ra để giúp người dân “né” mức phí vừa tăng. Lợi nhuận lên đến hàng tỷ đồng từ các bãi xe này tất nhiên không vào ngân sách nhà nước, còn người dân vẫn không có vỉa hè, trật tự đô thị bị coi thường và bộ mặt phố phường vẫn nhếch nhác. Rõ ràng, có tình trạng bảo kê, “tham nhũng vỉa hè” và những giải pháp được thực hiện mới chỉ ở phần ngọn, chưa “sờ” được đến bộ rễ ẩn sâu đang bao bọc các lợi ích thu được từ việc lấn chiếm vỉa hè nên cuộc chiến giành lại vỉa hè mới bị thất bại. Và sau một năm ồn ào với cuộc chiến này, người đi bộ lại tiếp tục phải đi dưới lòng đường hoặc nếu muốn đi trên vỉa hè thì phải “lạng lách” trong ma trận hàng quán, phương tiện dừng, đỗ, các bãi trông giữ xe có phép và tự phát cùng hàng trăm thứ vật dụng của người dân sống ở mặt tiền các dãy phố. Cũng vì thế mà quy định xử phạt người đi bộ do đi không đúng phần đường cũng chỉ đặt ra cho có vì vốn dĩ họ đâu có vỉa hè để mà đi cho đúng!

Cần dân tự giác và chính quyền gương mẫu 

Nhìn từ góc độ đời sống của người dân tại đô thị đông đúc, chật chội như Hà Nội, TP HCM, muốn có trật tự vỉa hè, TS Đinh Thị Thanh Bình, Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải (Đại học Giao thông vận tải Hà Nội) cho rằng, cần có sự linh hoạt trong cấp phép sử dụng vỉa hè cho các mục đích kinh doanh văn hóa như: quầy sạp báo, hàng ăn uống… ở những nơi không ảnh hưởng đến trật tự giao thông hoặc bố trí một số khu vực nhất định để vừa tạo điều kiện mưu sinh cho người dân vừa đảm bảo mỹ quan đô thị.

Còn ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban đô thị HĐND TP Hà Nội cho rằng, để giải quyết được tình trạng lấn chiếm vỉa hè, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống. “Chỉ khi người dân tự giác, cơ quan và lực lượng thực thi gương mẫu, khi đó trật tự vỉa hè mới được quản lý theo đúng nghĩa” - ông Nguyễn Nguyên Quân khẳng định.

Trong một bài viết “Làm thế nào để “cuộc chiến giành lại vỉa hè” thắng lợi?” đăng trên Báo Pháp luật Việt Nam khi cuộc chiến này thoái trào, tác giả Nguyễn Hữu Châu nhận định: “Chính quyền phải thực hiện nghiêm túc quy họach phát triển đô thị một cách khoa học. Hạn chế tối đa việc xây nhà cao tầng ở trung tâm vì gây ùn tắc giao thông. Chỉ đạo khôi phục vật cảnh bó vỉa hè cao 30cm (đã có hàng trăm năm nay) để hạn chế các loại xe leo lên vỉa hè…

Cùng với đó, TP HCM cùng với TP  Hà Nội cần sớm xây dựng tiêu chí của phố đi bộ và cần vận dụng, học tập làm theo mô hình đã có ở các nước như Pháp, Nga, Singapore, Nhật Bản...  Hoàn chỉnh mô hình từ thực tiễn của quận 1 và quận 3 TP HCM để nhân ra diện rộng. Kỳ vọng về cuộc chiến thiết lập lại trật tự an toàn giao thông, giải tỏa lòng lề đường thực sự cần phải có một lộ trình hợp lý trước mắt và cả lâu dài”.