Cuộc đời điền chủ Long An chôn sống người để trấn yểm lòng kênh

Thời phong kiến mê muội còn cho phép mua người “mọi” (người dân tộc vùng cao) về làm tôi đòi, ông Hóng cho đổ đầy một ghe tiền kẽm, mổ bụng hai người “mọi”, dồn tiền vô bụng, rồi bỏ lên ghe dìm xuống lòng kênh để “trấn yểm”. Từ ấy, những đêm trăng sáng, những người thợ chài bắt cá trên kênh thường gặp những bóng người, chèo thuyền đi trong sương mờ.

Gia sản khổng lồ đến mức bốn người giàu nhất Nam Kỳ cuối thế kỷ 19 là “Nhất Sĩ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định” góp lại tài sản cũng chỉ bằng một phần ngàn, vậy mà cuộc đời vị điền chủ giàu nhất Nam kỳ nay chỉ còn lại một vài tàn tích le lói.

nn
Những con kênh như mạch máu của miền Tây Nam Bộ (Hình: Nguyễn Vinh Hiển)

Phép lạ đèn trời

“Ba phen Quạ nói với Diều/ Ngả kênh ông Hóng có nhiều vịt con”. Câu ca dao Nam bộ nói lên sự giàu có, trù phú của dòng kênh, vùng đất được khẩn hoang ngay thời kỳ đầu tiên của Nam bộ. Kênh ông Hóng ở Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An mang trong lòng những truyền thuyết huyền thoại dấu tích của thời mở cõi.

Huyện Tân Trụ nằm kẹp giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Từ thế kỷ 17 - 18, đây là một trong những vùng đất được khai hoang sớm nhất Nam Bộ. Theo chính sách doanh điền, quân điền của triều Nguyễn, vùng đất này sớm định hình các đồn điền trù phú. Tại đây, có một cự phú giàu nhất Nam Kỳ được mệnh danh là ông Hóng.

Theo ông Đào Văn Hội, tác giả sách “Tân An ngày xưa”, thì bốn người giàu nhất Nam Kỳ cuối thế kỷ 19 là “Nhất Sĩ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định” góp lại tài sản cũng chỉ bằng một phần ngàn ông Hóng.

Ông Hóng tên thật là Phan Văn Nghêu, người gốc miền Trung, vào Nam khẩn hoang rồi trở nên giàu có thành cự phú trong vùng. Tên ông Hóng được người đương thời đặt cho là chỉ tiền bạc của ông nhiều như khói bồ hóng trong giàn bếp mọi nhà.

Theo những câu chuyện truyền đời ở vùng đất này, ông Nghêu khởi đầu là một người canh điền làm thuê cho một điền chủ trong vùng. Tính tình chất phát, làm lụng siêng năng, để dành được chút ít tiền nên ông được chủ điền cho một miếng đất nhỏ để cất nhà và cho thuê ruộng.

Ông Nghêu dọn miếng đất chủ cho, dựng bốn cây cột chuẩn bị cất nhà. Đêm ấy, chủ điền thức dậy thấy miếng đất của “người đầy tớ” sáng rực bốn ngọn nến to. Giận vì “tay chân” của mình mới có chút đỉnh tiền bạc đã hoang phí, chủ đất kêu dậy để rầy la.

Nhưng đến lượt lão nông nghèo ngạc nhiên bần thần khi nhìn thấy bốn cây đèn cầy cực lớn cháy sáng rực trên bốn cây cột nhà mình. Ông phân trần với chủ điền xưa nay ông chưa từng xài tới đèn cầy, mà muốn có thì cũng không đủ tiền mua đèn cầy. Ông chủ điền hiểu ra, về nhà thảng thốt với vợ: “Đây là điềm trời báo hiệu”.

Dự đoán lão nông tên Nghêu sẽ giàu tột bực đã sớm thành sự thật. Từ đó năm nào ông Nghêu cũng trúng mùa. Bao nhiêu điền đất của vị điền chủ kia và nhiều điền đất khác trong vùng lần lượt về tay ông. Khi Nguyễn Ánh đóng quân ở Phủ lỵ Tân An, cho người đến ngỏ lời giúp cho “bữa cháo”, ông Nghêu,  đã đốc suất dân đào kênh, cho đoàn ghe lườn hàng chục chiếc chở lương cho chúa Nguyễn suốt 3 tháng trời.

Hồn ma oán thán tỉ phú độc tài

Giàu có đến mức mấy, nhưng tài sản của ông Hóng đã tiêu tan chóng vánh. Chỉ sau 3 đời, nghĩa là khoảng hơn 100 năm, đến thế hệ cháu cố của ông, cơ ngơi chỉ còn lại mảnh ruộng rộng mấy ngàn mét vuông, trên có phần mộ của ông và ngôi nhà lá rách nát.

Theo một tài liệu ghi lại cách đây hơn sáu thập niên, người ta đã đến thực tế tại làng Bình Lãng, gặp Phan Văn Chơi là cháu 3 đời của ông Hóng. Ông Chơi đã đưa khách đến phần mộ của gia đình ông Hóng, gồm bốn ngôi mộ cổ xây từ đời Gia Long hình mái nhà. Phía trước mộ có bình phong, hồ bán nguyệt, phía sau có tường thấp bao 3 mặt.

Mộ vợ chồng ông Hóng còn lờ mờ vết đắp nổi hình con cù (rồng con), con phụng. Mộ hai người con ông Hóng bị nứt nẻ, lòi cả hòm (quan tài) ra ngoài. Toàn cảnh bốn ngôi mộ của gia đình giàu có đã từng nuôi dưỡng cả một đạo quân, giàu nhất Việt Nam, giờ chỉ là dấu tích hoang phế đổ nát.

Người cháu của cự phú đã mời khách vào thăm nhà. Đó là ngôi nhà lá rách nát bốn bề, trong nhà chỉ còn lại dấu tích thời vàng son là cái bàn thờ trang nghiêm với tấm biển có hai chữ “Thọ dân” do vua Minh Mạng ban tặng.

Ông Chơi cũng không giải thích được nguyên nhân sự phá sản của tổ tiên. Ông chỉ biết rằng theo sổ bộ, phần lớn những ruộng đất đứng tên ông nội ông là Phan Văn Nghị ở khắp Tân Trụ và nhiều vùng đất khác, giờ đã thành ruộng của Huyện Sĩ (Lê Phát Thanh), hoặc ruộng công điền.

Theo cuốn sách “Tân An ngày xưa”, tác giả Đào Văn Hội lý giải việc phá sản này bằng nguyên nhân tâm linh.

Theo đó, tính khí của ông Hóng rất bất thường. Khi đi thăm thú trong vùng, gặp người tá điền nghèo khổ, ruộng thất mùa, trâu chết vì dịch bệnh, vợ đau, con rách rưới, ông thường lấy cho mấy lạng bạc làm vốn, hẹn năm sau làm ăn khá sẽ trả lại.

Đúng năm sau, ông Hóng quay lại, thấy ngôi nhà đã khang trang đầy sinh khí, trâu khỏe mạnh, vịt gà đầy vườn, lúa đầy bồ. Vợ chồng người tá điền đội ơn ông, nay xin trả nợ. Thế nhưng ông không lấy, mà ngược lại, bảo họ nếu cần vốn, ông sẽ cho thêm.

Ngược lại, gặp kẻ bê bối rượu chè cờ bạc, nợ nần, ông đánh chết tươi rồi cho gia nhân đem tiền đến bồi thường nhân mạng. Thế lực của ông quá lớn nên chẳng ai dám thưa kiện. Thời phong kiến mê muội còn cho phép mua người “mọi” (người dân tộc vùng cao) về làm tôi đòi, ông Hóng cho đổ đầy một ghe tiền kẽm, mổ bụng hai người “mọi”, dồn tiền vô bụng, rồi bỏ lên ghe dìm xuống lòng kênh để “trấn yểm”.

Từ ấy, những đêm trăng sáng, những người thợ chài bắt cá trên kênh thường gặp những bóng người, chèo thuyền đi trong sương mờ. Khi hai xuồng cặp nhau, bóng người lạ móc từ trong bụng ra một nắm tiền trao cho thợ chài, nhưng tiền vừa chuyền qua tay người chài thì tan ra thành khói, bóng người lạ cũng tan trong sương.

Tác giả sách cho rằng do giàu nhưng không tích đức, nên tiền của ông Hóng mau tiêu tán.

Tác giả Đào Văn Hội nguyên là công chức cao cấp của chính quyền thuộc địa ở Đông Dương, từng là chủ quận Đức Hòa sau ngày Nam Kỳ Khởi nghĩa, nắm khá vững chính sách khai thác thuộc địa ở Đông Dương.

Nhưng có lẽ ông quên, hoặc né tránh những chính sách của nhà cầm quyền Pháp ở Nam Kỳ khi lý giải vấn đề này. Có cách giải thích rõ ràng, hợp lý hơn về sự nghèo đi bất ngờ của ông Hóng, cũng như sự giàu có bất thường của gia đình huyện Sĩ.

Theo tài liệu của nhà văn Sơn Nam trong cuốn “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, thì sau khi đã chiếm toàn cõi Nam Kỳ, chính quyền thuộc địa đã ra nghị định buộc các chủ ruộng phải đăng bộ lại đất đai điền sản trong thời hạn 3 tháng, quá thời hạn này ruộng đất không đăng ký sẽ bị sung công thành công điền, hoặc bán phát mãi.

Trong thực tế, trong buổi đầu Pháp xâm chiếm miền Nam, phần lớn những điền chủ ở Nam bộ đã tham gia các phong trào khởi nghĩa của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, hoặc chí ít cũng đóng góp vật lực tài sản cho khởi nghĩa, kháng chiến nên rất ít người ra đăng ký đất đai theo nghị định này. Vùng Tân Trụ kéo dài xuống đến Gò Công là căn cứ địa chiến lược của nghĩa binh Trương Định, Nguyễn Trung Trực. Vàm Nhật Tảo, điểm bắt đầu của kênh ông Hóng chính là nơi ghi chiến tích đốt cháy chiến hạm Expérance của Pháp.

Chính vì vậy, hầu hết các điền chủ vùng này đều bất hợp tác, không đăng ký đất đai với Pháp và bị mất đất về chủ trương này. Huyện Sĩ (nguyên là thông ngôn của Pháp), Tổng đốc Phương và một số địa chủ mới ở Nam Bộ đã giàu lên nhanh chóng nhờ mua phát mãi những ruộng đất bị trưng thu và bán với giá rẻ như cho không. Cái lý lẽ mà cháu 3 đời ông Hóng đã trần tình ruộng đất do ông nội đứng bộ đã về tay Huyện Sĩ, hoặc thành ruộng công điền, hẳn là do nguyên nhân này.

Phép màu kênh ông Hóng

Con kênh xưa, giờ vẫn còn mang tên là kênh ông Hóng, bắt đầu từ Sông Vàm Cỏ Tây (là ranh giới giữa Bình Tịnh và Bình Lãng), chạy dài qua phía đông, đổ ra Vàm Nhật Tảo của sông Vàm Cỏ Đông. Dù sao thì ông Hóng cũng để lại cho đời sau một dòng kênh không chỉ có nhiều vịt con như câu ca dao, không chỉ để vận quân lương cho Nguyễn Ánh, mà trong thời đầu mở cõi, cho đến khi Pháp xâm chiếm miền Nam, nó là thủy lộ quan trọng nối liền Sài Gòn và Đồng bằng sông Cửu Long ở đoạn nối hai sông Vàm Cỏ Đông – Vàm Cỏ Tây.

Dòng kênh gắn với câu chuyện về ông Hóng
Dòng kênh gắn với câu chuyện về ông Hóng

Mãi đến khi Pháp cho đào kênh Chợ Gạo và kênh tắt Thủ Thừa, vai trò giao thông thủy của kênh ông Hóng mới giảm đi, chỉ còn lại là thủy lộ của vùng Tân Trụ. Nhưng dòng kênh vẫn có vai trò quan trọng khác là cung cấp nguồn nước cho nông nghiệp của cả vùng.

Vào thập niên 1980 – 1990, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Tân Trụ thực hiện chủ trương đa dạng hóa và thâm canh trên vùng đất vốn chỉ độc canh cây lúa. Nghiên cứu các yếu tố thổ nhưỡng đất đai, địa lý thủy văn của vùng này, vấn đề khó khăn nhất trong chuyển vụ, tăng vụ là nguồn nước. Do nằm ở phía hạ lưu sông Vàm Cỏ nên một năm, vùng có sáu tháng nước mặn.

Từ kinh nghiệm dân gian, ở hai đầu kênh ông Hóng, người ta phát hiện ra nước sông Vàm Cỏ Tây nhiễm mặn chậm hơn phía Vàm Cỏ Đông một tháng. Từ phát hiện này, Tân Trụ đã đào nhiều kênh dẫn nước từ Vàm Cỏ Tây qua phía Vàm Cỏ Đông, tận dụng một tháng nước ngọt này để tăng thêm một vụ lúa hoặc một vụ màu.

Từ đó đến nay, Tân Trụ đã có thêm vụ dưa hấu Tết và nhiều loại nông sản mới. Ngay ở Bình Lãng, vùng đất của kênh ông Hóng, đã trở thành vùng chuyên sản xuất lúa giống năng suất cao và hình hành tổ hợp tác sản xuất lúa giống cho khu vực phía Nam, đời sống người dân đã được nâng lên một bước.

Ví dụ như theo một báo cáo về phát triển kinh tế tập thể ở các tỉnh Tây Nam Bộ năm 2007 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn: “Tổ hợp tác sản xuất giống lúa Bình Đức (xã Bình Lãng) đã có tới 46 hộ sản xuất giống lúa, diện tích sản xuất trên 100 ha, doanh thu hàng tỉ đồng”. Những kết quả này có phần công lao, dấu tích của vị đại địa chủ “tiền nhiều như hóng bếp”.

Lịch sử không thể thay đổi, nhưng những câu chuyện ngày xưa vẫn được truyền tụng, để người ta thông hiểu, cảm thấy yêu mảnh đất quê hương mình hơn.

Anh Thư

Đọc thêm