Cuộc đời huyền thoại của anh bộ đội trở thành già làng ở Tây Nguyên

(PLO) -“Một người Kinh trở thành già làng ở Tây Nguyên. Cuộc đời ông là cả một huyền thoại. Hay lắm!”, là câu giới thiệu đầy tò mò mà những cựu binh Đà Nẵng vẫn thường dùng để nói về Ama Trang (tên thật Phạm Thành Hân, SN 1928, quê Quảng Nam, ngụ quận Hải Châu, Đà Nẵng). 
Già Ama Trang hiện tại.
Già Ama Trang hiện tại.

Gần 70 năm trước, ông từng được tế sống, giấy báo tử đã gửi về quê nhà, người thân đã lập di ảnh thờ mà không ngờ, ông vẫn đang đi chiến đấu cho ngày non sông thống nhất. Hình ảnh hào hùng của ông vẫn vẹn nguyên như một cuốn tiểu thuyết đã xuất bản…

Quá khứ hào hùng

Biết ông ở đường Hoàng Đức Trí (TP Đà Nẵng), nhưng hỏi cả khu phố cái tên Phạm Thành Hân, ai cũng lắc đầu. Chỉ khi nhắc đến Ama Trang, mọi người mới à lên.  

Ama Trang (Ama theo tiếng Ê Đê có nghĩa là cha, Trang là tên con gái đầu của ông-PV), sinh ra ở xã Điện Nam (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Mấy mươi năm nay, ông đã về sống ở phố thị nhưng hàng xóm, đồng đội vẫn trìu mến gọi bằng cái tên mang rặt âm hưởng của núi rừng chỉ những già làng ở Tây Nguyên mới có. 

17 tuổi, chàng thanh niên Phạm Thành Hân tình nguyện viết đơn lên đường tòng quân theo tiếng gọi của Tổ quốc. Ngày 22/8/1945, ông chính thức trở thành Bộ đội Cụ Hồ, chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Nhiều “cứ điểm lửa” trên tuyến đường 19 Gia Lai- Bàu Cạn, vùng An Thạch, Tú Thủy, Cửu An, Canăk (An Khê, Tây Nguyên) … đều in dấu chân của ông. 

Năm 1948, ông tham gia chiến dịch Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp tại mặt trận Quảng Nam- Đà Nẵng, tham gia các trận đánh ở Túy Loan, Hải Vân, Eo Ngựa Hòa Vang và phục kích đường 14, đèo Hải Vân… Cuối tháng 12/1949 (âm lịch), ông trở thành chiến sĩ quyết tử quân của Đại đội 10 quyết tử. 

Sau lễ “truy điệu sống” tại chân Bà Nà- Núi Chúa, đại đội của ông di chuyển xuống chân núi Phước Tường chờ đêm tối tấn công vào nội thành Đà Nẵng. Đêm 29 Tết, toàn đại đội quyết tử quân trực tiếp vào đồn địch tiêu diệt trên 50 tên giặc Pháp và lính lê dương.

Sau cuộc tập kích bất ngờ, địch phản công mạnh. Trong quá trình cùng đồng đội rút lui, may mắn, Ama Trang được một người giúp đỡ nấp vào hố ga, đổi trang phục bằng bộ bà ba rồi đưa lên núi trở lại đơn vị. 

Lúc này, tình hình chiến sự diễn ra rất ác liệt. Ông cùng đơn vị nhận được lệnh điều động chi viện cho nước bạn Lào anh em. Chiến đấu tại chiến trường Hạ Lào, trong một trận chiến với địch ông bị thương nặng, được chuyển về Khu 5 chữa trị. Trong thời gian điều trị tại Quảng Ngãi, ông gặp cô y tá Nguyễn Thị Hoa rồi nên duyên vợ chồng.

Trên đường tập kết ra Bắc, Ama Trang cùng đồng đội dừng chân tại huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, ông được bầu làm Chính trị viên C rồi làm Chủ tịch Hội đồng thương binh kiêm Bí thư Chi bộ. Từ năm 1956, ông được cử đi học Trường trung cấp Ngoại ngữ. Sau khi kết thúc khóa học, năm 1958, Ama Trang làm phiên dịch, Phó Chủ nhiệm, Bí thư Chi bộ khu chuyên gia Việt Trì. 

Sau đó, ông được cử đi công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh, nhưng ông từ chối xin trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu. Giấu chuyện mình bị thương, ông cùng đồng đội băng rừng lội suối, song không may vết thương tái phát, ảnh hưởng đến việc hành quân. 

“Khi biết tôi nói dối, chỉ huy của đơn vị đã kỷ luật, thông báo sẽ chuyển tôi trở lại ra Bắc. Nghe nói thế tôi sợ lắm, nên cứ thiệt lòng mình: “nếu lời nói dối để sống sung sướng, tội bị kỷ luật cũng đúng, đằng này tôi làm vậy để được đi chiến đấu giải phóng quê hương, chịu cực khổ, tôi không đáng bị kỷ luật. Nghe tôi nói, chỉ huy xiêu lòng cho ở lại, tôi mừng hết lớn”, ông già Ama Trang nhớ lại. 

Tuy nhiên, giọng ông chùng xuống: “Xin được cấp trên xong nhưng cái khó hơn là phải thuyết phục được gia đình. Để quay vào miền Nam tôi đành nói dối vợ con trốn đi. Đó chính là điều tôi trăn trở, ân hận nhất”.  

Già Ama Trang khi còn chiến đấu tại Tây Nguyên.
Già Ama Trang khi còn chiến đấu tại Tây Nguyên.

Người kinh làm già làng Tây Nguyên!

Cuối năm 1958, ông Hân trở lại chiến trường Tây Nguyên lần thứ 2 và cũng không ngờ mình gắn bó với mảnh đất này lâu đến thế. Cái tên Ama Trang cũng bắt đầu từ đây. Ông cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với bà con đồng bào Ê Đê. Ông dạy chữ cho trẻ con, dạy dân cách trồng trọt. Ông cùng đồng bào nhiều lần phục kích khiến cho địch hoang mang lo sợ mỗi khi xâm nhập vào vùng đất của người Ê Đê. 

Để bày tỏ yêu thương, kính trọng, dân bản trìu mến đặt cho ông cái tên và gọi Già làng Ama Trang. Lấy được tình cảm đồng bào, ông tiếp tục hành trình đi từ buôn làng này đến buôn làng khác để tuyên truyền ý thức cách mạng cho người dân. 

Đồng đội Ama Trang cho biết, những ngày đầu tiên gieo hạt giống cách mạng trên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ama Trang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông không bao giờ kể, ông chỉ nói về tình cảm mà người dân nơi đây dành cho mình.

“Cái tên Ama Trang của tôi do các già làng ở buôn Đêlêza thương đặt cho. Tôi nhớ mẹ Ami Dư, bà thương tôi như con trong nhà, ngày bà mất tôi đi công tác ở vùng khác nhưng mọi người vẫn chờ tôi về mới tổ chức đưa tang. Rồi ông Mười Nguyên, Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk đã đem chiếc đài radio duy nhất của mình tặng lại cho tôi”, già Ama Trang kể. 

Hoạt động tích cực, xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng nên Ama Trang trở thành cái gai trong mắt địch, chúng treo thưởng rất nhiều muối, vải và tiền cho ai chỉ điểm và bắt được ông. Thế nhưng Ama Trang là con của buôn làng, nên mọi âm mưu của chúng đều thất bại. Không chỉ được buôn làng thương mà nhiều cô gái còn đem lòng yêu người thanh niên dung cảm này. 

“Có cô gái đến cầu hôn nhưng lúc đó tôi đã có vợ rồi, với lại nhiệm vụ mà Đảng giao tôi vẫn chưa hoàn thành nên tôi nói với cô ấy đợi đến khi nào đất nước độc lập”, Ama Trang thuật lại. 10 năm gắn bó với Tây Nguyên, già Ama Trang lần lượt đảm trách qua nhiều chức vụ quan trọng từ cán bộ tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk, Bí thư Huyện ủy huyện Nam Sông Ba (Đắk Lắk)... 

Năm 1965, ông bị thương nặng phải nằm điều trị trong một bản làng mãi trong rừng, vợ ông ở ngoài Bắc nhận được tin ông hy sinh nên lập bàn thờ. 4 năm sau vợ ông đi thêm bước nữa, mãi sau này khi trở về ông mới biết sự thật. 

Chiến tranh ác liệt. Trị thương xong, Ama Trang quay lại miền Nam chiến đấu cho đến ngày đất nước thống nhất. Thế nhưng, như lời Ama Trang, ngày trở về hân hoan bao nhiêu, khi đến Hà Nội, ông lại hụt hẫng bấy nhiêu. 

Khi bước chân vào nhà cũ, ông bắt gặp tấm ảnh mình lồng trong khung ảnh viền tang đen đặt sau bát nhang, phía dưới có mấy bộ quân phục đã cũ. Bên trong căn phòng có thêm quần áo của đàn ông lạ. Lúc vợ chồng cùng con gái gặp nhau, không ai nói được câu nào. 

Sau đó Ama Trang mới biết, vì ông rơi xuống vực, mất tích, đơn vị nghĩ rằng ông đã hy sinh. Giấy báo tử về đến nhà, ông thành liệt sĩ. 

Phiên tòa ly hôn được mở không lâu sau đó. Nước mắt và những đấu tranh nội tâm giằng xé, cuối cùng, Ama Trang chấp nhận hy sinh hạnh phúc bản thân để vợ và con gái được hạnh phúc. 

Ama Trang kể thêm, có lần nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tới thăm và nói đùa một câu khiến già nhớ mãi: “Mình cứ tưởng Đảng và Nhà nước gọi cậu lên để phong tặng huy chương sau bao nhiêu năm đi đánh Mỹ. Ai ngờ lại bị tòa triệu tập...”.

Thời gian trôi đi, Ama được phân công công tác tại quân khu 5, rồi già cũng lập gia đình, có 2 người con trai, gái. Qua nhiều thăng trầm, năm 1991, Ama Trang nghỉ hưu, sống cuộc đời đạm bạc tại Đà Nẵng.

Cuộc đời ngang dọc của Ama Trang sau này đã trở thành nguồn cảm hứng để nhà văn Dương Kiện viết nên cuốn tiểu thuyết “Tiếng cồng Ama”. Dù trở thành nhân vật của truyện, rất nổi tiếng nhưng với ông, niềm vui sống là bên con cháu và được mọi người gọi cái tên già Ama Trang quen thuộc, để gợi nhớ về tình cảm của đồng bào Tây Nguyên đã dành tặng.

Đọc thêm