83 tuổi vẫn ghen tuông sát hại bà vợ 81 tuổi, câu chuyện tưởng như “chuyện bịa” này lại có thật ở thôn Lão Phú, xã Tân Phong, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng). Ai cũng nghĩ rằng bà lão Nguyễn Thị Hoan đã tròn vai của một người vợ, người mẹ nhưng cuộc đời bà đã không trọn vẹn ở những ngày cuối đời.
Ông chồng vô trách nhiệm nhất đất Cảng
Cuộc đời thiếu nữ Hoan thực sự chỉ biết những khổ cực từ khi đi lấy chồng. Người chồng dù là anh trai làng có vẻ ngoài bảnh trai, cao lớn, trắng trẻo lại có tài ăn nói khéo léo nhưng thực tế là đối tượng lười lao động, hung hãn và rất nhiều hành động ngang ngược. “Ông ấy cứ đi ra khỏi nhà là quần áo chỉnh tề, có khi complet, cà vạt, mái tóc lúc nào cũng được nhuộm đen bóng, ai không biết mà gặp lần đầu cứ tưởng phải là sếp to lắm. Nhưng thực tế từ nhỏ đến giờ tôi chưa thấy ông ấy động vào tay vào bất cứ công việc gì, suốt ngày xỏ tay túi quần ăn rồi đi chơi”, một hàng xóm kể về ông lão “hung thủ”.
Gia đình chồng chất gánh nặng với bố mẹ già cùng 7 đứa con thơ dại nhưng tất cả mọi việc trong gia đình, người chồng đều phó mặc vào tay người vợ. Cuộc sống khó khăn là thế, nhưng vừa chăm lo gia đình, bà Hoan còn phải thường xuyên đối mặt với những trận đòn của người chồng vũ phu và nhất là những trò tai quái của chồng. Năm 1974, ông chồng nuôi ý định vượt biên nhân lúc ra biển cách nhà hơn 10 km, đã bỏ lại toàn bộ quần áo, giầy dép và giấy tờ tùy thân trên bãi biển giả bị chết đuối rồi trốn biệt vào Nam. Ở nhà không thấy chồng về, mọi người đổ xô đi tìm, phát hiện ra bộ quần áo và giấy tờ nên gia đình đã làm lễ cầu hồn cho người “xấu số”. Ba năm sau, từ miền Nam người chồng lại bất ngờ trở về. nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn ông ta lại vượt biên sang Hồng Kong và bị bắt vào trại tị nạn bên đó, mãi gần bốn năm sau mới được trả về Việt Nam. Vậy là suốt những năm tháng con thơ rồi “cha già mẹ héo”, một mình bà Hoan phải thân gái một mình.
Chưa hết, sau khi từ trại tị nạn trở về, ông chồng bắt toàn bộ vợ con, gia đình chuyển lên quận Hồng Bàng trong nội thành. Không dám trái lời, bà khăn gói theo chồng cùng các con lên thành phố. Bỏ nghề làm nông nghiệp, nay bà lại tần tảo chợ búa, buôn bán để lo ổn định cuộc sống gia đình. Nhưng cũng chẳng được mấy năm, ông chồng với những việc làm ngỗ ngược và gây rối trật tự, trị an địa phương đã bị chính quyền gọi lên giáo dục, nhắc nhở nhiều lần nhưng không chuyển biến. Cuối cùng quận Hồng Bàng phải “trục xuất” gia đình khỏi địa bàn, “áp tải” về tận quê cũ.
|
Hung thủ Phạm Văn Nam |
Những hàng xóm của nạn nhân thuật lại, ăn ở với nhau từng ấy năm trời, bà lão không khi nào điều qua tiếng lại bởi sợ bản tính ngỗ ngược của người chồng. “Bà Hoan dù sống nhịn nhục như vậy nhưng vẫn không thoát những trận đòn thừa sống thiếu chết từ chồng, có lần còn bị đánh gẫy bốn chiếc răng cửa, nhưng chỉ vài ngày sau khi ông ta tỏ ra ăn năn, xin lỗi là bà lại rộng lượng bỏ qua”, một hàng xóm kể lại. Thương người mẹ tần tảo, hai người con gái định cư tại nước ngoài thường xuyên gửi tiền về cho ông bà ăn uống, sinh hoạt.
Cứ tưởng cuộc sống về già của bà cũng đã được hưởng phúc phận, an nhàn, khi hai ông bà ở một căn nhà 2 tầng khang trang, mỗi tháng các con gửi về 500USD (khoảng 10 triệu VNĐ) cho bố mẹ tiêu vặt, ai ngờ khi có tiền người chồng lại nảy sinh chuyện bồ bịch, trai gái… “Ông ta cặp với cả những đứa chỉ đáng tuổi cháu mình và sẵn sàng đầu tư cho người tình trẻ từ tiền bạc đến những vật dụng như tủ lạnh, ti vi… nhưng cũng chỉ được thời gian rồi lại chuyển cô khác”, một người hàng xóm cho biết. Bà Hoan cũng nhiều lần góp ý với chồng “mình đã có tuổi, cũng nên để cái tiếng tốt cho con cháu”, thì ông sẵn sàng thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với bà”. “Bốn lần cô tôi bị chồng đánh gần”, người cháu gọi bà Hoan bằng cô buồn bã nhớ lại.
Màn kịch vụng về
Một ngày đầu tháng 7/2012 vừa qua, bà lão khốn khổ này không có cái may mắn “chết hụt” một lần nữa.
Về nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của bà Hoan, những người hàng xóm cho biết mới đây ông chồng của bà Hoan có tên Phạm Văn Nam bị bệnh phải mổ ở bệnh viện, các con ở nước ngoài có gửi về 30 triệu VNĐ để lo việc chữa trị cho cha và cho mẹ 20 triệu. Sau khi xuất viện trở về, ông lão tiêu xài hết số tiền 30 triệu và quay ra đòi nốt số tiền là phần của vợ. Thừa biết tính chồng có đưa bao nhiêu cũng hết nên bà chỉ nói: “Tiền đưa cho ông để ăn uống, bồi dưỡng tôi không tiếc, tôi chỉ tiếc đưa cho ông rồi ông lại đi bao gái”. Có lẽ phản ứng này của vợ đã làm cho ông ta bực bội, khó chịu.
Rạng sáng ngày 7/7/2012, công an xã Tân Phong nhận được tin báo từ cô con dâu út của bà Hoan về việc mẹ chồng mình qua đời và cô nghi ngờ trước cái chết bất thường này, bởi trên mặt, đầu mẹ chồng mình có nhiều vết thương. Lập tức công an xã có mặt bảo vệ hiện trường, đồng thời báo sự việc lên công an huyện Kiến Thụy và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45, Công an thành phố Hải Phòng) về điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết của bà Hoan.
Cơ quan chức năng đã triển khai các biện pháp như lấy lời khai nhân chứng, giám định hiện trường, khám nghiệm tử thi… và nhận thấy nhiều dấu hiệu đây là vụ án giết người. Tập trung lấy lời khai đối với chồng bà Hoan là người đầu tiên phát hiện sự việc. Trước những câu hỏi của công an, ông Nam một mực khẳng định cái chết của bà Hoan là do uống thuốc bị hạ huyết áp, tự đập đầu vào cửa sổ tầng 2 nhà mình.
Tuy nhiên, những chứng cứ thu được trong quá trình điều tra của cơ quan chức năng đã chống lại ông chồng vốn có quá khứ bạo hành vợ “như cơm bữa”. Ông lão Phạm Văn Nam đã cúi đầu nhận tội tại cơ quan điều tra, diễn biến sự việc như sau:
Trưa ngày 7/7 sau khi nấu cơm xong bà Hoan gọi chồng ra ăn nhưng ông từ chối, hai người xảy ra to tiếng rồi bà bỏ lên giường trên tầng 2 nằm. Sẵn bực tức từ trước, ông Nam đi theo bà lên tầng rồi bất ngờ nắm tóc bà đập mạnh vào cửa sổ nhiều lần khiến bà bị thương ở mặt. Bà Hoan quay lại chống cự thì bị ông ta tiếp tục nắm tóc đập mạnh gáy vào cửa sổ cho tới khi bà tắt thở. Sau đó, ông chồng độc ác đặt vợ lên giường, thay quần áo dính máu rồi gọi điện con cái đến và thông báo bà chết do uống thuốc bị hạ huyết áp, tự đập đầu vào cửa sổ.
Vụ án kết thúc, ngoài bài học về vấn nạn bạo hành gia đình, những người con của ông Nam – bà Điệp có lẽ cũng đã rút ra được bài học để đời trong việc chăm sóc cha mẹ.
Tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp, Phó trưởng khoa Tâm lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: “Tất nhiên ngoài việc lên án hung thủ, mọi người cũng cần có đôi chút thông cảm khi người già thường có tâm lý nóng giận thất thường, khó chiều hay còn gọi là loạn thần (do chất kích thích hoặc do bị ức chế tạo nên). Đây cũng là bài học đắt giá trong xã hội hiện đại khi con cái thiếu sự quan tâm, chăm sóc bố mẹ về mặt tình cảm, không phải lúc nào cứ chu cấp tiền đầy đủ là tròn trách nhiệm, trọn đạo làm con; mà còn phải thường xuyên có mặt chăm sóc, tâm sự, chia sẻ với cha mẹ khiến người già không bị lâm vào tình cảnh “stress” tuổi già”.
Bùi Doãn