Cuộc hội ngộ kỳ diệu nhờ facebook của 2 anh em sau 15 biệt tích

(PLO) - Tình cờ vào mạng xã hội facebook, ông Nguyễn Hữu Sơn (SN 1973, ở thôn 4, xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã tìm được tung tích người anh trai của mình là ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1963) sau 15 năm biệt tích.
Hai anh em ông Hùng và ông Sơn
Hai anh em ông Hùng và ông Sơn

Trước đó, ông Hùng bị lừa vào một bưởng vàng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, sau khi cố trốn chạy, ông bị bắt lại và đánh đập tàn nhẫn rồi được nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng, thiếu máu, khó thở, máu tràn trong vùng bụng, gãy 5 xương sườn trái và xương bả vai trái. Một y tá đã chia sẻ thông tin này lên facebook…

Chông chênh đường đời

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Hà Tĩnh, từ nhỏ, ông Hùng đã phải làm đủ mọi nghề để kiếm sống từ chăn trâu, cắt cỏ, lên rừng kiếm củi tới hái măng bán kiếm tiền. Bất hạnh hơn, trong một tai nạn giao thông, người cha không may qua đời. Từ đó, mấy mẹ con sống nương tựa vào nhau.

Mặc dù vậy, hàng ngày, cậu bé Hùng vẫn kiên trì đi bộ hàng chục cây số để đến trường. Sau khi tốt nghiệp THPT, ông Hùng thi vào trường Đại học Thủy sản ở Nha Trang nhưng thiếu điểm. Không đạt được ước nguyện, ông đi bộ đội rồi sau đó thi đậu vào Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Vào đại học khi đó là niềm tự hào lớn của cả gia đình.

Thế nhưng vì gia cảnh quá khó khăn, không đủ điều kiện nộp học phí nên đến năm thứ 4, chàng sinh viên trẻ buộc phải xin bảo lưu kết quả để có thời gian lao động kiếm tiền với ý định sau này có điều kiện sẽ quay lại hoàn thiện khóa học.

Rời ghế nhà trường, ông Hùng không về nhà cũng không báo tin cho người thân biết mà lặng lẽ theo người quen lên tỉnh Thái Nguyên làm công nhân nhà máy mía đường. Cũng trong thời gian này, mẹ của ông Hùng bị bệnh tim nặng, lại thêm tư tưởng thương nhớ con nên đã qua đời.

Sau ngày về chịu tang mẹ, ông Hùng bỏ ý định trở lại trường để đi làm thuê kiếm sống. Chỉ những ngày giỗ cha mẹ hoặc ngày Tết, ông mới về thăm nhà. Cũng trong thời gian đi làm thuê, ông có quen và yêu một cô gái nhưng gia đình nhà gái chê nghèo nên ra sức ngăn cản. Quá chán nản, ông Hùng quyết định vào Tây Nguyên làm ăn với hy vọng đổi đời và không liên lạc gì với gia đình.

Năm 2001, ông Hùng đặt chân lên Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai). Giữa lúc vô sản, ở nơi không một người quen biết, ông xin làm công nhân tại một nông trường trồng mía. Với đồng lương ít ỏi nhưng nhờ cần kiệm sau vài năm tích góp, ông đã có được một số vốn trong tay và khai hoang được mảnh đất để trồng mía.

Chịu khó, lam lũ trên mảnh đất của mình nhưng trời phụ lòng người bởi hạn hán, sâu bệnh xảy ra liên miên. Thất bại, ông Hùng đành ngậm ngùi bán mảnh đất đang làm với giá rẻ rồi chuyển sang huyện Kông Chro (Gia Lai) mua mảnh đất khác mong làm lại sự nghiệp.

Trên mảnh đất mới, ông Hùng quyết định trồng mỳ. Thời gian đầu, rẫy mỳ của ông cho thu hoạch khá, có thu nhập ông sắm được xe máy, điện thoại. Đến năm 2014, trong một lần đi làm về, ông bị tai nạn, phải vào viện cấp cứu, xe thì hư hỏng toàn phần.

Rơi vào thảm cảnh, ông Hùng phải bán xe, bán điện thoại để lấy tiền tự lo cho bản thân. Năm ấy, hạn hán khắc nghiệt kéo dài, cây trồng của ông không chăm bón nên bị thiệt hại nặng nề, số tiền đầu tư vào cây trồng gần như bị mất trắng.

Rơi vào “địa ngục”

Khoảng tháng 3/2016, sau nhiều đêm trăn trở, ông Hùng quyết định bỏ Gia Lai sang Đắk Lắk làm ăn với mong muốn, sau khi kiếm được một số vốn sẽ quay lại cải tạo mảnh rẫy của mình để trồng cây công nghiệp dài ngày như tiêu, cà phê chứ không trồng những cây ngắn ngày nữa. Không ngờ, chuyến đi ấy lại đẩy ông rơi vào ‘‘địa ngục’’ giữa nơi trần gian.

Ông Hùng ngậm ngùi tâm sự: ‘‘Hôm đó, tôi đang đi bộ trên một con đường, gần khu vực ngã 6 (TP.Buôn Ma Thuột) thì có một người đàn ông chạy xe gắn máy tới gần hỏi han. Biết tôi có ý định kiếm việc làm nên người lạ mặt kia liền bảo: tôi biết có một chỗ làm đập thủy điện đang cần người. Lương khoảng 5 triệu đồng/tháng, bao ăn ở. Nếu ông muốn đi thì tôi sẽ chở tới đó. Giữa lúc thất nghiệp nên nghe được thông tin đó, tôi liền đồng ý và lên xe cho người gã xe ôm chở đi’’.

Sau vài tiếng chạy xe máy, người này chở ông Hùng đến Thị trấn Đắk Mâm (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) dừng lại ăn cơm rồi mới đi tiếp. Khi đến khu vực ngã ba xã Quảng Sơn (huyện Đắk G’long), xe chạy vào con đường nhỏ. Qua vài khúc cua, chiếc xe tiến vào đường xung quanh toàn rừng rậm rạp.

Qua quan sát, ông Hùng thấy có lác đác vài nhà dân, càng vào sâu bên trong dân càng thưa dần, cuối cùng chỉ toàn là đồi núi. Lúc đầu, ông Hùng nghĩ làm thủy điện thì phải ở rừng nhưng thấy xe chạy mãi, ông hơi nghi ngại mình bị lừa nhưng sợ hãi nên ngồi im trên xe không dám hỏi thêm.

Sau một đoạn đường dài, gã xe ôm cho xe chạy chậm lại, ngay sau đó có hai thanh niên đi xe gắn máy ra áp tải ông Hùng vào 1 cái lán. Trong lán, có một nhóm người nữa đang làm việc. Quan sát, ông thấy quanh đó còn có nhiều lán khác cũng đang làm cùng công việc khai thác vàng. Nhìn vẻ mặt hung hãn của mấy tên giám sát, ông Hùng không dám hé răng hỏi han gì về công việc cũng như lương lậu. Cùng với mọi người trong nhóm, ông Hùng cứ thế làm theo chỉ dẫn.

Những ngày sau, có vài người bỏ trốn, những kẻ trông coi đã rất giận dữ hết chửi rủa lại đe dọa, giết chóc. Nghe loáng thoáng bọn chúng điện thoại cho nhau ‘‘tìm được bọn nó cho mất xác luôn đi’’ khiến ông Hùng càng cảm thấy sợ hãi. Hàng ngày ông chỉ biết làm, nhiều khi mệt mỏi nhưng phải cố làm cho bọn chúng khỏi nghi ngờ. Nhiều khi quá đuối sức, không làm được thì bị chúng quát tháo, thậm chí đánh đập không thương tiếc.

Sau hai tháng, lợi dụng lúc đêm tối khi bọn canh gác lơ là, ông Hùng quyết tâm bỏ trốn. Men theo dòng suối, ông chạy bạt mạng, ngã dúi dụi rồi lại leo lên núi. Tiếp tục băng rừng, lần tới hướng có đường mòn thì bị ba người trong nhóm đào vàng phát hiện. Đuổi kịp ông, bọn chúng ra tay đánh đập một cách dã man, khiến ông gục tại chỗ.

Trước khi bất động, ông Hùng nghe thấy có những âm thanh của người lạ. Sau khi tỉnh dậy, ông được những người lạ hỏi thăm. Đồng thời nhóm người đi rừng tốt bụng chia cho ông ít đồ ăn lót dạ, rồi chỉ đường cho ông đến Thị trấn Đắk Mâm.

Cuộc hội ngộ đầy nước mắt

Sau năm ngày, lúc đi bộ, khi đi nhờ xe của người qua đường, vì bị thương lại quá mệt nên ông Hùng tìm chỗ nghỉ tạm, xin ăn để tồn tại. May mắn được nhiều người tốt đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Jút.

Ông Hùng trong thời gian điều trị.
Ông Hùng trong thời gian điều trị.

Nghe ông Hùng kể lại hành trình thoát khỏi bọn bưởng vàng, các bác sĩ, y tá khám chữa nhưng vì vết thương quá nặng nên đã chuyển ông lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk điều trị. Sau đó, một cô y tá đem câu chuyện của ông Hùng kể chia sẻ trên mạng xã hội.

May mắn, tình cờ người em trai ông Hùng là ông Sơn đọc được. Ngay sau đó, ông Sơn đã nhờ người xác minh và vào tận nơi để gặp cũng như chăm sóc người anh trai.

Ông Sơn nghẹn ngào: “Sau 15 năm xa cách, hai anh em chúng tôi lại gặp nhau trong hoàn cảnh thật éo le, không thể nói nên lời. Trong 15 năm không một tin tức, nhiều khi tôi nghĩ dại anh mình đã gặp phải chuyện chẳng lành rồi. Nhìn cơ thể tiều tụy hốc hác của anh trai, tôi vừa mừng vừa xót xa. Mừng vì anh vẫn còn sống, nhưng xót xa vì những ngày tháng cực nhọc bị đày đọa thân xác trong bãi vàng. Càng nghĩ, tôi càng cảm thấy bản thân mình thật đáng trách vì đã không đi tìm anh sớm hơn’’.

Ông Sơn cho biết thêm, ông Hùng nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng: Thiếu máu, khó thở, máu tràn trong vùng bụng, gẫy 5 xương sườn trái và xương bả vai trái. Sau khi được hội chẩn, tiến hành mổ cắt lách và mổ dẫn lưu. Đến thời điểm này, sức khỏe ông Hùng đã dần hồi phục, trong thời gian sớm nhất ông Hùng sẽ được đưa về quê để tiện chăm sóc.

« Cũng chỉ vì không có tiền nên anh trai tôi xấu hổ, không dám về quê. Mong sao pháp luật sớm tìm ra và trừng trị những kẻ độc ác, lợi dụng bóc lột sức lao động của người khác » ông Sơn chia sẻ./.

Đọc thêm