Mục sở thị xóm “người rừng”
Xóm "người rừng" có 5 nóc nhà lợp lá cọ, xiêu vẹo sắp đổ. Xóm gồm 5 hộ với hơn 40 nhân khẩu. Trong nhà chị Hồ Phăng treo lủng lẳng cung, tên, nỏ và cả những cây củi được coi là vật thiêng. Trên vách nhà còn có rất nhiều bộ da thú, trong đó có một bộ da báo rất to. Không ít khách tò mò định hạ cái cung đã mòn vẹt xuống xem, chị Phăng hốt hoảng hua hua ra hiệu không được sờ.
Ở xóm “người rừng” này ai cũng hút thuốc. Họ cho rằng lửa sẽ mang lại nhiều may mắn nên chỉ trừ lúc ngủ và ăn mới không hút thuốc. Theo tục của người Mày ở xã Trọng Hóa, người lạ không được đụng vào từ vật dụng cá nhân đến ngồi trong nhà.
Các hộ trong xóm "người rừng" sống quây quần bên dòng suối Kà Rong. Ngày mưa chỉ có phụ nữ ở nhà, đàn ông vào rừng săn bắn. Họ trồng lúa nương nhưng chỉ lơ thơ vài chòm, hàng ngày vào rừng tìm củ, quả về ăn. Dân trong xóm sống biệt lập, ít khi trao đổi hàng hóa với các bản ngoài trung tâm xã.
Có đôi vợ chồng lấy nhau được 4 năm, sinh 3 lần nhưng chúng đều mất cả. Người dân ở đây sinh con tại nhà chứ không đến trạm y tế. Vật dụng của họ chủ yếu do tổ tiên để lại. Trẻ em lớn lên tự nhiên như cây cỏ. Khi đôi chân biết leo núi, tay biết căng dây nổ là chúng được bố dạy cho cách tìm dấu vết con thú.
Trong những chuyến đi rừng, chúng học cách phân biệt cây nào ăn được, cây nào có độc cần tránh. Đến tuổi trưởng thành, chúng đã thuộc nằm lòng cách sinh tồn giữa nơi hoang dã. Cuộc sống của nam giới nơi đây ở rừng nhiều hơn ở nhà.
Những đứa trẻ nơi đây lớn lên chẳng cần quan tâm tới chuyện học hành. Cuộc sống của chúng nay đây mai đó miễn sao được ăn no, chứ nào biết mặt chữ là gì. Hơn nữa, khoảng cách từ xóm này đến trường học khá xa. Cứ như thế hết năm này qua năm khác họ sống êm đềm cùng núi rừng, không cần quan tâm đến thế giới bên ngoài.
Những tập tục khắt khe
Ngoài 5 căn nhà lá, xóm còn có 5 cái lều nhỏ được dựng quanh đó. Đó là căn nhà ở của phụ nữ khi "đến tháng" hoặc sinh nở dọn ra ở riêng. Phụ nữ nơi đây đến chu kỳ kinh nguyệt phải mang xoong, nồi, quần áo ra đó ở, chứ không được ở nhà chính. Họ phải sống một mình khoảng 5 ngày và không được tiếp xúc với người trong nhà. Ngay cả chồng cũng không được bén mảng đến đó.
Khắt khe nhất là luật tục về phụ nữ sinh đẻ. Trong thời gian sinh con, người phụ nữ được gia đình làm cho một cái chòi để ở riêng. Đến khi nào con biết cười, vợ chồng mới làm lễ đuổi cái dơ bẩn, bệnh tật đi cho đứa con được sạch sẽ.
Sau đó, gia đình mới đón cả 2 mẹ con vào nhà. Người dân cho biết khi làm lễ tục phải chu đáo, nếu không khi đưa con về nhà sẽ bị "con ma rừng" theo đuổi. Lễ tục diễn ra với hình thức đào một cái hố sâu, rồi trải lá dong rừng xuống, lấy mấy viên đá nhặt ở khe suối về nung đỏ rồi đặt lên trên lá dong.
Sau đó, cạo lấy 3 nắm rễ cây “lạng hang” bỏ vào, vợ chồng cầm 2 nhánh cây dầu thơm ngồi ở trên hố và dội nước vào. Khi khói bay lên thì giơ đứa con lên cho cái dơ bẩn, bệnh tật bay theo gió, theo mây. Cái mùi thơm của khói bay lên từ hố sẽ đuổi "con ma" về với rừng.
Ở đây, ốm đau, người dân chẳng dùng thuốc, ngay cả việc dùng lá cây rừng cũng không. Họ ốm là nằm đợi bệnh tự khỏi. Nếu bệnh nặng quá không qua được thì chấp nhận chết. Họ coi đó là sự chọn lọc tự nhiên.
Nhiều lần chính quyền đã vận động người dân xóm “người rừng” vào bản định cư. Tuy nhiên, cuộc sống hoang dã nơi núi rừng đã thấm dần vào họ, khó thay đổi. Vì vậy họ cương quyết ở lại.