“Dù 1 ngày làm con gái, em cũng cam lòng”
Hơn hết thảy, dù “Finding Phong” làm thay đổi ít nhiều tới cuộc sống của cô, nhưng Phong vẫn ở đây, họa sỹ vẽ rối của Nhà hát Múa rối Thăng Long (Hà Nội). Hàng ngày cô vẫn đi và về một mình, vẫn sống một cuộc sống giản đơn của người con miền Trung Nam bộ, xa quê hơn 11 năm. Ánh Phong của hiện tại, sau bao khó khăn thử thách để tìm lại chính mình, là một cô gái nhẹ nhàng và xinh đẹp. Gặp Phong, bạn sẽ thấy, Phong nữ tính hơn cả phụ nữ!
Từ nhỏ đến năm 24 tuổi, trước khi thực hiện ca phẫu thuật đánh đổi tất cả, Phong thường khóc một mình, âm thầm và không để ai biết. Tuy nhiên, mẹ biết Phong khóc. Cho đến lúc cô nói chuyện với mẹ về ý định sang Thái Lan, mẹ vẫn chỉ than trách “số phận mình ăn ở kiếp trước ra sao”, mẹ không trách Phong.
Phong đã từng muốn chết khi bị bạn bè chế giễu là “thằng pê đê”. Nhưng có lẽ cái chết khi đó không mấy căng thẳng bằng một trận chiến khác bên trong con người Phong: “Có nên chuyển giới hay không?”, “Có nên tự bước qua cái vực của chính bản thân mình hay không”, “Nhỡ may chết trên bàn mổ...”… Đó là những đối diện có thật, bởi người chuyển giới may mắn thành công cũng sẽ bị giảm tuổi thọ, cùng với đó là những chi phí tiền thuốc đắt đỏ để duy trì, chưa kể có thể sẽ không được xinh đẹp như mong đợi, và xác suất khi phẫu thuật sẽ là 50/50.
Và Phong quyết tâm đánh đổi một lần duy nhất, chỉ để sống thật với chính con người mình. Nghe ý định của con, mẹ Phong, dù khá cao tuổi nhưng luôn hiểu con, hỏi liệu có dừng lại trước khi quá muộn được không?.
Và điều may mắn, khi tham gia phim tài liệu, Phong được tài trợ để phẫu thuật ở Thái Lan. Sau phẫu thuật, mở mắt ra, Phong vui lắm. Dù khi ấy chỉ một sự va chạm nhẹ thôi cũng đủ đau đớn đến tê dại. Nhưng Phong vui vì mình là con gái rồi. Niềm hạnh phúc lớn hơn cả nỗi đau. Và sau đó là cả một quá trình đau đớn để hồi phục vết phẫu thuật.
Để trở thành con gái, Phong phải tự mình thông âm đạo khi vết thương chưa lành với bao đau đớn tựa như mảnh thủy tinh cào vào da thịt mình… Nhưng trên tất thảy, “chỉ cần một ngày làm con gái em cũng cam lòng”, Phong tâm sự về khát khao mãnh liệt của mình. Sau sáu năm phẫu thuật, hiện Phong có một cuộc sống bình yên và một nỗi buồn sâu thẳm khi cô phải dứt bỏ mối tình đầu sau nhiều năm tháng người yêu đã luôn bên cô trong những tháng ngày cô đi tìm lại người con gái ẩn trong hình hài một chàng trai. Cô đã để anh làm bổn phận của một người con với gia đình, lấy vợ, sinh con - điều mà cô không thể mang đến cho anh.
Chấp nhận… bất hợp pháp
Bà Vũ Thị Thanh Nhàn, Trung tâm SCDI chia sẻ, trong quá trình tiến hành khảo sát nhu cầu và thực trạng về cung cấp dịch vụ cho người chuyển giới tại Việt Nam, kết quả cho thấy, phần lớn người chuyển giới đều đã từng sử dụng các dịch vụ y tế như uống hóc môn, phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục… nhưng tất cả đều được thực hiện “trong bóng tối”.
Sở dĩ vậy, bởi một phần do rào cản về chính sách, rào cản về kỳ thị nên người chuyển giới gần như không có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế công. Vì vậy họ bất chấp rủi ro tính mạng tìm đến những dịch vụ không chính thức, dịch vụ chui hay sử dụng các thông tin không chính thức từ mạng xã hội hoặc các bạn chuyển giới khác. Và đích đến, rất nhiều người chuyển giới lựa chọn nước bạn Thái Lan để thực hiện phẫu thuật.
Tuy nhiên điều này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi ngành phẫu thuật chuyển giới không được Chính phủ Thái Lan công nhận, do đó, nơi được coi là thiên đường chuyển giới đó cũng là làm bất hợp pháp. Nhiều bạn bay qua, bay lại Thái Lan để phẫu thuật nhưng khi có các vấn đề tai biến, bảo hành lại rất khó xử lý do cách biệt về khoảng cách địa lý.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, thực tế nhiều người chuyển giới thường tự mua hóc môn qua đường xách tay, qua mạng Internet, liều dùng do họ tự ấn định, nếu họ càng khao khát thay đổi, họ càng sử dụng nhiều…
Trong khi đó, với điều trị nội tiết tố, sử dụng hoóc môn phải có nguồn gốc xuất xứ, nồng độ hoóc môn nam nữ khác nhau, trường hợp nào tiêm bắp, mông, uống, bôi nhưng cũng vì chưa có luật nên người chuyển giới vẫn sử dụng hoóc môn ở chợ đen, với nhiều rủi ro lớn về sức khỏe. Nhiều bạn đã tử vong khi sử dụng hoóc môn không được phép.
Mai Châm, một cô gái chuyển giới ở Hà Nội chia sẻ, phần lớn người chuyển giới thiếu kiến thức về sức khỏe. Họ thường tự tìm hiểu rồi đi Thái Lan phẫu thuật theo sự giới thiệu của người nọ, người kia, hoàn toàn không được tư vấn. Phẫu thuật xong, lẽ ra phải vui vì được sống đúng với giới tính mà họ mong muốn bấy lâu, nhưng không ít người có tâm trạng hoang mang, họ không thể nói chuyện với bác sĩ đã phẫu thuật cho mình vì không biết ngoại ngữ. Thậm chí, trường hợp sau phẫu thuật về Việt Nam bị hoại tử.
“Đành rằng, trên thực tế, vẫn có những người đã phẫu thuật chuyển giới tại Việt Nam nhưng vì chưa có luật cho phép chuyển giới nên đây vẫn là phẫu thuật “chui”. Chính những bác sĩ thực hiện các phẫu thuật này cũng không thể đưa ra những tư vấn cần thiết cho người chuyển giới. Áp lực cuộc sống, sự kỳ thị và nỗi lo về sinh mạng của mình sau khi sử dụng hoóc môn (dùng theo sự mách bảo của người đi trước, không có kê đơn và phải mua hàng không rõ nguồn gốc)… khiến chúng tôi khá mệt mỏi”, Châm bày tỏ.
Sẽ chuyển đổi giới tính được ở Việt Nam, nếu có luật
Theo ThS. Đinh Thị Thu Thủy, chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cần có năm dịch vụ tâm lý, y tế cho người chuyển giới: hỗ trợ tâm lý, điều trị nội tiết tố (hoóc môn), phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục và chăm sóc sức khỏe toàn diện phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa có trường hoặc chuyên ngành đào tạo bác sĩ tâm lý cho người chuyển giới. Số lượng bác sĩ được đào tạo ở nước ngoài về tâm lý cho người chuyển giới không nhiều…
Cùng quan điểm, Ths. Nguyễn Cao Minh, Viện Tâm lý học cho biết, hiện có rất nhiều người chuyển giới gặp các vấn đề về tâm lý trước và sau khi phẫu thuật. Họ bị căng thẳng do giới tính sinh học không trùng khớp với bản sắc giới hoặc họ mong muốn được can thiệp chuyển đổi giới tính. Ngay sau khi chuyển giới, họ cũng gặp nhiều vấn đề về tâm lý, việc sử dụng hóc môn cũng có thể khiến người chuyển giới chưa kịp thích nghi.
Theo nghiên cứu, có từ 1 - 7 % người chuyển giới sau phẫu thuật cảm thấy hối tiếc, rối loạn tâm lý nghiêm trọng và có đến 2% có mong muốn tự tử. Nhưng khi gặp các vấn đề tâm lý, họ lại không biết tìm ai hoặc ngại không biết tìm ai, kể cả người thân trong nhà. Nhiều gia đình đưa con đến bệnh viện nhưng không phải nghe tư vấn tâm lý mà để bác sĩ cố gắng chữa hết bệnh về giới cho con của họ.
Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, bác sỹ tâm lý chính là người quyết định có cho phép thực hiện phẫu thuật chuyển giới hay không. Bởi sau chuyển giới, nhiều người phải chịu đựng nỗi đau về mặt tinh thần, đôi khi còn hơn cả nỗi đau do phẫu thuật gây nên. Tiếp theo, người được chuyển giới sẽ thực hiện phải uống hoặc tiêm hoóc môn trong một năm để thử khả năng tương thích cũng như thay thế cho các hoóc môn hiện có. Sau đó, người chuyển giới sẽ trải qua các lần phẫu thuật để “dọn dẹp” các cơ quan sinh dục phụ và tạo hình các cơ quan sinh dục mới theo giới mà bệnh nhân yêu cầu. Người chuyển giới phải duy trì suốt đời liệu pháp hormone rất tốn kém, mỗi tháng trung bình tốn khoảng 200 -300 USD và quá trình này phải được sự giám sát bởi bác sỹ chuyên khoa…
Ở Việt Nam, Bệnh viện Việt Đức là một trong bốn bệnh viện được Bộ Y tế cho phép thực hiện can thiệp y tế xác định lại giới tính. ThS. Ngô Hải Sơn, Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ chia sẻ, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật phức tạp như nối liền dương vật bị đứt rời, thậm chí có ca chưa từng được thực hiện ở Việt Nam như ca đứt rời cả dương vật, tinh hoàn; tạo hình cơ quan sinh dục nữ hay tạo hình dương vật vốn là phẫu thuật phức tạp nhất… Chỉ cần xây dựng quy trình, thì kể cả việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính, nếu luật cho phép, Bệnh viện Việt Đức hoàn toàn có thể thực hiện tốt.
Tại hội thảo quốc gia về cung cấp dịch vụ tâm lý, y tế dành cho người chuyển đổi giới tính do SCDI và Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội mới đây, TS. Nguyễn Huy Quang cho rằng: “Nhu cầu chuyển giới ở Việt Nam là có thật, khả năng phẫu thuật đáp ứng được nhưng vì chưa có luật nên những người có nhu cầu phải ra nước ngoài. Rất mong Quốc hội đưa Luật Chuyển đổi giới tính vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020”. Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang được Bộ Y tế soạn thảo và dự kiến trình Chính phủ và Quốc hội thông qua vào năm 2019 để người chuyển giới Việt Nam được sống và làm việc theo pháp luật.