Cuộc sống thời hậu COVID-19: Không nên quá hoang mang, lo lắng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thời gian gần đây khi số ca mắc COVID-19 tăng và rồi đã khỏi trở về cuộc sống bình thường. Do quá lo lắng, nhà nhà, người người đổ xô đi khám hậu COVID-19. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, F0 không nên hoang mang, lo lắng tới “tự kỉ, ám thị”…
Lo lắng thái quá hậu COVID-19 sẽ gây rối loạn tâm lý. (Ảnh minh họa)
Lo lắng thái quá hậu COVID-19 sẽ gây rối loạn tâm lý. (Ảnh minh họa)

Trào lưu đi khám, tự mua thuốc

Cả nhà đều là F0 mới khỏi bệnh, lại có nhiều biểu hiện sức khỏe đi xuống nên chị Anh Thư (quận Ba Đình, Hà Nội) sốt sắng tìm mua các loại thuốc chữa “hậu COVID-19”. Dẫu không giấy tờ nguồn gốc, không hướng dẫn sử dụng, bao bì thì toàn tiếng nước ngoài nhưng chị Thư vẫn bất chấp mua lọ thuốc với giá 3 triệu đồng trên mạng về sử dụng vì… “thấy người ta bảo tốt”. Cùng với đó, chị mua thêm nhiều loại vitamin, các loại thuốc khác nữa, với chi phí không hề… nhẹ.

Nhiều gia đình khác lại tìm đến các gói khám hậu COVID-19 để mong muốn kiểm tra sức khỏe. Một bệnh viện tư vấn gói khám sức khỏe khoảng gần 10 triệu đồng bao gồm: Xét nghiệm công thức máu, nước tiểu, chụp X-quang phổi cho đến cả xét nghiệm… đái tháo đường, tầm soát ung thư, chụp CT, cắt lớp… trong khi triệu chứng của bệnh nhân chỉ hơi nhức đầu, tức ngực nhẹ.

Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) những ngày qua tiếp nhận rất nhiều trường hợp đến khám hậu COVID-19. Bên cạnh những người có triệu chứng dai dẳng như mất ngủ, đau đầu, viêm khớp, đau cơ, mệt mỏi, khó thở, tức ngực… thì cũng có nhiều người lo lắng thái quá, cứ đi khám cho yên tâm.

Không ít bệnh nhân chia sẻ: “Nếu chỉ viêm đường hô hấp trên không có vấn đề gì, nhưng nếu có đờm xanh tức là đã xuống phổi, di chứng đó mình chắc chắn phải đi khám hậu COVID-19. Tôi đã tìm hiểu trên mạng xã hội”. “Bản thân tôi trong quá trình bị COVID-19 cũng không gặp tình trạng gì quá nghiêm trọng cả. Sau đó hồi phục và đi làm sau một tuần. Tuy nhiên, thời gian gần đây tôi đọc được rất nhiều thông tin về những di chứng hậu COVID-19 nên cảm thấy lo lắng cho sức khỏe của bản thân”.

Dù mới đi vào hoạt động nhưng Phòng khám hậu COVID-19 Bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân đến khám mỗi ngày. Các trường hợp đến khám đa số là người già, người có bệnh lý nền trên 60 tuổi; cá biệt, có một số trường hợp còn trẻ, song cũng gặp phải tình trạng suy hô hấp không cải thiện, phải nhập viện điều trị.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, số lượng bệnh nhân đến khám hậu COVID-19 cũng tăng lên từng ngày. Bệnh nhân đến khám chủ yếu vì những triệu chứng hô hấp và tâm lý, như: lo lắng, mất ngủ, mệt mỏi…

Tại thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám hậu COVID-19, Bệnh viện Đại học Y dược trong hơn một tháng tiếp đón tới 4.000 bệnh nhân. Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Phục hồi chức năng đón hơn 1.000 bệnh nhân đến khám trong tháng 1 và tháng 2.

Ngoài ra, tại một số cơ sở khám chữa bệnh tại TP Hồ Chí Minh, dịch vụ khám hậu COVID-19 có nhiều mức giá, dao động từ 1.500.000 - 7.000.000 đồng/gói, tùy cơ sở y tế và nhu cầu của người bệnh. Trên mạng, người ta quảng cáo rầm rộ, đủ kiểu khám, đủ gói khám, từ 2,5 triệu đến trên 6 triệu đồng. Có nơi còn nhấn mạnh: tất cả F0 đều cần khám tầm soát hậu COVID-19 sau khỏi bệnh từ 4 tuần đến 6 tháng. Nhiều bài viết kể về tính rất nghiêm trọng của hậu COVID-19, với hàng trăm di chứng để lại!?...

Theo các bác sĩ, đây là gói dịch vụ không cần thiết. Bệnh nhân có thể đăng ký khám như khám bệnh bình thường, thậm chí khám theo BHYT. Trước tình trạng “loạn giá” dịch vụ khám sức khoẻ hậu COVID-19, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản chấn chỉnh việc tổ chức khám sức khoẻ hậu COVID-19. Theo đó, Sở Y tế TP yêu cầu không điều chỉnh tăng giá các dịch khám bệnh, chữa bệnh kể cả các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu; không lạm dụng các chỉ định cận lâm sàng khi khám sức khoẻ cho người bệnh hậu COVID-19 trong trường hợp không cần thiết.

Hậu COVID-19 cần có thời gian hồi phục

Theo một số chuyên gia y tế, hậu COVID-19 có thể xảy ra với bất kỳ người nào từng nhiễm SARS-CoV-2, ngay cả khi bị bệnh nhẹ. Hội chứng này xảy ra trong vòng 3 tháng và có triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng, không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.

Thế nhưng, ở một góc độ khác, cũng có những trường hợp chủ quan, dù đã khỏi COVID-19 nhưng không đi khám hoặc đến cơ sở y tế muộn dù xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm, khiến bệnh trở nặng. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, qua thăm khám phát hiện một số bệnh nhi bị viêm phổi nặng do vi khuẩn. Điều này bắt nguồn từ việc phụ huynh chủ quan khi cho rằng trẻ em sau khi mắc COVID-19 hiếm để lại triệu chứng và không theo sát diễn biến sức khỏe khi trẻ mắc bệnh khác. Đơn cử, một cháu bé ở Đan Phượng, Hà Nội bị viêm phổi nặng, gia đình cứ nghĩ cháu khỏi COVID-19 rồi nên chậm đi khám, nhưng lần này cháu viêm phổi do nhiễm vi khuẩn. “Trong khi có những người chẳng có triệu chứng gì cũng đi khám hậu COVID-19, nhưng có những trường hợp do lo sợ tái nhiễm COVID-19 nên không đến bệnh viện khám dù có triệu chứng nặng của các bệnh khác. Theo tôi, khi có triệu chứng nên đi khám”.

Cùng đó, TS.BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh chia sẻ, hiện nhiều người mắc COVID-19 bệnh nhẹ nhưng có cảm giác mất năng lượng sau khi khỏi, ví dụ như cảm nhận tay chân rã rời, mệt mỏi, kém tập trung, rụng nhiều tóc... Những điều này thực ra là những triệu chứng hay gặp ở bệnh nhân sau khi mắc các bệnh lý khác do virus như sốt xuất huyết hay cúm. Việc người dân quá lo lắng, thậm chí sợ hãi trước các thông tin về hậu COVID-19 là không cần thiết. Bởi hậu COVID-19 cũng giống như hậu truyền nhiễm và cần phải hồi phục. Bệnh nhân sau nằm hồi sức phải chuyển sang tập phục hồi chức năng phổi (xơ phổi), khó khăn đi lại (tập tăng cơ)...

Theo bác sĩ Khanh, có 3 vấn đề hậu COVID-19 đáng lo ngại: tăng đông (bệnh nhân có nguy cơ tăng đông máu khi mắc COVID-19), bệnh nhân mắc COVID-19 quá nặng nằm hồi sức và vấn đề sức khoẻ tâm thần (một số bệnh nhân quá lo lắng cần phải khám điều trị).

Tương tự, tại hội nghị khoa học mới đây, các chuyên gia nhấn mạnh: có không ít người bị hậu COVID-19 nhưng chỉ khoảng 10 - 20% có biểu hiện kéo dài từ trên 12 tuần đến 3 tháng. Điều này có nghĩa không phải tất cả mọi người sau F0 đều cần đi khám tầm soát hậu COVID-19. Nhóm cần thiết đi khám là những đối tượng có bệnh nền, 60 tuổi trở lên, F0 phải nhập viện…

Các chuyên gia cũng cho rằng, với một số trường hợp chụp phổi phát hiện xơ hóa, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc chống dị ứng và yêu cầu bệnh nhân tập thở. Ngoài ra, yếu tố tâm lý sau khi khỏi COVID-19 vẫn cực kỳ quan trọng. Nhiều người nghe tin đồn, nhất là thông tin liên quan đến phổi là rất hoảng loạn. Vì vậy, khi muốn đi khám hậu COVID-19, người dân nên “chọn mặt gửi vàng”, tìm những cơ sở thăm khám uy tín chứ không vào những chỗ hay “vẽ vời” để rồi về nhà lo lắng, trầm cảm. Lo lắng, trầm cảm thì lại mất ngủ, cứ một vòng luẩn quẩn như thế. “Theo tôi, chúng ta cứ hết sức bình tĩnh. Trong y khoa, hậu COVID-19 gần như không có cách giải quyết nhanh chóng. Ta buộc phải hết sức bình tĩnh, cứ tập dần dần, đợi cơ thể tự hồi phục dần dần”, ông Khanh nói.

Bất cứ trạng thái quá mức nào cũng đều không tốt. Quá lo lắng về các biến chứng sau thời gian mắc COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện hay làm trầm trọng thêm các triệu chứng như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm,… Thực trạng hiện nay, không ít trường hợp rơi vào tình trạng “chưa khỏi COVID đã mắc hậu COVID”. Thậm chí vì sợ biến chứng hậu COVID mà có những trường hợp mắc bệnh dù không có bệnh nền, đã tiêm đủ liều vaccine, không triệu chứng vẫn lo lắng đến rối loạn ngủ, luôn đòi hỏi phải được điều trị tại bệnh viện. Nhiều trường hợp gia đình lo sợ con trẻ mình có thể gặp phải các triệu chứng của hậu COVID, nhất là hội chứng MIS-C đã tự tìm các đơn thuốc từ trên mạng rồi tích trữ, cho con uống đủ loại thuốc, thực phẩm chức năng, xông hơi… nhằm điều trị, tăng sức đề kháng.

Rõ ràng không phải tất cả người mắc COVID đều gặp phải hậu COVID sau này, thậm chí các vấn đề của hậu COVID cũng chưa đến mức cảnh báo. Việc tự lo lắng thái quá có thể kéo theo các dấu hiệu vấn đề về tâm thần, ảnh hưởng tới sức khỏe và quá trình hồi phục của bản thân người bệnh sau khi khỏi bệnh.

Không nên tin theo những chỉ dẫn không căn cứ trên mạng xã hội

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sau khi mắc COVID-19, có thể sức khỏe bị giảm sút. Do đó, người bệnh nên cân đối khẩu phần ăn bảo đảm cung cấp đủ dinh dưỡng, bổ sung thêm hoa quả, nước cam, nước chanh… Ngoài ra, người bệnh có thể dùng thêm các loại vitamin C để tăng cường sức đề kháng. Mọi người nên duy trì tinh thần thoải mái, tập thể dục, tập thở ở nơi có không khí trong lành, uống nhiều nước, ngủ đúng giờ, không nên lo nghĩ quá nhiều. Đặc biệt, không nên tin theo những chỉ dẫn không có căn cứ khoa học trên mạng xã hội, không nên phí tiền vào các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo hỗ trợ hậu COVID-19, nhưng chưa được cấp phép, chứng minh rõ ràng.

Đọc thêm