Đà Nẵng khuyến nghị tăng cường dùng dịch vụ công trực tuyến: Ngày 4/2, thời tiết Đà Nẵng nắng đẹp, rất thích hợp cho các hoạt động vui chơi, lễ hội, nhưng nhiều điểm du lịch đìu hiu. Di tích Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà, Bà Nà Hills, Sunword, Núi Thần Tài… ít khách đến tham quan, vui chơi.
Các trung tâm thương mại lớn như Vincom, Lotte và các quán ăn, cửa hàng cà phê, rạp chiếu phim… lượng khách giảm đáng kể. Người dân luôn trong trạng thái tự ý thức vệ sinh, tránh nơi đông người, thường xuyên sử dụng khẩu trang khi ra ngoài.
Một bác sỹ công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng cho hay nhiều người dân khi có các triệu trứng ho sốt, đều ùn ùn đến để xét nghiệm, đông bất thường, dẫn đến quá tải. Mỗi y bác sĩ có khi còn phải tiếp nhận cả trăm cuộc điện thoại, tin nhắn giải đáp các thắc mắc về bệnh dịch của không chỉ của bệnh nhân mà của cả người thân, bạn bè.
Ngày 4/2, Đà Nẵng đã phát đi công văn tuyên truyền, khuyến nghị người dân tăng cường dùng dịch vụ công trực tuyến nhằm hạn chế việc tiếp xúc nơi đông người. Tạm dừng tổ chức các lễ hội chưa khai mạc.
Nhiều hội thảo, hội nghị, lịch ra mắt phim, lịch thi đấu thể thao... đều vì dịch Corona đã thay đổi thời gian hoặc ngừng vô thời hạn. Nhiều gia đình đã đặt vé cho các chuyến du xuân hay đặt lịch lễ chùa, đi chơi đầu năm đều hủy bỏ.
Học sinh các cấp tại Đà Nẵng được nghỉ học một tuần, từ 3/2 đến hết 9/2, để đối phó tình hình phức tạp của dịch Corona. Anh Hoàng Quân (ngụ quận Sơn Trà), cho biết, đây là quyết định đúng đắn trong bối cảnh này, song các phụ huynh ngoài nỗi lo vì dịch còn phải cuống cuồng tìm giải pháp chăm con: “Nhà tôi rất rối, không biết nên gửi con ở đâu. Cuối cùng đành chọn giải pháp bố giữ con, có thể dắt đi quán cà phê vì công việc trao đổi online. Mẹ đi làm bình thường”. Trong khi đó, nhiều hộ gia đình khác đưa con về quê tránh dịch.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng, địa phương đã tiếp nhận, cách ly 90 người có biểu hiện sốt, ho; cơ quan chức năng cũng giám sát tại cộng đồng 37 trường hợp. Sau khi cách ly 90 người để theo dõi và điều trị theo quy trình phòng dịch nhóm A, đến nay đã có 59 bệnh nhân được xuất viện. Những trường hợp còn lại đang được theo dõi và chờ kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang.
Ông Nguyễn Hóa, PGĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP thông tin, ngày 3/2, có 130 máy bay, 6 tàu biển nhập cảnh Đà Nẵng. Qua giám sát, phát hiện 6 hành khách có dấu hiệu sốt nhẹ, đang theo dõi ở cộng đồng. Từ 1/2 đến 4/2, TTYT các quận huyện đã phun hóa chất Chloramin B khử khuẩn tại 533 cơ sở trường học, 33 chợ, 51 cơ sở khác trên địa bàn.
Chủ tịch UBND Đà Nẵng đã ban kế hoạch phòng chống dịch corona ở 4 cấp độ, yêu cầu Sở Y tế lên phương án thu dung một số cơ sở giáo dục để lập bệnh viện dã chiến đáp ứng việc chữa trị nếu dịch bệnh bùng phát. TP yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người; trừ các trường hợp thật sự cần thiết để phục vụ phòng, chống dịch bệnh.
Huế kết hợp “Ngày Chủ nhật xanh” trong vệ sinh phòng dịch: Tại cuộc họp với BCĐ tỉnh về phòng chống dịch Corona, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Phan Ngọc Thọ chỉ đạo, trước mắt, tập trung công tác vệ sinh phòng dịch, cung cấp đủ lượng hóa chất để phun tiêu độc, khử trùng tất cả các địa điểm trên địa bàn tỉnh.
Thừa Thiên – Huế kết hợp “Ngày Chủ nhật xanh” để tổng vệ sinh cơ quan, đơn vị, trường học, các chợ, nơi tụ tập đông người, tạo không gian sạch đẹp, thoáng mát, ngăn chặn dịch bệnh phát triển. Ngành Tài chính tham mưu nguồn kinh phí cho tỉnh để ngành Y tế chủ động phối hợp với các đơn vị cung cấp khẩu trang đảm bảo chất lượng và giá cả; đồng thời tăng cường phối hợp với các đơn vị tài trợ để cung cấp và phát khẩu trang miễn phí cho người dân.
Sở Du lịch phải theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chỉ đạo các công ty du lịch hủy các tour, gói du lịch, không tổ chức các đoàn khách tới các tỉnh thành đang có dịch, có người mắc bệnh; không đón khách du lịch từ vùng có dịch đến Thừa Thiên - Huế. Các đơn vị khai thác du lịch phải tổng hợp số lượng khách du lịch theo vùng, quốc gia để quản lý; với khách du lịch là người Trung Quốc phải khoanh vùng, kiểm tra thời hạn lưu trú.
Nhiều người không đeo khẩu trang phòng dịch tại Cần Thơ: Tại TP Cần Thơ, nhiều nơi phát khẩu trang miễn phí để chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch bệnh. Nhiều công ty, xí nghiệp, cơ quan bắt buộc người lao động phải đeo khẩu trang khi đi làm. Tuy nhiên, một bộ phận lại “phớt lờ”.
Chiều qua (4/2), trên đoạn đường dài hơn 40km từ quận Thốt Nốt về trung tâm quận Ninh Kiều, theo quan sát, nhiều người không đeo khẩu trang khi ra đường và chốn đông người.
Một phòng cách ly điều trị tại Khoa Nhiễm D, BV Bệnh nhiệt đới TP HCM. |
Tại siêu thị Co.opmart Thốt Nốt, khi được hỏi tại sao không đeo khẩu trang trong mùa dịch bệnh, một số người trả lời: “Đeo khẩu trang ngộp và khó chịu lắm, sao chịu nổi”; “Dịch bệnh còn xa lắm chưa tới mình đâu”…
Tại một số tuyến đường lớn như 3/2, 30/4, Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng… có tình trạng tương tự. Tại một nhà hàng lớn ở trung tâm TP Cần Thơ, khách đông đúc nhưng nhân viên nơi đây vẫn không đeo khẩu trang khi phục vụ thực khách, lý do: “Đeo khẩu trang người ta sợ không dám vào ăn”.
Điện Biên lập chốt chặn các đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới: Tại Điện Biên, địa phương có chung đường biên giới với Trung Quốc, hôm qua (4/2), tại Hội nghị triển khai kế hoạch phòng, chống dịch, tỉnh cho biết chú trọng việc lập chốt chặn trên các đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới, tạm dừng việc nhập cảnh người từ vùng có dịch vào địa bàn; kiểm soát, lập hồ sơ theo dõi và đo thân nhiệt người qua cửa khẩu…
Bên cạnh đó, tỉnh lập danh sách người lao động, học sinh, sinh viên đi lao động, học tập ở Trung Quốc về nước và xác minh nguồn lao động, học tập để theo dõi, nắm bắt tình hình; có các phương án phòng, chống, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và phương án di chuyển, cách ly bệnh nhân tại Cảng hàng không Điện Biên…
Lực lượng Biên phòng Lai Châu bố trí tổ công tác trực 24/24h: Theo thống kê của cơ quan chức năng, số người dân đi lao động từ Trung Quốc về Lai Châu trước và sau Tết Nguyên đán là hơn 10 nghìn người.
Sau Tết Canh Tý, người dân có nhu cầu sang Trung Quốc thăm thân, du lịch và lao động rất lớn. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã có Công văn số 141 về việc tạm dừng các hoạt động qua lại cửa khẩu phụ và lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh.
Tại các cửa khẩu và lối mở, bố trí tổ công tác trực 24/24h, kiểm soát chặt chẽ người dân qua lại. Những trường hợp người Việt Nam về nước do lực lượng chức năng phía Trung Quốc bàn giao, sẽ được cách ly theo dõi trong 14 ngày.
Tỉnh đã lập khu vực cách ly tạm thời tại Trường Quân sự tỉnh (phường Quyết Thắng, TP Lai Châu) gồm 80 giường, có hệ thống nhà bếp nhà ăn; có thể bố trí 200 - 250 người tạm trú. Dự kiến, tỉnh sẽ thành lập bệnh viện dã chiến tại thao trường Bộ CHQS tỉnh mặt bằng khoảng 2,5ha với 50 cặp giường đôi, có hệ thống nhà bếp, nhà ăn…
Hai BV đầu ngành trong điều trị các bệnh truyền nhiễm là BV Bệnh nhiệt đới TW và BV Bệnh nhiệt đới TP HCM đã sẵn sàng về mọi mặt cho công tác thu dung và điều trị bệnh do nCoV gây ra, quyết không để bị “vỡ trận” nếu dịch xảy ra trên diện rộng.
TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP HCM cho biết, công tác ứng phó khi bệnh lây lan đã được chuẩn bị sẵn sàng. Hiện bệnh nhân khi được chuyển về BV sẽ được điều trị cách ly tại Khoa Nhiễm D với sức chứa 150 giường. BV cũng đã chuẩn bị dự phòng toàn bộ các khoa còn lại để tiếp nhận bệnh khi cần thiết.
Ngành Y TP HCM quyết không để bị “vỡ trận” khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng. Để làm được điều đó, điều đầu tiên là thực hiện việc phân luồng, phân tuyến rõ ràng với từng mức độ.
Khi bệnh đã lan tràn trong cộng đồng, bệnh nhân sẽ không cần phải xét nghiệm xác định nCoV nữa, mà ưu tiên xét nghiệm ngẫu nhiên một số trường hợp. Các trường hợp xét nghiệm chỉ dành cho các ca nặng để xác định virus. Vấn đề lúc này là tự cách ly để không lây thêm cho những người khác và theo dõi điều trị tại chỗ.
Trường hợp nhẹ nhất, bệnh nhân sẽ đến các trạm y tế cơ sở để được hướng dẫn về nhà tự uống thuốc điều trị. Với những trường hợp bệnh nặng hơn thì tất cả các BV trong TP sẽ tiếp nhận vào những khu cách ly.
Chỉ những trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân cần thở máy thì mới chuyển đến các BV tuyến cuối như BV Bệnh nhiệt đới, BV Nhân dân Gia Định, BV Nhân dân 115, BV Nguyễn Tri Phương, BV Chợ Rẫy.
Ở tình huống dịch bệnh lan rộng, BV Bệnh nhiệt đới sẽ là nơi điều phối, hướng dẫn cố vấn chuyên môn. Dù bệnh do nCoV, nhưng biến chứng chủ yếu là viêm phổi, nên các BV nội khoa tại TPHCM và các BV của các tỉnh thành phía Nam đều có thể tự điều trị hồi sức hô hấp.
Còn BV Bệnh nhiệt đới TW đã huy động tất cả cán bộ y tế tham gia công tác chống dịch nCoV, trong đó có 60 cán bộ trực tiếp chăm sóc, điều trị người dương tính và theo dõi giám sát người nghi ngờ. BV thành lập 2 đội cấp cứu cơ động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới.
Hiện BV có khả năng điều trị 1.000 người, trong đó 600 người giám sát, 400 ca điều trị và khoảng 50 giường điều trị tích cực và sẵn sàng cho BV dã chiến khi cần huy động.