Cuộc trốn chạy của“tù nhân” trại gỗ qua lời kể của nhân chứng địa phương

"Mỗi người trốn ra đều nói họ phải dậy từ 5h sáng, bưng bê gỗ, xẻ gỗ, đóng balet đến 7h tối. Đến tối tất cả bị nhốt vào khóa trái cửa, không ai được ra, ỉa đái ngay tại đó. Mỗi người trốn được ra ngoài, người dân chúng tôi  đều cho ăn, cho ít tiền, lại cử người lén đưa ra lộ cho họ về quê. Có người sau khi về đã điện thoại khóc lóc, xin lên đây để được đền ơn, nhưng chúng tôi nói đừng lên, họ phát hiện ra bắt giữ lại thì khổ đời", lời của nhân chứng địa phương.

[links()]Trước dấu hiệu "bưng bít thông tin" của cơ quan chức năng huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) trước cái chết tức tưởi của một lao động trong cuộc bỏ trốn từ trang trại gỗ, nhóm phóng viên Xa lộ Pháp luật từ TP.HCM quyết định độc lập xâm nhập tìm hiểu sự việc.

Bụi tre nơi những người lao động “vượt ngục” thường chui vào ẩn nấp
Bụi tre nơi những người lao động “vượt ngục” thường chui vào ẩn nấp

Nghe người địa phương kể chuyện nô lệ khốn khổ “vượt ngục”

Với đa số người dân ở gần trang trại này, đều cho rằng cái chết của nam thanh niên này cực nhiều nghi vấn.

Khi phóng viên tìm vào một hộ ở gần trang trại để hỏi về sự việc, người vợ chủ nhà e ngại lắc đầu: "Hôm đó chúng tôi đi cạo mủ sao su hết, không biết sự việc xảy ra đâu mà hỏi".

Người chồng cũng nhăn nhó: "Chúng tôi ở cách đó mấy căn nên không biết sự việc xảy ra đâu, anh chị tìm nơi khác mà hỏi". Ghé một hộ có ngôi nhà nhỏ xíu, dựng bằng gỗ gần đó cũng nhận được những cái lắc đầu tương tự.

Nhận thấy sự e ngại, sợ hãi của người dân, nhóm phóng viên quyết định quay lại từng nhà, lần lượt xuất trình thẻ nhà báo, giấy tờ để thể hiện thiện chí làm việc của mình.

Nhận ra những người "lạ hoắc" không phải "nội gián", những người dân mới dám mời phóng viên vào nhà: "Vợ chồng họ ở đây 10 năm làm những chuyện khủng khiếp như vậy, dân kêu quá trời mà không ai xử lý bởi họ có người bao che. Chúng tôi sợ họ cho người giả bộ đến thám thính, nếu chúng tôi nói ra sẽ trả thù, giờ biết các cô các chú là nhà báo thật, biết cái gì tôi sẽ kể hết".

Người địa phương cho hay trang trại này không tuyển người trong vùng, chỉ tuyển những người dưới miền Tây lên làm mướn. Những người lao động trong đó bị đánh đập, giam nhốt, bỏ đói, đêm trốn ra ngoài rất nhiều.

Có nhà có lần buổi tối đang ngồi ăn cơm, thấy có người người lê lết trên bậc hè, bò qua ngưỡng cửa vào nhà. Chủ nhà sợ chết khiếp, định la lớn thì người lạ mới thì thào: "Xin anh chị đừng la, chị la chúng nó giết tôi đó".

Quá quen với những người trốn chạy từ trang trại nên khi người lạ lết được vào nhà, chủ nhà đóng sập lại cửa chính che giấu.

Hoàn hồn lại, người bỏ trốn nói với chủ nhà: "Tôi vừa đói vừa sợ, đi không nổi, may mà trời tối cây cối rậm bò vô được nhà anh chị mà tụi nó không phát hiện. Anh chị làm ơn làm phước chở tôi ra lộ lớn, tôi ơn anh chị suốt đời, chúng nó mà tìm được tôi chúng nó giết chết".

Sau khi vợ chồng chủ nhà cho ăn, người lạ đã hồi sức, lợi dụng đêm tối người địa phương mới lén lấy xe gắn máy chở người thanh niên quê Trà Vinh ra đường, còn dúi thêm 200 ngàn đồng để mua vé về quê.

Sản phụ mới sinh nửa đêm bồng con bơi qua hồ chạy trốn

Đi dọc ấp Cà Tông (trang trại gỗ nằm giáp ranh giữa ấp Thanh Tân và ấp Cà Tông), hỏi nhà nào nhà nấy đều biết chuyện nô lệ khổ sai trong trang trại. Mỗi năm trong đó đến 5 - 6 lần người lao động bỏ trốn, có lần trốn cả 5-6 người. Nếu họ trốn được vào nhà dân mà không bị bắt lại, thường người địa phương đều cho ăn, cho tiền, đêm đến cho xe đưa ra lộ cho họ về quê.

Hồ nước
Hồ nước - lối “vượt ngục” duy nhất của các nạn nhân

Một bác người địa phương thuật lại, hồi tháng 12 năm ngoái, đêm đó trời mưa rí rách cả đêm nên rất lạnh, sáng hôm sau bác vô lô cao su lúc 6h sáng thì phát hiện một người thanh niên ngồi co ro trong trong bụi tre gai. Hỏi làm gì mà chui vào đó. Anh ta nói anh ta trốn từ trại gỗ ra từ tối qua, nhưng đêm tối, không biết đường, với lại sợ chui ra bị bắt nên cứ ngồi đó suốt đêm.

"Tôi thấy thương quá, thanh niên trai trẻ mà gày gò đói rét. Tôi lén đưa anh ta về nhà bảo vợ xúc cho chén cơm, đưa cho bộ quần áo khác để mặc rồi lấy xe honda, đưa anh ta ra lộ cho về quê. Tôi sợ chủ trang trại nhìn thấy nên có dám đi đường chính đâu, cứ giữa lô cao su mà chạy", người đàn ông trung niên đỏ hoe mắt.

Đang nói chuyện, một đoàn xe máy với khoảng chục người cả thanh niên, phụ nữ, các bác trung niên tìm đến. Thì ra cặp vợ chồng trước tiếp xúc với phóng viên đã tin những nhà báo đến tìm hiểu để giúp người lao động, nên huy động những nhân chứng là người dân xung quanh đến trình bày sự việc.

Một bác trung niên khoảng 50 tuổi phẫn nộ: "Tôi chắng biết họ đối xử với lao động thế nào, nhưng toàn là thanh niên trai tráng trong độ tuổi lao động, có phải ốm yếu gì cho cam mà cũng không chịu nổi.

Mỗi người trốn ra đều nói họ phải dậy từ 5h sáng, bưng bê gỗ, xẻ gỗ, đóng balet đến 7h tối. Đến tối tất cả bị nhốt vào khóa trái cửa, không ai được ra, ỉa đái ngay tại đó. Mỗi người trốn được ra ngoài, người dân chúng tôi  đều cho ăn, cho ít tiền, lại cử người lén đưa ra lộ cho họ về quê. Có người sau khi về đã điện thoại khóc lóc, xin lên đây để được đền ơn, nhưng chúng tôi nói đừng lên, họ phát hiện ra bắt giữ lại thì khổ đời".

Đến lượt nhân chứng là một thanh niên khác: "Đêm đó tôi đang thả lưới trên hồ thì thấy hai bóng đen lặng lẽ bơi qua sông. Thấy thuyền tôi, họ không nói nhưng vẫy tay rối rít cầu cứu. tôi lại gần thì thấy người thanh niên đang giơ trên đầu là một em bé.

Sau khi lên thuyền họ nói họ từ trại gỗ ra, em bé mới sinh được hơn một tháng. Nhưng những người trong đó đánh vợ chồng họ dữ quá, họ không chịu nổi, lợi dụng trời đêm đội con trên đầu, bơi qua sông trốn.

Lúc tôi đưa họ lên bờ cháu bé tím tái, phải ủ ấm cả mấy tiếng đồng hồ mới hồng trở lại, mấy người hàng xóm chúng tôi hùm tiền cho họ mấy trăm ngàn, cử người ra chở họ ra bắt xe về quê. Vợ chồng anh chị đó hình như người Sóc Trăng, tôi cũng không nhớ lắm".

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm