Áp Tết, hầu hết các cửa hàng nhỏ lẻ, siêu thị, thậm chí cả các quầy bán lưu động đều tung ra các “chiêu” khuyến mại “mùi mẫn”. Thực tế, đây chỉ là cách kích cầu, thu hồi vốn của người kinh doanh, chứ không phải do thiện chí hướng đến khách hàng. Không ít người ham rẻ đã ngậm ngùi trong tiếc nuối vì mua phải hàng kém chất lượng.
Đua nhau giảm giá
Dạo qua bất cứ con phố nào ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, người ta đều có thể dễ dàng tìm thấy các biển quảng cáo, băng-rôn ghi: “Hàng giảm giá”, “Mùa xả hàng cuối năm”, “Hàng siêu rẻ”, “Giảm giá cực rẻ”, “Thanh lý toàn bộ”… Trong đó, nhiều mặt hàng ghi giảm đến 80%. Một số khách hàng nhẹ dạ, thích hình thức mua sắm tiện lợi (đa phần là người thu nhập thấp, sinh viên) đã vào các trang mạng tìm hàng và đã phải “nếm quả đắng”.
|
Các điểm xả hàng nhan nhản mọc lên khắp nơi |
Có hàng trăm mặt hàng góp mặt vào guồng quay “xả hàng”, từ những thứ nhỏ bé nhất là chiếc tăm, đến những thứ giá trị cả đống tiền như nhà, đất cũng được giới kinh doanh tính toán trút đi cho… nhẹ nợ.
Khuyến mại nhiều nhất là các mặt hàng điện máy, quần áo, mỹ phẩm, kính mắt…, mà trong đó có không ít sản phẩm thuộc loại lỗi mốt, hết hạn sử dụng, trộn lẫn hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng tồn kho. Một số địa điểm bán quần áo, chăn ga, gối đệm “lưu động” - thực chất là hàng hóa được chở đi bán vỉa hè, nơi này bị đuổi thì đến nơi khác - cũng “tung chiêu” hết sức nhộn nhạo.
Tuy thế, cửa hàng vẫn ế ẩm, vắng khách. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, dẫu là hàng khuyến mại, giảm giá thì việc người dân “nâng lên đặt xuống” khi mua là điều dễ hiểu.
Chị Bích Ngọc (Thường Tín), đi mua quần áo giảm giá tại một cửa hàng trên phố Chùa Bộc, chia sẻ: “Đi mua hàng nhiều tôi biết, đa số người ta đều nâng giá sản phẩm lên cao trước khi có chương trình “xả hàng” rồi giảm xuống, nhằm đánh vào tâm lý người tiêu dùng. Có lần tôi đã mua một chiếc áo khoác trên phố Chùa Bộc, mang về mặc mấy lần chỉ đường may đã bục, hóa ra là hàng Trung Quốc giá rẻ chứ chả phải hàng Việt Nam”.
Cũng mang tâm lý bức xúc như chị Ngọc, chị Thu Vân xem thông tin quảng cáo khuyến mại trên mạng, đã đến phố Tây Sơn mua chiếc nồi cơm điện. Mang về nhà sử dụng, chỉ được mấy ngày, lớp chống dính trong ruột nồi đã bong nham nhở, dây nguồn bị nhũn. Kiểm tra, hóa ra là hàng Trung Quốc được dán nhãn Toshiba.
Cảnh giác cao độ
Tại chợ Đồng Xuân, trong vòng hai tháng qua, các cơ quan chức năng liên tục bắt giữ các lô hàng lậu. Gần nhất, sáng 4-1-2013, Đội Quản lý thị trường số 4 (Hà Nội) phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an TP. Hà Nội) đã bắt quả tang lô hàng lậu tại chợ Đồng Xuân gồm các loại đồ chơi trẻ em, quần áo, mứt, ô mai...
Trước đó, cơ quan chức năng đã kiểm tra Công ty TNHH Hạnh phúc Mỹ phẩm (301 phố Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) và phát hiện khối lượng lớn hàng mỹ phẩm hết (hoặc gần hết) hạn sử dụng, nhưng được “phù phép” bằng cách dán mác mới đè lên mác cũ.
Tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư An Phát (143 đường Nguyễn Tuân) phát hiện hơn 1000 thùng bánh kẹo nhập từ In-đô-nê-xi-a đã “quá đát”, nhiều thùng được xóa hạn sử dụng cũ và dán hạn mới…
Qua tìm hiểu, tại chợ đầu mối Ninh Hiệp có đến gần 80% hàng vải, may mặc là nhập từ Trung Quốc. Tương tự, ở chợ Đồng Xuân, đến 91% hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc và đa số không có hóa đơn, chứng từ, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.
Một vấn đề khác, ngay cả những chương trình khuyến mại, “xả hàng” cũng phạm luật. Ví dụ, nhà nước quy định: Một chương trình khuyến mại không vượt quá 45 ngày, mức giảm giá không vượt qua 50%, thế nhưng vẫn có những nơi căng biển giảm từ 70 đến 90%. Đơn cử như tại một cửa hàng ở phố Lò Đúc, người ta bán “hàng thanh lý” suốt bốn tháng. Hàng cũ vơi đi, cửa hàng lại tiếp tục nhập thêm hàng mới về… thanh lý(?!)
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết: “Lúc này là thời điểm nóng về tập kết và tiêu thụ hàng lậu, các lực lượng chức năng dẫu “gồng mình” cũng rất khó kiểm soát hết, cho nên người tiêu dùng cần cảnh giác cao độ trong việc lựa chọn mua hàng khuyến mại, để không bị mắc lừa”.
Cũng theo ông Phú, lực lượng chống buôn lậu quá mỏng, dù cần mẫn kiểm tra lần lượt, thì với số lượng tiểu thương, doanh nghiệp như hiện nay, “phải mất bẩy năm mới quay hết một vòng”. Đó là chưa kể đến chuyện một số người thiếu trách nhiệm, “bảo kê” cho người kinh doanh bất hợp pháp. Hệ quả là cả nước có đến 80% lượng hàng hóa bán lẻ không có hóa đơn, và một bộ phận người kinh doanh tha hồ khuấy động thị trường bằng các hình thức phạm pháp.
Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã có hiệu lực từ tháng 7-2011, nhưng rất nhiều người tiêu dùng vẫn bị móc túi, chưa thật sự được bảo vệ. Không thể chậm trễ, các cơ quan chức năng cần tích cực hơn nữa, không để gian thương nhiễu loạn thị trường. Bên cạnh việc yêu cầu người tiêu dùng phải “thông thái”, các cơ quan chức năng cần thật sự “vào cuộc”, nhằm ổn định thị trường, giảm thiểu số người tiêu dùng ngậm ngùi và âu lo.
Diên Khánh