Cưỡng bức tình dục trong hôn nhân là bạo lực gia đình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Điều luật về nhóm hành vi bạo lực gia đình trong Dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) sửa đổi đã “chỉ mặt, đặt tên rõ ràng” cho hành vi “cưỡng bức tình dục trong hôn nhân” là “cưỡng ép quan hệ tình dục, cưỡng ép thực hiện hành vi tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng” là bạo lực gia đình...
Trong dự thảo Luật PCBLGĐ sửa đổi, điều luật về nhóm hành vi bạo lực gia đình chỉ rõ, hành vi “cưỡng bức tình dục trong hôn nhân”.
Trong dự thảo Luật PCBLGĐ sửa đổi, điều luật về nhóm hành vi bạo lực gia đình chỉ rõ, hành vi “cưỡng bức tình dục trong hôn nhân”.

Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) được ban hành từ năm 2007. Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì luật đã và đang cho thấy sự tồn tại của một số quy định còn bất cập cần phải sửa đổi.

Xóa bỏ quan niệm “phục tùng tình dục” trong quan hệ vợ chồng

Cách đây không lâu, Công an huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Lý Văn Quang (35 tuổi, thường trú tại huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) về tội hiếp dâm theo quy định tại Bộ luật Hình sự. Nạn nhân của Quang chính là người vợ - chị N.T.V. (31 tuổi, thường trú tại xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình). Do mâu thuẫn gia đình, tháng 8/2019, chị V. viết đơn ly hôn gửi tòa án huyện và về nhà bố mẹ đẻ sinh sống.

Để vợ từ bỏ ý định ly hôn và quay về chung sống, Lý Văn Quang đã nhiều lần đến nhà vợ để níu kéo nhưng bất thành. Vào 18h ngày 5/2/2020, Quang điều khiển xe mô tô đến gặp vợ, thấy chị V. ở nhà một mình, Quang đã dùng dao đe dọa và dùng vũ lực khống chế giao cấu trái ý muốn với chị V. Ngay sau khi nhận được đơn trình báo của gia đình bị hại, Công an huyện Lộc Bình đã xác minh làm rõ và ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Lý Văn Quang.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sau sự việc này, có hai luồn ý kiến trái chiều nổ ra một bên cho rằng từ khi ban hành Bộ luật Hình sự năm 1985 đến nay, pháp luật hình sự Việt Nam vẫn duy trì quan điểm là đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục để bảo vệ nhân phẩm con người, đặc biệt là phụ nữ. Bởi vậy, chưa bao giờ pháp luật Việt Nam quy định loại trừ trách nhiệm hình sự khi vợ và chồng giao cấu trái ý muốn. Do đó, việc Công an huyện Lộc Bình khởi tố Lý Văn Quang về hành vi hiếp dâm là có căn cứ pháp luật. Bởi tội danh này không quy định chủ thể đặc biệt, không loại trừ trường hợp chủ thể là vợ, chồng, bởi vậy cứ đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, có năng lực hành vi dân sự mà thực hiện hành vi như trên thì sẽ bị xử lý hình sự về tội hiếp dâm

Quan điểm phản bác lại cho rằng với nền văn hóa Á Đông truyền thống thì khi thực thi pháp luật, những quy định về tội danh hiếp dâm, cưỡng dâm ở nhiều trường hợp “mặc nhiên” được hiểu là không bao gồm trường hợp hiếp dâm hoặc cưỡng dâm trong quan hệ hôn nhân. Nếu có xảy ra việc xâm hại tình dục trong hôn nhân thì đây là vấn đề của bạo lực gia đình chứ không phải tội phạm hình sự. Và người Việt Nam thường soi chiếu người phụ nữ bằng thuyết “tam tòng, tứ đức”, người vợ trong gia đình phải phục tùng người chồng tuyệt đối “thuyền theo lái, gái theo chồng” ở rất nhiều khía cạnh, trong đó có khía cạnh về tình dục như: đã là vợ chồng thì phải có nghĩa vụ quan hệ tình dục, phải phục vụ nhu cầu tình dục của nhau, phải sinh con dù muốn hay không…

Bên cạnh đó, Luật PCBLGĐ năm 2007 tại Mục đ Khoản 1 Điều 2 quy định về các nhóm hành vi bạo lực gia đình chỉ có khá niệm chung là “cưỡng ép quan hệ tình dục” nên vô hình chung cùng nhiều cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau của các chủ thể, cá nhân khi thực thi luật đã tạo ra “khoảng trống” của pháp luật và là một trong những nguyên nhân làm cho các vụ bạo lực tình dục trong quan hệ vợ chồng chưa được xử lý nghiêm.

Dự thảo Luật PCBLGĐ sửa đổi đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp rộng rãi và trong hội thảo góp ý dự thảo Luật do Hội LHPN Việt Nam phối hợp cùng Cơ quan Phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức ngày 17/3/2022, điều luật về nhóm hành vi bạo lực gia đình đã “chỉ mặt, đặt tên rõ ràng” cho hành vi “cưỡng bức tình dục trong hôn nhân”. Đó là “cưỡng ép quan hệ tình dục, cưỡng ép thực hiện hành vi tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng” là bạo lực gia đình.

Theo TS. Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội khóa XIV, “việc giải thích chưa rõ ràng về khái niệm bạo lực giới trong Luật PCBLGĐ đã dẫn đến việc luật bỏ qua nhiều hình thức bạo lực phổ biến ở Việt Nam, bao gồm bạo lực tình dục, hãm hiếp trong hôn nhân… Cần đưa ra các định nghĩa rõ ràng về bạo lực giới và đảm bảo các quy định về bạo lực tình dục phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, hoặc tối thiểu là với các hành vi tội phạm bị truy tố theo Bộ luật Hình sự”.

Theo điều tra bạo lực với phụ nữ được Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Thống kê, Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy: có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất 1 hình thức bạo lực trong 12 tháng, cứ 3 phụ nữ có 1 người bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.

Không “gói gọn” bạo lực gia đình trong nội bộ gia đình

Luật PCBLGĐ năm 2007 có quy định “Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng” (Khoản 2 Điều 2). Khi tiến hành sửa đổi Luật, có nhiều ý kiến cho rằng, quy định này là thừa và nên bỏ vì đã là phòng, chống bạo lực gia đình thì chỉ nên “gói gọn” trong phạm vi gia đình được pháp luật thừa nhận.

Là chuyên gia lâu năm về lĩnh vực gia đình, Thạc sĩ Hoa Hữu Vân nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH-TT&DL phát biểu tại hội thảo ngày 17/3 cho rằng không nên loại bỏ quy định này vì các vụ việc bạo lực gia đình từ trước đến nay xảy ra rất nhiều ở các mối quan hệ hậu ly hôn và ở những cặp vợ chồng chung sống không có đăng ký kết hôn. “Ngay từ khi soạn thảo Luật PCBLGĐ năm 2007 vấn đề này đã được cân nhắc rất nhiều và ban soạn thảo khi đó đã quyết định đưa vào để bảo vệ những nạn nhân của bạo lực trong các mối quan hệ thực tế đã và đang tồn tại trong xã hội như vậy”.

ảnh minh họa

ảnh minh họa

Cùng quan điểm, luật sư Lê Thị Ngân Giang – Đoàn Luật sư TP.HN nêu dẫn chứng về những vụ việc đau lòng gần đây như vụ bé gái 8 tuổi ở TP.HCM bị người phụ nữ sống cùng bố đánh tử vong, vụ bé gái 3 tuổi bị người đàn ông sống chung với mẹ bắn đinh vào đầu, một số vụ chồng cũ giết chết, hành hung vợ cũ sau hôn nhân…để nhấn mạnh việc cần phải giữ lại quy định đó. “Cần phải hiểu rằng, Luật PCBLGĐ khác Luật Hôn nhân – Gia đình ở chỗ chỉ điều chỉnh những “gia đình có bệnh” và những nạn nhân của “chứng bệnh bạo lực” đó cần được bảo vệ khẩn cấp. Nếu chúng ta không có quy định bao trùm như vậy thì họ sẽ được bảo vệ theo quy trình nào” – luật sư Ngân Giang đặt câu hỏi.

“Các biện pháp xử phạt trong Luật PCBLGĐ không coi bạo lực gia đình là hành vi phạm tội tương đương với bạo lực gây ra ngoài gia đình, và như vậy vô hình chung Luật hàm ý đưa ra các thông điệp tiêu cực rằng cả nạn nhân và thủ phạm đều phải chịu trách nhiệm chung với bạo lực gia đình. Do đó, cần phải xem xét, nghiên cứu sửa luật sao cho đảm bảo rằng thủ phạm bạo lực gia đình là người duy nhất phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi bạo lực gia đình; không sử dụng hòa giải gia đình như là giải pháp chủ chốt của Luật PCBLGĐ; hạn chế việc sử dụng các biện pháp phạt bằng tiền thay cho việc kết án” – TS Bùi Sỹ Lợi.

Đọc thêm