Cựu binh mở bảo tàng kỷ vật chiến tranh

(PLO) - Với mong muốn “Không ai, không điều gì bị lãng quên”, nhiều năm qua, cựu chiến binh Vũ Đình Lưu ở TP Nam Định đã cất công sưu tầm được 1.400 kỷ vật thời chiến. 10 năm trước, ông mở bảo tàng tư nhân về kỷ vật chiến tranh. Nay tuổi cao sức yếu, ông hiến tặng toàn bộ số hiện vật trên cho Bảo tàng tỉnh Nam Định. Mỗi hiện vật của ông Lưu là đời người, một câu chuyện cảm động…
Cựu binh mở  bảo tàng kỷ vật chiến tranh

Rong ruổi trên chiếc xe máy cà tàng đi tìm kiếm kỷ vật thời chiến 

Chiều 21/12/2017, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã tổ chức lễ tiếp nhận 1.400 kỷ vật chiến tranh do ông Vũ Đình Lưu - chủ nhân Bảo tàng Chiến tranh (địa chỉ 9/17 đường Đặng Việt Châu, phường Cửa Bắc, TP Nam Định) hiến tặng... Sau nhiều năm thu thập kỷ vật chiến tranh, “gia tài” của ông Lưu gồm 1.400 kỷ vật, được phân chia làm 3 thời kỳ là thời kỳ kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và thời kỳ bao cấp.

Trong đó có 330 hiện vật là quân trang và quân phục, 124 hiện vật là vũ khí, khí tài trang bị cho người lính, 101 chiến lợi phẩm, 136 kỷ vật của cá nhân và gia đình người lính, 709 hiện vật thời bao cấp. Có nhiều hiện vật thuộc loại quý như: Bản đồ biệt khu Thủ đô trước năm 1950, chiếc máy ảnh của Pháp được sản xuất năm 1932, người Pháp đưa sang nước ta sử dụng trong thập niên 40-50 của thế kỷ XX và nhiều kỷ vật quý hiếm của bộ đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954… Mỗi kỷ vật đều gắn với những câu chuyện cảm động.

Ông Vũ Đình Lưu sinh năm 1945. Tháng 5/1969, tốt nghiệp Đại học Bách khoa, được duyệt về công tác tại Cục Quân y nhưng sinh viên Vũ Đình Lưu một mực xin ra trận. Ông Lưu từng là Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. Thời kỳ đạn bom khói lửa, ông cùng đồng đội chiến đấu anh dũng trên khắp các chiến trường ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ như: Thành cổ Quảng Trị, Đường 9 - Nam Lào.

Sau 5 năm chiến đấu ở Quảng Trị, Tây Nguyên và Lào, năm 1974, sau khi bị thương với thương tật 2/4, ông Lưu xuất ngũ, sau đó đi học ở Liên Xô. Trở về, ông Lưu chuyển sang công tác tại Liên hiệp Nông - Công nghiệp rau quả Quảng Nam - Đà Nẵng. 9 năm sau, vào năm 1991, ông trở về quê ở Nam Định làm Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu tỉnh Nam Định, tới năm 2004 nghỉ hưu. 

Việc sưu tầm kỷ vật được ông Lưu thực hiện từ năm 2004, sau khi đi vào Đà Nẵng, Quảng Trị thăm lại chiến trường xưa. Chứng kiến đồng đội rưng rưng khóc khi hồi tưởng lại một thời bom đạn ác liệt, nhìn các kỷ vật mà những đồng đội đã hy sinh để lại, ông thấy lòng mình se lại. Ông Lưu chia sẻ: “May mắn được trở về sau chiến tranh nhưng những hy sinh, mất mát quá lớn của đồng đội khiến tôi luôn ám ảnh, day dứt, mong muốn làm được một việc gì đó để tri ân đồng đội. Sau ngày về hưu, tôi quyết định dành thời gian còn lại để sưu tầm lại những kỷ vật chiến tranh, với mong muốn lưu giữ lại những kỷ vật đã gắn bó với những người lính trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc”. 

Để có các kỷ vật, ông Lưu đã phải lặn lội hàng nghìn cây số trên chiếc xe máy Future cũ, đi lại nhiều lần mới sưu tầm được. Vậy là, rong ruổi trên chiếc xe máy cà tàng đi khắp mọi miền đất nước, từ những vùng núi cao như Bắc Kạn, Hà Giang hay chiến trường miền Trung Quảng Trị, Quảng Bình, rồi đến những vùng đất xa xôi của Tây Nam bộ. Có lúc xe thủng xăm, hết xăng phải dắt bộ hàng chục km, hay mắc kẹt trong bản biên giới đến cả tuần, cựu binh Vũ Đình Lưu vẫn không sờn lòng.

Ban đầu, những kỷ vật ông Lưu mang về được ông xếp vào một cái tủ. Đầy tủ thì ông xếp kín căn phòng trên tầng 3, đầy nhà thì ông xếp vào tận bếp. Sau khi hàng xóm chuyển nhà đi, ông mua lại mảnh đất bên cạnh xây lên một căn nhà rộng khoảng 40 m2. Bảo tàng tư nhân về kỷ vật chiến tranh ra đời ngày 22/12/2007. Khi đó ông Lưu mới sưu tập được 360 kỷ vật để trưng bày.

Nơi đâu có những người gìn giữ các kỷ vật từ thời chiến ông đều đi đến tận nơi, tận tay mình mang về bảo tàng trưng bày. Sau mỗi chuyến đi như thế, ông lại mang về khi thì vài chiếc huy hiệu, cái mũ tai bèo, lúc vài con dao nhíp hay cuốn nhật ký còn viết dở… Con đường đi tìm lại kỷ vật của ông cũng lắm gian nan, mỗi kỷ vật đều mang dấu ấn một hành trình, một câu chuyện vui buồn.

Những câu chuyện cảm động

Bảo tàng của ông Vũ Đình Lưu đa phần là những kỷ vật rất gần gũi với người lính, từ những thứ nhỏ nhất mà bảo tàng cấp quốc gia cũng không có được mở cửa miễn phí. Nơi đây, nhiều năm qua đã trở  thành “địa chỉ đỏ” để các cựu chiến binh gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm xưa và là nơi giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử đấu tranh giữ nước của cha ông. Những ngày tháng 7, từng đoàn khách lại tìm về bảo tàng của ông, nhất là những người đồng đội để ôn lại những kỷ niệm chiến đấu của mình. Từ khi bảo tàng được mở đã có hàng nghìn lượt khách đến tham quan. Mỗi khi khách đến, ông Lưu kiêm luôn hướng dẫn viên giới thiệu, kể về từng đồ vật.

Mỗi kỷ vật được đưa về, ông Lưu đều ghi rõ ràng, từ mảnh áo đến chiếc mũ đều được làm tới 3 bộ hồ sơ, một do bảo tàng giữ, một nộp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định, một gửi Cục Di sản. Trong số kỷ vật ấy, ông Lưu rất trân trọng chiếc hũ sành đựng đỗ xanh của Mẹ Việt Nam Anh hùng Tạ Thị Uôn (ở Nam Định).

Ông Lưu kể: “Mẹ Uôn có 3 người con trai, sau khi 2 người anh hy sinh, người con út đã xung phong lên đường để trả nợ nước, trả thù nhà. Từ ngày anh lên đường, mỗi ngày mẹ Uôn bỏ vào hũ sành một hạt đậu xanh để vơi đi niềm thương nhớ con và tính ngày con trai chiến thắng trở về. Nhưng khi chiến tranh kết thúc cũng là lúc mẹ nhận được tờ giấy báo tử thứ 3. Trước khi mất, Mẹ đã trao cho tôi chiếc hũ sành bà đã giữ nhiều năm. Những hạt đỗ đó không bảo quản được nên tôi bỏ những ngôi sao hy vọng như ước nguyện của Mẹ lúc còn sống”.

Nhiều kỷ vật phải rất vất vả ông Lưu mới tìm được. Một lần, nghe tin một gia đình còn giữ được một cái ca uống nước, ông Lưu tìm đến để xin. Chủ nhà bảo vừa vứt ra xe rác chiều hôm qua. Thế là ông Lưu vội vã đến công ty môi trường hỏi tên người nhặt rác đoạn đường đó, rồi tìm người nhặt rác hỏi người lái xe chở rác. Lăn lộn trong bãi rác mất 2 ngày ông mới tìm lại được chiếc ca.

Phần lớn kỷ vật trong bảo tàng ông Lưu do chính chủ nhân trao tặng. Biết được việc làm đầy ý nghĩa của ông, nhiều người đã mang kỷ vật tới tận nhà trao tặng. Nhiều kỷ vật có người hỏi mua nhưng chủ không bán, mà tìm đến tận nhà gửi tặng ông Lưu, có người đã tặng hàng chục kỷ vật giá trị. Để việc bảo quản kỷ vật được tốt, ông Lưu đã dành dụm lương hưu trang bị hệ thống chiếu sáng, máy hút bụi, hút ẩm, máy sấy, máy điều hòa phục vụ cho công tác bảo tồn.

Ông Lưu nhớ mãi câu chuyện về bộ dụng cụ y tế do dược sỹ Phạm Văn Bổng ở Nho Quan (Ninh Bình) tặng. Ông Lưu kể: “Năm 2012 tôi đến nhà anh Bổng trước là dược sỹ làm việc tại binh trạm 38, đường 9 Nam Lào, thuộc tỉnh Attapeu của Lào. Tình cờ trong ngày hôm đó, tôi gặp cả bác sĩ Vũ Đình Khôi là trạm trưởng của binh trạm này và thương binh Đặng Kim Tịch - người đã từng điều trị tại Binh trạm 38. 3 người kể, lúc đó chiến tranh khốc liệt, Binh trạm 38 có quá nhiều chiến sĩ bị thương, thuốc men thiếu thốn đủ đường. Thiếu nước cất tiêm cho anh em nên anh Bổng và anh Khôi đã dùng màn tuyn, chăn hấp nóng lên rồi dùng mảnh tăng che lại. Khi nước bốc hơi lên tấm nilon, anh em đã hứng làm nước cất. Sau khi tạo ra nước cất, không biết nước đã vô trùng chưa nên anh Khôi không dám tiêm cho những đồng chí bị thương. Thấy vậy, anh Bổng bảo anh Khôi tiêm nước cất vào người mình trước. Nếu sau 15 phút mà anh Bổng vẫn bình thường thì sẽ tiêm cho những người bị thương. Nhờ có sự dũng cảm đó mà rất nhiều đồng chí bị thương đã được cứu, trong đó có anh Đặng Kim Tịch”.

Khi anh lính đi mở đường Trường Sơn Đinh Thành Chiếu hy sinh, người ta gửi một cái gùi về cho gia đình anh. Gia đình anh Chiếu đã lập bàn thờ và đặt chiếc gùi lên bàn thờ. Cứ đến ngày giỗ, mọi người trong dòng tộc lấy tay xoa lên cái gùi và thắp hương như cách tưởng nhớ anh. Ông Lưu vào làng Vân Trình, huyện Nho Quan (Ninh Bình), người dân giới thiệu ông đến gia đình anh Chiếu. Ông đã phải lặn lội về gia đình liệt sĩ Chiếu đến lần thứ 4, thì chị dâu của liệt sỹ Chiếu mới “xiêu lòng” và vận động họ hàng đồng ý cho ông chiếc gùi. 

Trước đây, hàng ngày ông Lưu đều dậy từ sáng sớm, cẩn thận, tỉ mỉ lau chùi từng kỷ vật mà với ông đó là những báu vật vô giá. Ông tâm niệm: Phải lưu giữ và nhắc nhở thế hệ sau không quên lãng một thời hào hùng của dân tộc. 

Đọc thêm